Ông Lê Ngọc Sương: Làm tốt nhịp cầu nối dân với Đảng
Nghe tin ông Lê Ngọc Sương (Tư Sương), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Phú Đông vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, tôi liền điện xin gặp để nắm tư liệu viết bài, nào ngờ ông từ chối khéo.
Biết ông đang tiếp xúc cử tri ở xã Tân Thạnh, tôi vượt sông Cửa Tiểu, Cửa Trung với hy vọng được tiếp xúc ông. Lại thêm một bất ngờ, ông Tư Sương giản dị, dễ gần, nói năng vui vẻ, cởi mở, tiếp tôi một cách thân tình.
“Thành tích là của chung tập thể” - ông Tư Sương nói khéo. Tôi buộc lòng làm như vô tình hỏi: “Anh Tư từng là sĩ quan công an?”. Ông Tư Sương cười: “Năm 1975, tôi tham gia công tác trong ngành Công an tỉnh Gò Công, sau đó được điều về làm Phó ban Công an, Đội trưởng Cảnh sát khu vực xã Vĩnh Bình. Năm 1982, tôi được phong quân hàm Thiếu úy, làm Trưởng đồn kiêm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bình.
Là lớp người trưởng thành sau ngày 30-4-1975, ông Tư Sương được đào tạo cơ bản, tốt nghiệp cử nhân chính trị và quản lý kinh tế, từng giữ nhiều chức vụ như: Huyện ủy viên (HUV), Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Bình (từ tháng 3-1986 đến tháng 11-1999); HUV, Phó Chủ tịch HĐND huyện Gò Công Tây (từ tháng 12-1999 đến tháng 12-2005); HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây (từ năm 2006 đến tháng 3-2008). Khi thành lập huyện mới Tân Phú Đông, ông được điều về làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho đến nay.
Thấy ông vui vẻ, tôi hỏi tiếp: “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng gần 40 năm, anh Tư có những dấu ấn gì đáng ghi nhớ không?”. Ông Tư Sương chậm rãi: “Dấu ấn thì nhiều, kỷ niệm vui - buồn cũng không ít. Những dấu ấn trong quá trình vận động quần chúng là điều tôi tâm đắc nhất.
Có trực tiếp tham gia vận động quần chúng trong các phong trào, mới thấm thía hơn lời dạy Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Còn nhớ, hồi làm Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, tôi được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện xây dựng các công trình thủy lợi và đường giao thông nông thôn.
Đường về Phú Thạnh hôm nay. Ảnh: NHẤT AN |
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua công tác vận động, nhiều cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, giảm kinh phí đền bù cho Nhà nước hàng tỷ đồng.
Cụ thể, công trình cống Ba Gốc làm lợi cho Nhà nước khoảng 15 tỷ đồng; công trình đường huyện 872, kinh phí đền bù dự kiến 4,8 tỷ đồng, nhưng qua công tác vận động chỉ đền bù, hỗ trợ 1,2 tỷ đồng; công trình tuyến lộ Sabe, dự toán đền bù 3 tỷ đồng, nhưng do dân vận khéo, cộng với tinh thần tự nguyện hiến đất của nhân dân nên chỉ đền bù 600 triệu đồng.
Nằm trên cù lao Lợi Quan bốn bề sông nước, huyện mới Tân Phú Đông từng được biết đến là vùng đất “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm và không nước sạch. Trên cương vị là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông Tư Sương đã không quản ngại khó khăn, thường xuyên bám sát cơ sở nắm vững tình hình, tham mưu và đề xuất cho Huyện ủy, UBND huyện nhiều phương án, biện pháp khả thi trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển kinh tế, chính trị - xã hội huyện nhà.
Thông qua một vài số liệu có thể thấy, huyện mới Tân Phú Đông đang ngày càng “thay da đổi thịt”, trong đó có công sức đóng góp không nhỏ của ông Tư Sương như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân hàng năm 8,28%; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 1 triệu đồng so năm 2009; hàng chục km đường huyện đã được trải nhựa xuống tận các xã; hàng trăm km đường liên xã, liên ấp đã được nhựa hóa, bê tông hóa;
Một số điểm trường và 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98%, trong đó có 85% sử dụng điện kế riêng; hệ thống nước sạch phủ kín gần khắp địa bàn, trong đó có hồ chứa diện tích 6 ha tại xã Tân Thới, dung tích 185 ngàn m3, công suất phục vụ ngày đêm 4.000 m3 với tổng kinh phí 7,3 tỷ đồng…
Trên cương vị là Chủ tịch HĐND huyện, ông Tư Sương luôn gần dân, lắng nghe tâm tư và ý kiến đóng góp của nhân dân để đề xuất với các cấp lãnh đạo, các ban, ngành có thẩm quyền giải quyết ổn thỏa những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Chính vì vậy, ông Tư Sương luôn được Đảng bộ và nhân dân yêu mến, tin tưởng, liên tục từ năm 2007 đến năm 2011 đều được bình chọn danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Và phần thưởng cao quý nhất là ông Tư Sương được mọi người xem như là nhịp cầu nối giữa dân với Đảng.
ANH ĐẬU