Thứ Tư, 12/12/2012, 08:49 (GMT+7)
.

Cô Ba Cựu kể chuyện hầm bí mật

Một lần đi công tác, ghé thăm cô Đoàn Thị Cựu, tên thường gọi là Ba Cựu (ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), chúng tôi được cô dẫn đi xem những vết tích và kể chuyện về những chiếc hầm bí mật tại vườn nhà cô trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một dạng hầm bí mật (Hầm mái).
Một dạng hầm bí mật (hầm mái).

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20-7-1954), Mỹ - Diệm dùng chính sách “tố cộng, diệt cộng” và thực hiện Luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam để khủng bố, đàn áp sự nổi dậy đấu tranh của quân và dân ta.

Tại nhà cô Ba có một số cán bộ cách mạng về đây hoạt động. Trong quá trình hoạt động, các cán bộ đã cùng gia đình cô đào hầm bí mật để tránh địch càn quét, khủng bố, bắt bớ giam cầm.

Hầm bí mật được đào theo 3 kiểu: Hầm đất, hầm mái và hầm lặn (hầm cá trê). Hai loại hầm đất và hầm mái đều sử dụng một loại nắp. Nắp hầm có một khuôn trong và một khuôn ngoài (hình chữ nhật). Khuôn ngoài cố định, khuôn trong thì đổ đất, cát và trồng cỏ bên trên.

Muốn xuống hầm, phải cầm 2 sợi dây chì của nắp hầm đỡ lên để chui xuống. Khi đã ở dưới hầm, dùng tay ghì chặt 2 sợi dây chì xuống sao cho nắp hầm trong ăn khớp với nắp hầm ngoài. Có một người phía trên đến để nghi trang lại, làm cho cỏ hoặc lá cây khô trên nắp hầm tiệp với môi trường xung quanh.

Cô Ba Cựu thường làm công việc này. Việc mở nắp hầm chui lên đã được cô Ba sinh hoạt trước. Trường hợp bọn giặc còn ở trong nhà hoặc chúng còn ở cách hầm khoảng 50 - 100 mét thì cô Ba sẽ nói những câu “Tôi đi chợ” hoặc “Tôi bận công chuyện”… để các cán bộ dưới hầm biết mà ở yên tại chỗ.

Đối với hầm cá trê thì đào dưới bụi trâm bầu cạnh mé mương. Muốn vào hầm thì phải lặn xuống mương rồi chui lên. Mỗi khi địch bất ngờ càn quét đến gần, có cán bộ trốn dưới hầm thì cô Ba lấy gàu giả đi tưới cây để khỏa bèo che dấu vết.

Ngoài công việc canh phòng và nghi trang bảo vệ các cán bộ cách mạng, cô Ba còn đi mua giấy mực, máy đánh chữ và cả thuốc men để các cán bộ sử dụng.

Cô cho biết, từ năm 1954 đến 1975, tại nhà cô đã đào đến 8 hầm bí mật các loại. Hầm lớn nhất có thể chứa được gần 20 người, kể cả súng đạn; hầm nhỏ nhất chứa được 2 người.

Các cán bộ thường về hoạt động và được cô Ba che giấu, bảo vệ như: Đồng chí Hai Tín, Sáu Thành thuộc Ban Tài chánh huyện; đồng chí Tám Thành, Hai Nghĩa thuộc đơn vị Quân y huyện Chợ Gạo và bộ đội của Tiểu đoàn 207 Mỹ Tho cũng thường về đây hoạt động.

Tận mắt chứng kiến hầm bí mật tại nhà cô Ba Cựu, mới cảm nhận sâu sắc sự thông minh, sáng tạo của quân và dân ta trong chiến tranh đã vận dụng địa hình làm nơi trú ẩn an toàn để chống lại kẻ thù. Dấu tích còn lưu giữ là bài học sinh động giáo dục truyền thống cho thế hệ nối tiếp.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.