Thứ Sáu, 02/11/2012, 09:22 (GMT+7)
.

Đề xuất giải pháp phát triển KT-XH, kiến nghị về các công trình bức xúc

Sáng ngày 30-10, Quốc hội họp ở Hội trường để thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Đại biểu Trần Văn Tấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tham luận, đề xuất 4 vấn đề sau:

Một là, các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ tuy đã phát huy tác dụng, diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn, nhưng nguy cơ lạm phát cao trở lại vẫn còn tiềm ẩn.

Ai cũng biết, lạm phát tăng cao đã gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người sản xuất, đời sống của nhân dân đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Hiện tại, nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát cao trở lại vẫn còn tiềm ẩn, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt đang trông chờ cơ hội để tăng giá, nếu không có sự kiên quyết trong quản lý, điều hành thì nguy cơ lạm phát cao quay trở lại là khó tránh khỏi.

Trong đó, quan trọng nhất là làm sao quản lý và kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng có tính chất chiến lược chi phối mạnh đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh và toàn bộ đời sống xã hội như: Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào, thuộc mặt hàng chiến lược của nền kinh tế.

Giá xăng tuy đã được xã hội bàn nhiều, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định cơ chế điều hành, các cơ quan quản lý ở Trung ương đã vào cuộc điều hành theo quy định, nhưng dư luận nhân dân vẫn chưa thật sự đồng tình với kết quả điều hành của Nhà nước.

Vẫn còn có ý kiến cho rằng, giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước lập tức tăng cao, trong khi giá xăng thế giới giảm thì doanh nghiệp trì hoãn việc đề nghị giảm giá. Khi tăng giá xăng thì tăng cao, khi giảm giá xăng thì giảm ít.

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó là giá vàng gần đây cũng đang trở thành vấn đề quan tâm của xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta chưa kéo được giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới như mong muốn là do công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước còn nhiều bất cập, trong đó nổi lên là việc tạo ra cơ chế độc quyền trong kinh doanh và cơ chế điều hành chưa linh hoạt, dẫn đến làm tăng cao giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới; đến vàng nhái cũng là vàng nhưng giá lại rẻ hơn; rồi vàng miếng không phải vàng SJC bị mất giá.

Chính phủ cần sớm có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định thị trường vàng, giảm nguy cơ chi phối giá cả trong nước.

Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu quan trọng là đầu vào cho sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống của nhân dân. Có quy chế quản lý, điều hành công khai, minh bạch về giá đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá và chưa được thực hiện đúng theo cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ.

Hai là, tăng cường quản lý chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước. Hiện tại, đang có tình trạng cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn doanh nghiệp và người sản xuất trong nước rất quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp nhằm đối phó có hiệu quả với sức ép của các loại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Thời gian gần đây, thị trường trong nước liên tục đón nhận những thông tin về hàng nhập khẩu kém chất lượng. Cụ thể, mới đây cơ quan chức năng đã công bố các mẫu trái cây như lựu, nho, mận… nhập khẩu từ Trung Quốc đang bày bán trên cả nước có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép ở mức rất cao, có nguy cơ gây ra các bệnh tim, gan, thận, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh.

Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi xuất ra nước ngoài phải chịu nhiều loại rào cản kỹ thuật về chất lượng, chỉ một sai sót nhỏ là không được nước nhập khẩu chấp nhận để bảo vệ sức khỏe người dân của nước họ; hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng luôn bị các nước nhập khẩu kiện về giá cả để bảo vệ người sản xuất trong nước của họ.

Tình hình trên làm cho việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài gặp không ít khó khăn, ngay cả việc cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng có những mặt yếu thế. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán.

Quy định tiêu chuẩn và kiểm tra chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ba là, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đang đặt ra nhiều vấn đề phải tiếp tục báo động. Mặc dù hiện nay Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập cơ quan quản lý về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng chất lượng nhìn chung còn rất kém.

Nhiều loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng, chưa được kiểm tra chất lượng vẫn được nhập vào bán cho người tiêu dùng; nhiều loại thịt bẩn, nhiều thực phẩm được sản xuất, chế biến có chứa những hóa chất độc hại cho sức khỏe nhân dân vẫn được bày bán khắp nơi.

Những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra ngày càng nhiều tại các bếp ăn tập thể của công nhân, ngay cả tại các trường học, nhà trẻ và các vụ ngộ độc phải đi cấp cứu trong nhân dân ngày càng tăng đang là sự nguy hại đã được cảnh báo. Những thức ăn độc hại đó không chỉ làm suy giảm sức khỏe của người tiêu dùng hiện tại, mà nó còn tác động đến chất lượng các thế hệ người Việt Nam trong tương lai.

Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường quản lý vệ sinh thực phẩm; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh; nâng cao hiểu biết của người người tiêu dùng để tự bảo vệ mình; chế tài thật nghiêm các đối tượng vi phạm quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm để giảm thiểu bệnh tật, nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Bốn là, kiến nghị của cử tri Tiền Giang về việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình do Trung ương làm chủ đầu tư tại địa phương. Các công trình đầu tư thuộc Bộ Giao thông - Vận tải quản lý, giao cho các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án thực hiện đã và đang xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Dự án Quốc lộ 50, cầu Chợ Gạo, cầu Mỹ Lợi…

Tuy nhiên, Dự án Quốc lộ 50 đang được Bộ Giao thông - Vận tải và chủ đầu tư thực hiện hoàn thành giai đoạn 1, đang chờ kết cấu mặt đường ổn định sẽ triển khai giai đoạn 2 để hoàn chỉnh, nhưng do phương tiện giao thông di chuyển nhiều, lại trong thời điểm mùa mưa nên hiện nay mặt đường Quốc lộ 50 đang bị hư, lún nhiều đoạn, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Trước thực trạng đó, nhiều người dân ở dọc Quốc lộ đã vận động quyên góp hàng chục triệu đồng, huy động hàng trăm ngày công để dặm vá như báo chí những ngày qua đã đưa tin. Do vậy cử tri Tiền Giang đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm chỉ đạo khắc phục sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, đi lại của nhân dân được an toàn hơn.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)
 

.
.
.