Ngày 2-1-2013: Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp
Ngày 14-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố một số nghị quyết, luật và pháp lệnh được Quốc hội (QH) thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Theo ông Ngô Tự Nam - Phó trưởng Ban công tác đại biểu, dự thảo của Ủy ban Thường vụ QH trình QH việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu.
Tuy nhiên sau khi QH thảo luận cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH đã trình QH thông qua đối tượng bỏ phiếu được rút gọn. Cụ thể, đối với QH, tổng số người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là 49 người. Đối với HĐND, số người lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tùy theo từng cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã.
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng, ông Đỗ Gia Thư (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ) cho biết, luật đã bỏ cụm từ “Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng” tại khoản 4, điều 55 và bãi bỏ điều 73 của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
Như vậy, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng. Đáng chú ý, luật bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản. Theo đó, bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai.
Theo bản giới thiệu nghị quyết của QH đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hình thức lấy ý kiến bao gồm: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức theo quy định; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua trang thông tin điện tử của QH (http://duthaoonline.quochoi.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào 31-3-2013.
(Theo tuoitre)