Thứ Hai, 24/12/2012, 19:24 (GMT+7)
.

“Cánh đồng Hai Lước”

Một buổi sớm (tháng 5-1966), cảnh làng quê yên tĩnh, bà con chuẩn bị ra đồng cấy lúa, bỗng ba chiếc trực thăng từ căn cứ Bình Đức lao tới gầm rú quầng đảo dọn bãi cho lính Mỹ đổ quân càn quét vùng Bình Trưng - Nhị Bình (Châu Thành).

Xã Đội phó Tạ Văn Lước nhanh như chớp thộp khẩu súng băng qua liếp chuối sau nhà tiếp cận bờ ruộng. Tư thế hiên ngang, Lước chỉa súng đón đầu tốp trực thăng nhả đạn. Một chiếc trực thăng trúng đạn lảo đảo, lao xuống cánh đồng Bình Trưng. Bọn Mỹ tức tốc đổ quân cấp cứu 3 tên lính bị thương nặng. Lước “tỉa” tiếp chính xác vào bọn Mỹ đang hoảng loạn, buộc chúng bỏ cuộc càn.

Anh Lước là người du kích đầu tiên ở ĐBSCL dùng súng trường hạ gục trực thăng chiến đấu Mỹ, đã cổ vũ phong trào dùng súng trường bắn trực thăng, góp phần quan trọng đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Sau chiến công lẫy lừng này, Đảng bộ và nhân dân Bình Trưng đặt ngay tên cánh đồng quê hương là “Cánh đồng Hai Lước” thân thương, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Tuy không có tượng đồng, bia đá đặt nơi đây, nhưng đến nay bà con ai cũng tỏ lòng ngưỡng mộ mỗi khi đứng trước “Cánh đồng Hai Lước”.

Tháng 10-1970, tôi có dịp gặp Hai Lước vài tiếng rất thú vị ở căn cứ Bình Trưng. Trước mắt tôi, anh quả là một nông dân da ngăm chắc, mặt trái xoan, mắt đen sâu lắng, vui tính, giản dị...

Lước ít nói về mình, thích nói về đồng đội và bà con chống giặc. Lước chỉ còn một cánh tay, mình đầy thương tích. Tôi đã biết chiến công của Lước và nhìn anh tôi càng hiểu về anh.

Trong một trận đánh, Lước dùng dao chặt đứt một cánh tay bị thương lặt lìa để xung phong diệt địch ở Bàn Long (năm 1967). Tôi gọi Lước là La Văn Cầu của miền Nam. Anh hỏi tôi: “La Văn Cầu là ai?” Tôi nói: “Anh Cầu chặt đứt cánh tay bị thương để cùng đồng đội xông vào đồn Đông Khê diệt giặc Pháp (năm 1950). 17 năm sau, có Lước dũng cảm y như vậy trong đánh Mỹ”.

Lước nhìn tôi cười nhẹ. Tôi kiên trì gợi chuyện, Lước mới hé mở vài cách đánh giặc của mình và đồng đội. Anh cùng đồng đội gài chông, mìn, lựu đạn, bắn tỉa, bao đồn, chống càn...

Người du kích đặc biệt này trong mọi hoàn cảnh, trong các trận đánh đã hành xử hoàn toàn khác nhau, đầy sáng tạo. Lước gài chông ngạnh sâu trong lòng đất. Những tên giặc đạp chông, đồng bọn xúm lại giải cứu liền bị du kích bắn tỉa, ném lựu đạn. Chúng hoảng loạn, lại bị sụp hầm chông, vướng lựu đạn, mìn… liên tiếp.

Đặc biệt, Lước dùng ong vò vẻ đánh bồi, đánh nhồi khiến địch không đối phó nổi, chúng bị tiêu hao lớn, hoảng loạn tinh thần. Chông, mìn, lựu đạn, hầm trú ẩn, Lước luôn di dời cải tiến, bố trí liên hoàn luôn mới, địch bó tay... Đặc biệt, anh Lước rất thông minh, dũng cảm tiếp cận ném lựu đạn cấp tập, diệt nhiều tên địch càn quét, bảo vệ căn cứ của ta, bảo vệ đồng bào trong suốt nhiều năm.

Tháng 2-1973, anh Lước chỉ huy đại đội đánh địch càn vào Nhị Bình. Đơn vị xuất kích giữa đồng trống, Tạ Văn Lước ngã xuống trong tư thế xung phong.

Hơn 10 năm cầm súng cùng đồng đội và đồng bào chiến đấu hàng chục trận, diệt hàng chục tên địch, lập nhiều chiến công to lớn, ngày 5-12-2007, Tạ Văn Lước được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

LÊ NGỌC HÂN

.
.
.