ĐBQH Trần Văn Tấn: Góp ý xây dựng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng
Ngày 9-11-2012, đại biểu Quốc hội họp ở Hội trường để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến đóng góp đối với dự án Luật, đại biểu Trần Văn Tấn (ảnh) – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đóng góp 5 nội dung cụ thể sau đây:
Thứ nhất, về công khai bản kê khai tài sản thu nhập được quy định tại Điều 52, theo Tờ trình dự án luật của Chính phủ, trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện công khai nơi cư trú.
Về công khai tại nơi cư trú cần phải được quy định chặt chẽ, tránh lạm dụng vào các mục đích tiêu cực. Kết luận của Hội nghị Trung ương 5, khóa XI có nêu “sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản khác để thực hiện việc công khai kết quả kê khai tài sản thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức, viên chức”.
Nghị quyết của Đảng đã quy định như thế mà không luật hóa ngay thì về mặt chính trị lại chưa ổn. Vì vậy, đề nghị dự án luật cần quy định mang tính nguyên tắc; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và có lộ trình thực hiện.
Thứ hai, về xử lý người kê khai tài sản thu nhập không trung thực, không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc tài sản tăng thêm được quy định tại Điều 64, đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại nội dung quy định tại Khoản 1: Người kê khai tài sản thu nhập không trung thực, người không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc tài sản tăng thêm bị xử lý kỷ luật, vì đã qua các bước giải trình, xác minh mới có kết luận này, trong đó việc quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giúp các cơ quan có thẩm quyền bước đầu kiểm soát biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, qua đó giúp ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.
Trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là việc cung cấp thông tin xác thực, nhằm làm rõ tính hợp pháp của phần tài sản tăng thêm thuộc diện phải kê khai. Nhưng dự án luật chỉ quy định xử lý kỷ luật người kê khai tài sản thu nhập không đúng, không quy định việc xử lý tài sản thu nhập kê khai không đúng, không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Vì vậy, quy định như dự án luật chưa thể đảm bảo được công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, chưa đủ sức răn đe người có hành vi tham nhũng, bởi lẽ, điều quan trọng nhất và là điểm vướng mắc căn bản của quy định hiện hành về kê khai minh bạch tài sản, thu nhập chưa có tác dụng phát hiện và phòng ngừa tham nhũng.
Do đó, đề nghị dự án luật cần bổ sung quy định việc triển khai điều tra, xác minh tiếp để làm rõ động cơ kê khai không trung thực và chưa giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền xem xét minh bạch việc kê khai, việc giải trình và có chế tài cụ thể đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà mình kê khai không trung thực và không giải trình được một cách hợp lý.
Thứ ba, về quy định biện pháp tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng được quy định tại Điều 66 và Điều 75, đại biểu Trần Văn Tấn đồng ý quy định khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức do mình trực tiếp quản lý có dấu hiệu tham nhũng hoặc khi có kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác mà không quy định tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng, vì:
Một là, quy định này phù hợp với quy định tại Điều 81 về tạm đình chỉ đối với cán bộ, công chức của Luật cán bộ, công chức.
Hai là, để phục vụ cho công tác xác minh, xem xét và xử lý được thuận lợi, đề nghị dự án luật cũng cần quy định rõ dấu hiệu tham nhũng và quy định việc tạm đình chỉ công tác phải ban hành quyết định.
Thứ tư, về vai trò, trách nhiệm của báo chí được quy định tại Điều 99, Khoản 4 bổ sung quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, đề nghị dự án cần quy định rõ thông tin, tài liệu mà cơ quan pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng cần được cung cấp bao gồm những gì, có giới hạn nào không hay những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nhiệm vụ cung cấp khi có yêu cầu.
Vì thông tin và tài liệu của báo chí rất đa dạng bằng văn bản hay hình thức ghi âm. Nếu yêu cầu phải giao băng ghi âm đó cho cơ quan chức năng có thẩm quyền thì khác nào báo chí đã tiết lộ nguồn tin của mình và có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho người tố cáo.
Vì vậy, luật cần quy định rõ thông tin, tài liệu mà cơ quan pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng được cung cấp là thông tin mà báo chí, phóng viên đưa tin về vụ tham nhũng hay nguồn tin dựa vào đó báo chí phát hiện vấn đề.
Thứ năm, về những vấn đề cụ thể: Một là, Khoản 2, Điều 1 dự án luật quy định tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi. Khoản 5, Điều 2 quy định vụ lợi là lợi ích vật chất tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được và có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng.
Để làm rõ hơn, đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể hoặc giao cơ quan hướng dẫn về việc xác định hành vi tham nhũng, chủ thể tham nhũng như thế nào là vụ lợi về tinh thần. Vì trên thực tế thi hành luật thì việc xác định một người có vụ lợi về vật chất là tương đối dễ nhưng xác định vụ lợi tinh thần là rất khó, không có định tính, định lượng cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng thường bỏ qua không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có vụ lợi về tinh thần.
Hai là, về trách nhiệm quản lý của nhà nước được quy định tại Điều 103, tại Khoản 1 quy định Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Khoản 3 quy định Ủy ban nhân dân có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
Quy định như dự án luật là chưa rõ ràng, không tiến bộ hơn luật hiện hành, luật hiện hành quy định rất cụ thể và phù hợp với thực tế là hàng năm Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Ủy ban nhân dân có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng phải được công khai, do đó, đề nghị dự án luật lần này cần phải kế thừa những quy định phù hợp của luật hiện hành.
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)