Thứ Ba, 01/01/2013, 08:39 (GMT+7)
.

50 năm phát huy hào khí Chiến thắng Ấp Bắc oai hùng

Cách đây 50 năm, tại một địa danh mang tên Ấp Bắc của xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), đã chứng kiến cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng lớn của địch và một lực lượng nhỏ của bộ đội địa phương ta.

Đại đội 1 tiểu đoàn 514 và đại đội 1 tiểu đoàn 261 đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận và thiết xa vận” của kẻ thù, mở ra một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam.

Nửa thế kỷ trôi qua, trên trận địa xưa, quân dân xã Tân Phú nói riêng cũng như tỉnh Tiền Giang nói chung đã tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp với hành trang quý báu là hào khí chiến thắng Ấp Bắc oai hùng.

Một trận “Bạch Đằng”, “Đống Đa” hay “Chi Lăng” ở Tiền Giang

Nửa thế kỷ trôi qua, chiến trường Ấp Bắc ngày xưa nay đã thay da đổi thịt đến nỗi nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở đây khi trở lại chiến trường xưa đều phải ngỡ ngàng. Những hố bom loang lổ với chiều rộng gần mươi mét trên các địa hình với dấu xích xe tăng cày nát ruộng đồng của xóm làng nghèo xơ xác giờ đã được thay bằng những cánh đồng lúa xanh mướt.

Tuyến đường chính dẫn từ QL.1A vào xã Tân Phú nằm cạnh dòng kênh nhỏ hiền hòa soi bóng rặng trâm bầu - loại cây đặc trưng ở vùng đất trũng nơi đây. Một ngôi trường mang tên Ấp Bắc đối diện với trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang như minh chứng cho sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang đối với “địa chỉ đỏ” này.

Sân khấu hóa chiến thắng Ấp Bắc.
Sân khấu hóa chiến thắng Ấp Bắc.

Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng với tượng đài Ba chiến sĩ gang thép sừng sững như nhắc lại một trận đánh mở đầu cho sự phá sản của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” là các con chủ bài của Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”…

Sáng sớm ngày 2-1-1963, khi Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) đang họp tại xã Hưng Thạnh (thuộc huyện Tân Phước - Tiền Giang ngày nay) thì được tin địch mở cuộc càn quét do Bộ Tư lệnh sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách.

Cuộc càn quét diễn ra trong phạm vi xã Tân Phú (thuộc vùng giải phóng liên hoàn nối liền hai huyện Cai Lậy - Châu Thành, tiếp giáp vùng căn cứ của tỉnh) để vây diệt trung đội địa phương của ta mà chúng phát hiện đang trú quân tại đó. Điểm cụ thể mà chúng đổ quân bao vây diệt lực lượng ta là Ấp Bắc.

Lực lượng của ta chỉ có đại đội 1 tiểu đoàn 514 và đại đội 1 tiểu đoàn 261. Năm giờ sáng ngày 2-1-1963, tiểu đoàn A của địch chia làm 2 cánh tiến vào Ấp Bắc bị ta chặn đánh buộc chúng phải gọi tăng viện. Đến 9 giờ 30 phút, bọn chúng đã cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc. Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Bảy Đen, đại liên ta được lệnh nổ súng vào đội hình địch. Số chết, số bị thương, số còn lại chạy tán loạn. Địch tiếp tục tăng quân tấn công vào đội hình đại đội I/514. Đợi địch tới gần, toàn đại đội nổ súng diệt hơn 50 tên, số sống sót tháo chạy trở lại.

Đến 13 giờ 30 phút, tiểu đoàn B và xe M113 của địch mở đợt tiến công vào đội hình đại đội I/261. Tình hình lúc này khá gay go, ba xe M113 và một tốp bộ binh tiến sát công sự. Vì địa hình lồi lõm nên hỏa lực của ta chi viện không kết quả nên trận địa có nguy cơ bị địch chọc thủng.

Anh Nguyễn Văn Đừng, một tiểu đội trưởng của đại đội I/261, cùng hai chiến sĩ Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ) bí mật bò cặp bờ ranh rồi áp sát ngôi mộ cổ. Ba anh đã nấp ở ngôi mộ này cầm cự suốt, không cho địch tiến vào trận địa rồi bất ngờ nhảy lên xe M113 ném thủ pháo phá hủy 1 xe, diệt 5 tên địch trên xe, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra.

Khi ba đồng chí quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Nhân dân đặt cho 3 anh cái tên trìu mến và đầy tự hào “Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng”, riêng ba chiến sĩ ấy được tôn vinh “Ba chiến sĩ gang thép”.

...Địch tiếp tục tăng quân tiến công nhiều đợt nữa và dùng máy bay L19 bay trên trận địa gọi ta ra hàng. Tiểu đoàn dù được 16 chiếc Dacota thả xuống trận địa đại đội I/514. Đợi địch xuống thật gần, toàn đại đội nổ súng, một số tên bị diệt ngay trên không. Đến 20 giờ, địch tổ chức thêm một đợt tiến công nữa nhưng cũng bị ta đẩy lùi...

Kết thúc trận đánh, ta đã giết và làm bị thương 450 tên, trong số đó có 9 cố vấn Mỹ, bắn hỏng 7 máy bay lên thẳng, 3 xe M.113 và làm thất bại hoàn toàn cuộc càn quét bất ngờ và to lớn của địch. Trên các mặt trận phối hợp ta đã huy động được 36 đội du kích xã, gần 20.000 người tham gia đấu tranh chính trị tiến công địch, bao vây 30 đồn; triệt phá 22 “ấp chiến lược”, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy và bị thương 16 xe quân sự của địch.

Bà Mười Trạng chỉ hố bom trong trận đánh còn sót lại.
Dì Mười Trạng chỉ hố bom trong trận đánh còn sót lại.

Trong Chiến thắng Ấp Bắc lừng lẫy của quân và dân ta, sẽ còn thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của những chị phụ nữ mà giờ đây các dì, các chị đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Đó là: Dì Trương Thị Tuyết (Tám Nghề), nguyên Phó Bí thư kiêm chính trị viên xã đội Tân Phú năm 1963, tổ chức chị em phụ nữ của xã vận động ghe xuồng đưa bộ đội về căn cứ, tải thương, tải đạn, vá quần áo…; dì Trương Thị Kim (ấp Bắc, xã Tân Phú) là người trực tiếp tải thương dưới làn đạn pháo mà không biết mệt…;

Đó là dì Nguyễn Thị Trạng (Mười Trạng), là mẹ liệt sĩ Trương Văn Hai đã một tay ẵm con, một tay nấu cơm tiếp tế cho bộ đội ăn no chiến đấu trong trận đánh… Và từ đó, đã vang lên những câu ca dao ca ngợi tấm lòng của người dân Ấp Bắc:

"Bom rơi thì mặc bom rơi
Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng
Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng
Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng"

Sau đó, cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc đã được nâng lên thành một kinh nghiệm vô cùng quý báu trong việc đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam: “Bao vây, bức rút, bức hàng; đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn”.

Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu “sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng” và “báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ - ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang”. Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ “Mỹ thấy không thể thắng ta được trong chiến tranh đặc biệt”.

* Tiếp tục xây dựng quê hương Ấp Bắc ngày càng giàu đẹp

Nhiều lần đến Ấp Bắc nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp khác đều có một cảm xúc tự hào và xúc động khó tả khi đến viếng mộ của 3 chiến sĩ gang thép trong khu di tích. Tượng đài Ba chiến sĩ gang thép sừng sững như nhắc nhở người dân không bao giờ quên quá khứ hào hùng của dân tộc và phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những người đi trước.

Những năm qua, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh tăng gia sản xuất nhằm ổn định kinh tế gia đình và tăng thu nhập. Trên chiến trường khốc liệt năm xưa, những cánh đồng xanh mướt mạ non nhìn hút mắt như hứa hẹn một mùa bội thu sắp tới. Chúng tôi gặp trên quê hương Tân Phú những người dân góp phần làm nên chiến thắng năm xưa. Hầu hết trong số họ đều đã trải qua những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, trước và sau khi tham gia trận Ấp Bắc.

Đến nay, thời gian dẫu xóa đi bao cảnh cũ nhưng chiến tích oai hùng và niềm tự hào chiến thắng vẫn còn mãi trong tâm trí. Bà Nguyễn Thị Trạng (Mười Trạng), một nhân chứng sống và là người nấu cơm tiếp tế cho bộ đội dưới làn đạn, pháo, hồ hởi: “Cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều lắm, bà con ở đây có cơm ăn, áo mặc, con cháu được đến trường!” Bà dẫn chúng tôi ra hai hố bom mà gia đình vẫn còn giữ lại làm kỷ niệm, được gia đình thả cá nuôi. Chỉ tay vào từng đàn cá điêu hồng bơi lội tung tăng dưới làn nước trong xanh, bà cũng không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến những chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày xưa…

Học sinh tham quan hiện vật trong khu di tích.
Học sinh tham quan hiện vật trong khu di tích.

Chiến tranh qua đi, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Phú tích cực chăm lo sản xuất, đẩy lùi đói nghèo, xây dựng một vùng quê trù phú. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh nhà, quân và dân xã Tân Phú đã san lấp hố bom, sản xuất nông nghiệp… xây dựng một Ấp Bắc như ngày hôm nay.

Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Thời gian qua, nhờ công tác trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương đạt hiệu quả cao. Năng suất đạt bình quân đạt từ 6 tấn/ha trở lên, sản lượng lúa hàng năm đạt gần 10.000 tấn. Bên cạnh trồng lúa, nông dân còn đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng màu dưới chân ruộng, đạt hiệu quả cao.

Nếu như tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ của xã trước đây khá cao (khoảng 14,2% với thu nhập bình quân đầu người chỉ 5,5 triệu đồng/người/năm) thì nay theo thống kê vào cuối năm nay, thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng/người/năm, toàn xã chỉ còn 7,07% hộ nghèo.

Đến nay, toàn xã Tân Phú đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nông thôn (các tuyến đường giao thông liên xóm, ấp đều được trải đá đỏ), trạm y tế và trường học. Nhờ sự đầu tư kinh phí của trung ương, tỉnh Tiền Giang và huyện Cai Lậy cùng sự đóng góp của nhân dân, đến nay xã đã xây dựng được hơn 10 km đường bêtông, 8 km đường nhựa. Chỉ tính nguồn vốn do nhân dân đóng góp xây dựng giao thông nông thôn mỗi năm là hơn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Xây, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Xã Tân Phú đạt được những thành tích về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội như hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà. Đặc biệt, truyền thống hào hùng của Chiến thắng Ấp Bắc đã được phát huy cùng với tinh thần đoàn kết chính là động lực thúc đẩy vượt khó, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tương lai, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Phú tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao đời sống người dân, trong đó tập trung vào công tác trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất lúa an toàn phục vụ xuất khẩu. Đồng thời UBND xã cũng luôn quan tâm chăm lo đời sống gia đình chính sách. Trong không khí  nhộn nhịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ấp Bắc, xã cũng vừa tổ chức lễ ra mắt xã văn hóa.

… Buổi chiều êm ả buông xuống làng quê Ấp Bắc. Ở khu di tích vẫn còn tiếng cười trong trẻo của các em học sinh đang chơi đùa dưới chân tượng đài ba chiến sĩ gang thép. Đây sẽ là những thế hệ tương lai sẽ tiếp tục xây dựng quê hương Ấp Bắc ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh hào hùng năm xưa.

PHÙNG LONG

.
.
.