Chiến thắng Ấp Bắc: Câu chuyện mãi lưu truyền
50 năm đã trôi qua, những người nông dân Ấp Bắc chứng kiến trận đánh quyết tử này giờ không còn được mấy người, nhưng câu chuyện về trận đánh Ấp Bắc thì vẫn được lưu truyền…
Thời gian dần trôi, nhân chứng sống trong trận Ấp Bắc tuổi càng cao, già yếu, trí nhớ giảm sút. Dẫu biết thế, song trong chuyến đến xã Tân Phú lần này, tôi vẫn cố tìm anh Trần Văn Trị chia sẻ với tôi điều đó.
Anh mách: “Từ nhỏ tui đã nghe má tui kể chuyện trận đánh Ấp Bắc hay lắm. Nghe riết rồi tui cũng thuộc lòng!”. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi liền theo anh Trị đến gặp mẹ anh - bà Võ Thị Nuôi (bà Hai), là dân cố cựu ở đây.
Thửa ruộng của bà Võ Thị Nuôi, nơi bộ đội ta chặn đánh xe tăng địch. |
Bà Hai tuy đã 77 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn, cứng cõi và giọng nói hào sảng đúng chất người nông dân Nam bộ.
Gợi lại chuyện về trận đánh Ấp Bắc, bà Hai hoạt bát hẳn lên: “Tưởng kể chuyện gì, chứ chuyện trận đánh Ấp Bắc thì dài lắm, cháu muốn nghe đoạn nào?”. Rồi bà hào hứng kể: Khuya 1-1, rạng sáng ngày 2-1-1963, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng đốn cây lộp cộp bên hông nhà.
Bà Hai thức dậy bước ra xem thì thấy công sự đã được đào cặp mé hông nhà. Bộ đội đang đốn cây để ngụy trang. Lo lắng chiến sự nên bà Hai không thể nào ngủ được.
Tầm 3 hoặc 4 giờ sáng, bà nghe tiếng xe GMC của địch chạy ầm ầm, rồi dừng lại đổ quân ngoài đầu lộ 24 và 25 (hướng vào Ấp Bắc). Bà Hai biết chắc địch sẽ càn vào Ấp Bắc và sẽ có một trận đánh lớn xảy ra. Bà Hai vào gọi ông Hai dậy chuẩn bị đi tản cư. Ông bảo không đi đâu hết, nó vào thì mình đánh! Bà Hai cứ phập phồng, lo lắng, không biết chiến sự sẽ diễn ra như thế nào và bộ đội ta có đánh thắng không…?
Bà kể rành mạch: Địa phương quân Châu Thành ém quân ở hướng Tây để đón đánh địch. Tiểu đoàn 261 thì ém quân ở hướng Nam. Tiểu đoàn 514 đón địch ở hướng Đông… Bộ đội mình giỏi thiệt, nhà bà ngay trong vùng địa hình, bộ đội về ém quân chuẩn bị đánh địch mà không ai hay biết.
Người phụ nữ rặt chất Nam bộ sôi nổi kể tiếp: Tờ mờ sáng thì chiến sự bắt đầu. Địch từ hướng Quốc lộ càn vào đụng ngay bộ đội của Tiểu đoàn 261 chặn đánh quyết liệt. Pháo, đạn… của địch bắn trả vèo vèo trên đầu. Cả nhà bà Hai vào nấp trong trảng-xê.
Bên hướng Tây, địch tràn vào đụng địa phương quân Châu Thành phục chờ sẵn. Do công sự sát vách nhà nên gia đình bà nghe rất rõ khẩu lệnh chỉ huy của bộ đội: “Địch còn cách 1km. Cách 500m. Cách 50m. Nổ súng!”. Tiếng súng đồng loạt nổ vang rền, xé toạt bầu không khí trong buổi sớm mai. Bị chặn đánh rát và bất ngờ, địch lùi xa hơn cây số để củng cố đội hình, sau đó đánh trả lại quyết liệt, nhưng đều bị bộ đội ta đánh bật ra…
Bà Hai hồ hởi: Khi tiếng súng tạm ngưng, một số chú, bác lớn tuổi trong làng lo lắng nên liều đi tìm để hỏi thăm tình hình anh em bộ đội. Sợ anh em bộ đội đói, không có sức đánh địch, các chú, các bác muốn nấu cơm tiếp tế, nhưng anh Bảy Đen nói với mọi người: “Bộ đội ta quyết đánh tối ngày với địch. Bà con cứ an tâm, đừng lo lắng mà hãy tìm nơi trú ẩn an toàn!”.
Bà Hai kể tiếp: Không thể tiến vào đội hình của ta, địch gọi chi viện. Xe tăng càn vào vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 261, pháo địch dập vào địa hình của ta rất dữ đội. Bộ đội ta chỉ trang bị vũ khí thô sơ, đạn dược lại thiếu thốn nên bà con rất lo lắng, không biết bộ đội ta có đánh trả nổi không?
Thế rồi bộ đội ta đã tiêu diệt được xe tăng của địch, làm cho địch hốt hoảng tháo chạy. Giọng bà Hai chùn xuống: Tuy nhiên, về phía bộ đội ta, trong đợt đánh xe tăng đã có 3 chiến sĩ hy sinh… Người dân ở đây ai cũng cảm phục và quý mến 3 “Chiến sĩ Gang thép!”. Bà Hai chỉ tay về hướng thửa ruộng của mình: Miếng ruộng cả mẫu bị xe tăng địch quần thảo nát bét. Mùa vụ đó, cắt không tới 20 giạ lúa.
Nghe kể đến đây, anh Trị chen vào: Má kể thiếu rồi, còn cái đoạn bộ đội mình trèo lên mấy cây me bắn hạ máy bay địch nữa chi! Bà Hai cười: Ờ hén, quên. Cái đoạn bộ đội bắn hạ máy bay địch thì vầy nè…
Giọng bà Hai lại hùng hồn: Do đây là trận càn lớn vào Đồng Tháp Mười nhằm tiêu diệt lực lượng của ta, nên địch dùng xe tăng và tàu bay (máy bay) để yểm trợ cho bộ binh.
Bà Hai vung tay diễn tả, giọng nông dân chất phác: Tàu bay của địch kéo có bầy, “đen con” như chuồn chuồn, giăng kín bầu trời Ấp Bắc. Bom, pháo dội xuống trận địa không biết cơ mang nào mà kể cho hết. Trận đánh kết thúc, cây cối trong khu địa hình đỏ hoạch như tôm luộc, nước dưới kinh đen ngòm, gà, vịt, heo… chết lạng đã.
Trở lại chuyện đánh “tàu bay” của bộ đội ta, bà Hai tiếp: Công nhận là bộ đội mình giỏi, súng ống không tân kỳ mà bắn trúng tàu bay của địch. Một số anh em bộ đội đã dũng cảm, mưu trí trèo lên mấy cây me để bắn tàu bay. “Hạ được máy bay rồi!”. Tiếng vỗ tay reo hò của bộ đội làm bà con ai cũng nức lòng.
Thấy bà Hai ngừng kể, anh Trị lại nhắc: “Còn cái đoạn bộ đội mình đánh lính dù nữa má!”. Ánh mắt bà Hai lại vụt sáng lên: Ờ, còn cái đoạn đánh lính dù thì vầy nè…
Tầm 4, 5 giờ chiều, thấy không thể thắng được bộ đội ta, địch tiếp tục chi viện quân dù để bao vây. Những tên lính dù lơ lửng ngay trên địa hình đóng quân của Tiểu đoàn 514. Nhiều tên bị trúng đạn ngay trên không, rớt xuống mắc kẹt trên ngọn cây. Những tên còn lại khi tiếp đất, hoảng loạn nên bị ta tiêu diệt gọn…
Đó là câu chuyện sống động về trận Ấp Bắc mà bà Hai thường kể cho mọi người nghe. Anh Trị cho biết thêm: Gia đình anh có truyền thống cách mạng, bà nội anh cùng 2 người chị dâu và em dâu của bà nội được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Con gái anh Trị (Trần Thị Ngọc Hân) hiện là nhân viên thuyết minh trong Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc. Ngọc Hân thường kêu bà nội kể chuyện Chiến thắng Ấp Bắc cho nghe nhằm bổ sung thêm kiến thức để thuyết minh cho du khách phong phú hơn.
Thế hệ trước kể chuyện về trận Ấp Bắc cho thế hệ sau. Cứ như vậy ký ức về chiến thắng oanh liệt ngày nào vẫn lưu truyền như bản hùng ca bất tận.
NGUYÊN CHƯƠNG