Chiến thắng Ấp Bắc: Ký ức mãi xanh
Trong dòng chảy của cuộc sống, có những ký ức mờ phai theo năm tháng, tuổi tác, nhưng có ký ức mãi mãi khắc sâu trong tiềm thức và tươi nguyên như mới hôm qua. Ký ức về Chiến thắng Ấp Bắc hào hùng là một dạng ký ức như vậy - một ký ức mãi xanh và trường tồn theo năm tháng.
ĐÓN ĐỊCH
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, chuyện đời có cái nhớ, có cái quên nhưng ký ức về trận đánh Ấp Bắc thì vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người cựu quân nhân Lê Công Sơn (tên thường gọi Lê Hùng Hưởng, hay chú Sáu Huẩn).
Khi chúng tôi hỏi về trận đánh Ấp Bắc, đôi mắt mờ đục của chú Sáu vụt sáng lên: “Chuyện trận đánh Ấp Bắc thì kể cả ngày cũng chưa hết. Cháu muốn nghe chuyện gì?”. Còn người cựu quân nhân Nguyễn Văn A (chú Sáu A) cũng sôi nổi, hào hứng hẳn lên như cái thuở tuổi 17 đầy háo hức khi tham gia trận đánh lịch sử Ấp Bắc.
Hỏi chú Sáu A, bộ đội mình quân số ít, vũ khí trang bị thô sơ lại thiếu thốn mà lại đánh với quân chủ lực của địch với vũ khí tối tân, chiến thuật thâm hiểm thì có nao núng không?
Vẫn cái chất đậm đặc của người lính, giọng chú Sáu A hào sảng: Khi nhận được lệnh đánh quân chủ lực và cả Lữ đoàn dù của Bộ Tổng tham mưu địch, tinh thần anh em bộ đội rất hăng hái, phấn khởi. Vì từ lâu anh em bộ đội muốn được đánh trận lớn, quyết chiến một trận với địch để xem sao.
Tổng Lãnh sự Cuba và lãnh đạo tỉnh tưởng niệm trước tượng đài 3 Chiến sĩ gang thép. |
Ngày diễn ra trận đánh Ấp Bắc, tuy mới ngoài đôi mươi, nhưng chú Sáu Huẩn đã là Chính trị viên, kiêm Trung đội Trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261.
Chú Sáu bồi hồi: Bộ đội tham gia trận đánh Ấp Bắc đa số tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người chỉ trên dưới 20, nhưng rất quả cảm và trung kiên. Thanh niên bây giờ, ở cái tuổi ấy, nhiều người còn vô tư, hồn nhiên trên ghế giảng đường, nhưng với người Chính trị viên, kiêm Trung đội Trưởng Lê Công Sơn thì phải gánh trọng trách rất nặng trên vai.
Chú Sáu nhớ lại: Bộ đội ta đã đóng quân ở Ấp Bắc (xã Tân Phú) trước ngày 2-1-1963. Cấp trên điện báo địch sẽ tổ chức càn lớn vào vùng Đồng Tháp Mười vào ngày 2-1-1963, với vũ khí tối tân và chiến thuật “bủa lưới phóng lao” cực kỳ nguy hiểm. Cấp trên lệnh cho Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 và Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261 phải quyết tâm đánh, bẻ cho được trận càn của Mỹ - ngụy.
Trước khi nhận được tin địch mở chiến dịch càn lớn, bộ đội ta đã đóng quân ở Ấp Bắc (Tân Phú, Cai Lậy). Sợ bị lộ, chú Sáu Huẩn và một số anh em được cấp trên phân công đi khảo sát địa hình ở Long Định (Châu Thành) để di chuyển quân về đó nhằm đánh “xuất kỳ bất ý” (bất ngờ đánh sát nách địch, làm cho địch không trở tay kịp).
Khi đi khảo sát địa hình về, chú Sáu Huẩn nhận định: Địa bàn Long Định nhiều sông ngòi, nếu di chuyển quân về đó khi đánh trận sẽ dễ bị chia cắt đội hình. Long Định gần lộ và Sở chỉ huy hành quân của địch, vì vậy khi xảy ra tác chiến cả ngày thì bằng mọi giá địch sẽ chi viện quân, sợ bộ đội ta không chịu nổi.
Hơn nữa, nếu đóng quân ở Long Định thì bộ đội phải di chuyển, sau đó phải đào công sự, ngụy trang… sức khỏe sẽ không đảm bảo để chiến đấu cả ngày với địch. Còn nếu ở lại Ấp Bắc đón địch để đánh thì có lợi các mặt: Bộ đội đã quen địa hình, vì vậy khi xảy ra chiến sự sẽ dễ dàng di chuyển; công sự đã có sẵn, chỉ cần tu bổ lại, vì vậy bộ đội có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe để chiến đấu.
Sau khi nghe chú Sáu Huẩn và các anh em phân tích, cấp trên quyết định ở lại Ấp Bắc để đón đánh địch. Cấp trên phân công: Trung đội 3 bộ binh của chú Sáu chịu trách nhiệm chặn đánh địch ở cầu Ông Bồi, xóm Hội đồng Vàng, Ấp Bắc.
Trung đội 2, Tiểu đoàn 261 đánh sau lưng Trung đội 3, thẳng về hướng mộ ông Lân, ông Tiếp. Trung đội 1 thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 chịu trách nhiệm chặn đánh địch ở ấp Tân Thới…
Lệnh của chỉ huy: 3 giờ rạng sáng ngày 2-1, bộ đội phải cơm nước xong, 4 giờ phải có mặt tại công sự chờ địch. Chú Sáu nhớ lại: Khoảng 2 giờ rạng sáng ngày 2-1 chú đã thức dậy do xe GMC của địch chạy ầm ầm rồi dừng lại đổ quân ở xã Điềm Hy. Đúng 3 giờ sáng, anh em bộ đội đã ăn cơm xong, đến 4 giờ, chú Sáu lệnh cho anh em bộ đội vào địa hình chiến đấu để ngụy trang.
KIÊN CƯỜNG ĐÁNH ĐỊCH
Chú Sáu Huẩn phân công 1 tổ đi tiền tiêu để thăm dò địch. Khi tổ tiền tiêu đi cách địa hình khoảng hơn 300 m thì phát hiện địch đang tiến vào nên vừa nổ súng đánh chặn, vừa rút lui về địa hình. Khi tổ tiền tiêu về báo, chú Sáu ra quan sát thì thấy địch đã tiến đến rất gần địa hình đóng quân của Trung đội 3.
Chú Sáu lệnh cho anh em bộ đội: Đợi địch tới thật gần mới bắn, mà bắn thì phải thật tiết kiệm đạn. Địch tiến gần sát địa hình của Trung đội 3 (cách khoảng 20 m) thì phát hiện công sự nên khựng lại. Chú Sáu lệnh nổ súng. Khẩu trung liên khai quả đầu tiên rồi toàn bộ trung đội đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch lùi lại, núp vào bờ trâm bầu phía trước để đánh trả quyết liệt.
Nhận định địch không dám tiến vào địa hình, chú Sáu Huẩn cho 1 tổ lợi dụng địa hình tiến ra đánh ngang sườn địch. Bị đánh rát, địch như ong vỡ tổ tháo chạy. Lúc này, pháo binh và máy bay tác chiến của địch dội pháo vào địa hình Trung đội 3 rất ác liệt.
Được yểm trợ, địch thổi kèn xung phong. Chú Sáu lệnh giữ bí mật, vươn lê sẵn, đợi địch đến thật gần mới nổ súng. Bị đánh bật ra, địch củng cố lực lượng rồi tiếp tục xung phong cho đến đợt thứ 3, nhưng Trung đội 3 kiên cường đánh trả và giữ vững trận địa. Hơn 4 giờ đọ súng, địch bất lực rút lui và triển khai chiến thuật tiến công mới, nhưng đều bị bộ đội ta bẻ gãy.
50 năm đã trôi qua, nhưng khi nhắc lại trận đánh Ấp Bắc, dòng ký ức lại cuồn cuộn chảy về, rõ mồn một. Chú Sáu A nhớ rõ từng chi tiết: Trung đội 1 thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 của chú Sáu chịu trách nhiệm ém quân chờ đánh địch ở ấp Tân Thới (Tân Phú).
Trong buổi sáng, đơn vị của chú Sáu A chi viện cho Tiểu đoàn 261 để đánh xe tăng, xong rút về Tân Thới đánh sườn giữ lưng cho 261 và 514, bảo vệ cho cả Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 514 và 261.
Với tinh thần quả cảm, quyết chiến, Trung đội 1 của chú Sáu A đã đánh tróc sườn, địch giạt qua chùa Phật Đá (nay thuộc huyện Tân Phước). Sau khi củng cố lực lượng, địch từ chùa Phật Đá tiến công, nhưng đều bị Trung đội 1 của chú Sáu A đánh bật ra. Đến 12 giờ trưa, Trung đội 1 của chú Sáu A có lệnh trở về địa hình ở Tân Thới chờ lệnh.
Khoảng 15 giờ 30, Tiểu đoàn 514 được lệnh: Bộ Tổng tư lệnh dù từ Sài Gòn xuống chi viện cho địch, đơn vị 514 chuẩn bị đối phó với quân dù của địch. Khoảng hơn 16 giờ, chú Sáu phát hiện 7 chiếc Đa-cô-ta quần đảo trên địa hình của 514.
Sau đó, đội quân Đa-cô-ta của địch từ chùa Phật Đá bay ra hướng quốc lộ rồi bất ngờ đổ quân dù ngay trên địa hình của 514 nhằm thực hiện chiến thuật “bủa lưới phóng lao”. Cả Tiểu đoàn 514 đồng loạt nổ súng, diệt được trên 1 đại đội Lữ đoàn dù của địch. Nhiều tên lính dù chết vướng trên ngọn cây, một số tiếp đất được thì hoảng loạn, không củng cố được đội hình nên bị ta tiêu diệt gọn.
Ở tuổi 85 nhưng từng diễn biến trận Ấp Bắc vẫn nguyên vẹn trong ký ức người cựu Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, kiêm Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 Phạm Văn Thư (chú Tám Thư).
Chú Tám nhớ lại: Chiều, địch đang ở thế bất lợi (ngoài đồng trống) nên muốn đánh để chiếm làng. Vì vậy, sau khi Tiểu đoàn 514 rút, Tiểu đoàn 261 vẫn tiếp tục ở lại để đánh thêm 1 trận sinh tử với địch nhằm không cho địch tiến vào làng. Trước quyết tâm đánh chiếm làng của địch, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu, đánh địch bật ra, cô lập địch ngoài đồng trống.
Chú Tám Thư bùi ngùi: Tiểu đoàn 261 sau đó được Cu-ba trao tặng Huy hiệu Tiểu đoàn Rigon. Cu-ba cũng lấy tên một làng bên đất nước của bạn để đặt tên là làng Ấp Bắc. Vậy mà 50 năm đã trôi qua, anh em Tiểu đoàn 261 vẫn chưa được sang đất nước anh em Cu-ba để giao lưu với làng Ấp Bắc.
Tiểu đoàn 261 – Rigon nay chẳng còn mấy người. Không biết tâm nguyện được một lần sang đất nước anh em Cu-ba để viếng thăm, giao lưu với nhân dân làng Ấp Bắc có thành hiện thực khi các chú cựu quân nhân Tiểu đoàn 261- Rigon nay đã già yếu?
NGUYÊN CHƯƠNG