Thứ Sáu, 11/01/2013, 16:15 (GMT+7)
.

Báo Ấp Bắc - Đôi dòng tự sự

Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Đức: Nghề báo - vinh dự và trách nhiệm

Trải qua 37 năm công tác liên tục, trong khoảng thời gian ấy có 14 năm tôi được làm nghề giáo; 18 năm tôi được làm “nghề văn” - nghề làm văn phòng cấp ủy tỉnh (Văn phòng Tỉnh ủy) và đến nay tôi được chuyển sang làm nghề báo được 5 năm.

Làm công tác văn phòng cấp ủy khá lâu, do yêu cầu công việc, được sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc. Thật lòng mà nói, nhận nhiệm vụ mới tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì bản thân được được chuyển sang làm việc ở môi trường mới, đơn vị mới, được làm một nghề mới; lo ở đây là lo không hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh giao cho.

Bên cạnh đó, bản thân cũng cảm thấy vinh dự và trách nhiệm. Vinh dự là được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Báo của Đảng bộ tỉnh mang tên Ấp Bắc anh hùng; trách nhiệm là bản thân cùng với tập thể cán bộ, công chức, viên chức ở đơn vị mới phải làm như thế nào để Báo Ấp Bắc nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển toàn diện.

Từ những suy nghĩ và trăn trở đó, bản thân đã nỗ lực phấn đấu và được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các đồng chí, đồng nghiệp ở Báo Ấp Bắc cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị có liên quan và đuợc sự quan tâm theo dõi chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, đã giúp cho bản thân có nhiều thuận lợi, vượt qua được những khó khăn, mọi công việc ở Tòa soạn Báo Ấp Bắc được thực hiện ổn định, có hiệu quả.

Bước vào làm nghề báo, bản thân luôn nghĩ rằng: Báo chí và các nhà báo đã được xã hội tôn vinh và giao cho trọng trách là thông tin, tuyên truyền, phản ánh, bình luận, định hướng dư luận, làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân… Do đó, nhà báo phải có quan điểm, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải am hiểu và nghiêm túc chấp hành pháp luật, trước hết là Luật Báo chí và các luật có liên quan; phải học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có đạo đức, phong cách làm báo của Bác Hồ; phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt Quy định về đạo đức của người làm báo.

Dù trong bất cứ tình huống, điều kiện, hoàn cảnh nào nhà báo phải có “cái tâm, cái tầm”, phải thể hiện “lòng trong, tâm sáng, bút sắc”; phải không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kể cả vi tính và ngoại ngữ; phải vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Báo chí và nhà báo có trọng trách nặng nề, có vinh dự lớn lao thì nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội càng lớn; luôn luôn phải làm tròn nghĩa vụ và nêu cao tinh thần trách nhiệm để xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng – người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Nhà báo Đức Trọng: Không quên một thời vàng son

Nhiều người vẫn không quên Nhà báo Đức Trọng (Nguyễn Đức Trọng, sinh năm 1955, quê xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo). Và Nhà báo Đức Trọng cũng không quên một thời vàng son trong cuộc đời làm báo của mình. Sau 30-4-1975, anh là một trong những phóng viên Báo Ấp Bắc sớm nhất và là Trưởng phòng Trị sự kỳ cựu của báo.

Nhà báo Đức Trọng bồi hồi nhớ lại: Sau ngày giải phóng, tôi đang công tác tại Tổ Thông tấn của huyện Chợ Gạo, chuyên viết bài cho tờ tin của huyện; đến giữa năm 1976 được rút lên làm phóng viên của Báo Ấp Bắc.

Thực tình lúc bấy giờ tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là không ngờ mình trở thành nhà báo, một danh xưng không phải ai muốn cũng được. Còn lo là, mình chưa từng được học qua một trường lớp nào về chuyên môn nghiệp vụ báo chí, liệu có làm được không.

Thế rồi qua sự dìu dắt, giúp đỡ của lớp đàn anh đi trước, của Ban Biên tập, của các bạn đồng nghiệp, tôi quen dần với chuyện săn tin, chụp ảnh và trở thành một phóng viên thực thụ.

Dấu son trong cuộc đời của Nhà báo Đức Trọng là được tham gia lớp bồi dưỡng phóng viên biên tập đầu tiên do Trường Tuyên huấn Trung ương 3 tổ chức và khi chiến tranh biên giới Tây - Nam nổ ra, anh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành một người lính.

Sau 5 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường đất bạn Campuchia, Đức Trọng lại trở về với cái nghiệp làm báo của mình. Được trui rèn trong môi trường quân đội, được trải qua những gian nan, vất vả trong cuộc đời người lính, Đức Trọng trưởng thành hơn, vững vàng hơn.

Nhà báo Đức Trọng kể: - Làm báo lúc bấy giờ cực mà vui. Đường sá đi lại khó khăn, muốn xuống huyện nào cứ phải cho xe đạp lên xe đò. Thời bao cấp, nhuận bút chẳng là bao, xuống xã nào, ăn uống, ngủ nghỉ xã lo hết. Mấy ông nông dân rất khoái nhà báo, nên thường phải ở lại một vài đêm.

Năm 2003, thôi nghiệp làm báo, Đức Trọng trở về với cuộc sống đời thường, mở một quán cafe mang tên Phù Sa tại số 40/1 đường Ấp Bắc, khu phố 4, phường 10, TP. Mỹ Tho và làm ông Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản, sống an nhàn, với “bầu rượu - túi thơ”.

Nhà báo Nguyễn Thiểu: Dâng đời cho nghiệp

Đọc Báo Ấp Bắc thấy mấy cái bút danh họ Nhất, nào là Nhất An, Nhất Thi, Nhất Khoa, Nhất Hưng, Nhất Trang… đó là Nhà báo Nguyễn Thiểu (tên thật Nguyễn Văn Thiểu, sinh năm 1957, quê xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông). Hỏi về chữ Nhất, Nguyễn Thiểu cười: - “Là để nịnh vợ” (tên vợ là Phùng Nhất Hưng). Hỏi duyên may nào đến với nghề làm báo? Nguyễn Thiểu lại cười – Cái nghiệp ấy mà!

Sau ngày giải phóng 30-4-1975, Nguyễn Thiểu vào công tác tại Ty Thông tin - Văn hóa tỉnh Gò Công, bước đầu chập chững vào nghề, làm anh phóng viên viết cho tờ tin của tỉnh.

Duyên may, được thầy Mười Bình (Phan Thanh Bình, hiện là Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng của tỉnh) kèm cặp, dạy thêm cho cái nghề “phó nháy”. Vậy là, Nguyễn Thiểu trở thành phóng viên ảnh thời sự lúc nào không hay.

Đầu năm 1977, Nguyễn Thiểu được rút về Báo Ấp Bắc, làm phóng viên ảnh thời sự. Anh kể: Tưởng làm nhà báo ngon, ai ngờ cực thấy mồ! Sự kiện xảy ra bất kỳ ở đâu, mình đều phải có mặt. Phương tiện đi lại khó khăn, đướng sá xa xôi, phải nhờ xe đò cõng xe đạp. Thế nhưng khi thấy tin, ảnh của mình được đăng, phản ánh được sự việc nóng hổi xảy ra thì những nhọc nhằn tự dưng biến mất.

Còn nhớ, những ngày bì bõm trên cánh đồng Tân Hội (Cai Lậy), ghi lại sự kiện xây dựng hợp tác hóa thí điểm đầu tiên của tỉnh. Đến chiến tranh biên giới Tây - Nam, Nguyễn Thiểu lên đường làm phóng viên ảnh chiến trường. Rồi nhờ giỏi về ảnh, Nguyễn Thiểu có cơ hội đi lên phía Bắc…

Sau hơn 10 năm làm phóng viên, Nhà báo Nguyễn Thiểu “chuyển hệ”, được đề bạt làm Phó phòng Trị sự. Năm 2004, Nhà báo Nguyễn Thiểu được đề bạt làm Trưởng phòng Trị sự. Tuy làm công tác quản trị hành chính, chuyên lo công tác phát hành báo, cơm áo, gạo tiền cho anh em nhưng nhà báo Nguyễn Thiểu vẫn đam mê với nghề phóng viên.

Những sự kiện nóng hổi, những tin tức mới xảy ra và những tấm ảnh thời sự vẫn xuất hiện đều dưới bút danh “họ Nhất”. Đến bây giờ, cần đến ảnh tư liệu để tái hiện lại lịch sử, Nguyễn Thiểu có cả “một kho ảnh”, anh cũng không ngần ngại  thi thố ảnh qua các giải báo chí – nghệ thuật và mang về quả ngọt.

Nhà báo Lê Huỳnh: 25 năm và điều “rốt” lại

Báo Ấp Bắc vừa  tròn 50 tuổi, tôi có mặt tròn 25 năm.

Sau 10 năm đứng trên bục giảng, năm 1988, thật bất ngờ, một người bạn đang là phóng viên Báo Ấp Bắc (anh Duy Anh) trong một lần gặp gỡ trò chuyện, thấy tôi đi dạy học lại thông thạo nghề chụp và rửa ảnh nên đã giới thiệu với tòa soạn để tôi chuyển sang nghề mới mẻ này.

Lúc đầu tôi rất bỡ ngỡ vì bản thân là giáo viên dạy môn toán - lý, văn chương thường khô, làm sao thích nghi viết lách! Thời gian trôi qua, với nỗ lực của mình cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, bản thân dần thích nghi với nghề mới này, rồi được đi học lớp Đại học Báo chí và  Cao cấp Lý luận chính trị tôi càng cứng cáp với nghề.

Cũng từ sự đam mê nghề báo, qua một phần tư thế kỷ công tác ở Báo Ấp Bắc, điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là được đi nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn sâu, tiếp xúc với nhiều người, học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống và được nhiều người thương mến, cảm thông, chia sẻ.

Dấn thân với nghề, với tờ báo mình phụng sự, “rốt” lại tôi rất tâm đắc với câu nói của Nhà nghiên cứu - TS. Đức Dũng  (Giảng viên báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền): “Không có cuốn sách nào có thể đủ để dạy người ta trở thành nhà báo. Cuộc sống mới là người thầy của bất kỳ nhà báo nào”.

Quỳnh Lệ, Nguyên phóng viên Báo Ấp Bắc: Cho tôi hát bài tình ca trong tháng giêng này!

“Sợi dây ràng buộc với quê hương khá mỏng manh, nhưng tôi nghĩ mình không dễ gì thoát ra được”. Câu nhận xét chí tình của Tiến sĩ Alan Phan, một Việt kiều Mỹ làm tôi nhớ đến TP.  Mỹ Tho, nhớ ngôi trường nữ trung học Lê Ngọc Hân, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu và nhớ đến Báo Ấp Bắc, tờ báo của tỉnh Tiền Giang - mảnh đất khá màu mỡ đã gieo ươm hạt giống báo chí thơ ca trong tôi, từ hơn 30 năm trước.

Hồi ấy, tôi chỉ là cô gái mới qua tuổi 21, vừa tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Công nghiệp của trường Cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Theo lời giới thiệu của chị tôi “Báo Ấp Bắc đang tuyển phóng viên”, tôi lơ ngơ bước chân vào Tòa soạn. Người tiếp tôi là vị lãnh đạo cao nhất của báo mà mọi người quen gọi là anh bảy Tiền Phong. Anh đọc qua lý lịch và đơn xin việc của tôi, rồi bảo: “Mai em đem mấy bài làm môn luận văn của em lên cho anh coi nhé”.

May quá, tôi cũng còn giữ vài bài luận văn hồi cấp 3. Vậy là tôi được tuyển vào làm phóng viên tập sự cùng với vài chàng trai trẻ trung khác.

Thú thật,  bước vô Tòa soạn mà tôi cứ như “ngỗng đực”, chẳng được tập huấn một khóa nghiệp vụ báo chí nào nên không biết cách đưa tin như thế nào, cách viết một bài báo ra sao...  Đem thắc mắc này đi hỏi thì “tiền bối” Bạch Vân phán: “Cứ  đọc báo rồi sẽ biết!”.

Vâng! Mỗi sáng tôi đọc báo nghiêm túc. Nhưng, sao những bài báo cứ trơn tuột qua đầu và trôi đi mất, không đọng lại chút nào. Hu hu! Hơn tháng trời tôi loay hoay mãi mà không viết được mẩu tin nào. Tôi tự thấy thật xấu hỗ! Tháng sau nữa, tôi được phân công theo chị Xuân Thi đi xuống xã Long Hòa của huyện Gò Công – đây là xã điểm trong công  tác giao lương (đóng thuế lương thực sau mùa gặt lúa). Chuyện viết bài thì toà soạn đã phân công cho chị Xuân, tôi chỉ được giao nhiệm vụ đi theo học nghề.

Đây là lần đầu tiên được đi xa và tiếp cận “các nhân vật” nên cảm xúc trong tôi thật trong trẻo tươi tắn. Đôi mắt tôi như chiếc camera ghi nhận sống động hình ảnh con đường làng, cánh đồng vàng, những nếp nhà quê, bến sông dâng tràn con nước lớn và những gương mặt chất phác hiền hậu, những suy nghĩ mộc mạc đậm đà…  Chuyến đi ấy đã mở ra cho tôi một góc nhìn mới về cuộc sống sinh động, đưa tôi bước vào một bình minh đầy nắng ấm và rộn rã tiếng chim hót…

Ít lâu sau, có một tai nạn xe trên con đường ngay trước cổng Tòa soạn. Vậy mà mọi người qua đường cứ dửng dưng. Tôi chứng kiến một người đạp xích lô đã dừng lại chở người bị nạn đến  bệnh viện trong lời xầm xì của vài người hiếu kỳ:

Ông xích lô này có đáng tin không, hay là lại lợi dụng hoàn cảnh của người ta mà chôm chĩa… Nhưng sau đó, người bị nạn đã được băng bó và được anh xích lô chở trở lại để lấy xe. Tôi len lén viết một bài nho nhỏ kể lại sự việc cùng những cảm nhận, mà không dám ký tên mình. Bài đó đã được đăng Báo Ấp Bắc kèm theo lời nhắn của anh Kim Tinh – lúc ấy là Thư ký tòa soạn: “Mời bạn… cộng tác viên đến tòa soạn…”. Lúc đó tôi mới thành thật khai tôi là tác giả. Nhờ vậy, tôi mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Ừ, mình cũng có khiếu viết bài, có thể làm một phóng viên.

Tôi đã có một quảng đời niên thiếu cùng gia đình sống trong xóm nghèo Đình Điều Hòa phường 2, đã đi học cấp 1,2,3 ở Mỹ Tho và có cả một lô một lốc bạn bè ở đó, với thật nhiều kỷ niệm mộng mơ tuổi học trò. Riêng với Báo Ấp Bắc, thời gian cư ngụ không dài, chỉ khoảng 4 năm nhưng đầy ắp nghĩa tình. Ở đó, tôi đã có những tháng ngày tuổi trẻ tươi đẹp, hồn nhiên, không biết toan tính vụ lợi.

Ở đó, tôi có những gương mặt bạn hữu thân thiết, hồn hậu, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi… Ở đó, tôi chập chững đi trên con đường báo chí cách mạng và được trải lòng mình trên những trang viết về đất và người Mỹ Tho, Tiền Giang - đây là quê hương thật sự trong tôi và Báo Ấp Bắc, là khu vườn nhỏ xinh của riêng tôi. Đó là quê hương trong tim tôi - “Sợi dây ràng buộc với quê hương khá mỏng manh, nhưng tôi nghĩ mình không dễ gì thoát ra được…”.

Báo Ấp Bắc ơi! Các anh chị và bạn bè xưa cũ ơi! Tôi muốn hát tặng mọi người bài tình ca quê hương trong tháng Giêng này!

Cẩm Nhung, nguyên phóng viên Báo Ấp Bắc: Nhớ ngày chập chững vào nghề

Nghe anh Đức Lập điện thoại dặn: “Viết vài dòng cảm nhận về những ngày gắn bó như người thân trong đại gia đình Ấp Bắc…”, lòng tôi chợt dâng lên một cảm xúc khó tả. Tất cả những gì thuộc về Ấp Bắc bỗng ùa về. Lặng đi rồi chợt bùng lên!.

Tôi nhớ, ngày đầu tiên tôi đến gặp cô Chín Vân. Khép nép đưa cô quyển nhật ký vu vơ thời sinh viên và gán cho nó cái gọi là bằng chứng “viết lách”. Khi cô hỏi tôi: “Thích viết mảng nào”. Tôi chẳng ngại ngùng bảo: “Dạ! Nông nghiệp”. Chẳng có gì làm lạ khi  mà trong huyết quản tôi lúc nào cũng rần rần dòng máu gọi là “nông dân ba đời”.

Rồi những ngày đầu tiên với nghề báo của tôi là những con đường sình lầy, đất đỏ để đến với cánh đồng khóm bạt ngàn ở vùng Đồng Tháp Mười - Tân Phước; là những bờ ruộng chông chênh nhưng thơm lừng mùi lúa chín; là những vườn cây ăn trái trĩu quả của những nhà nông sản xuất giỏi.

Trong đó có cả những khắc khoải của nông dân bởi vụ mùa thất bát vì dịch rầy nâu, sâu cuốn lá... Càng nghĩ, càng nhớ chú Lê Hữu Hải (khi đó là Phó Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy), người đã tiếp cho động lực, tiếp thêm niềm tin với nghề, về tình người qua những người nông dân.

Chính những người đó là cứu tinh, là ân nhân đặt viên gạch cho một đứa con gái như tôi bắt đầu với nghề báo chỉ bằng cảm xúc và niềm đam mê. Chợt nhớ, cái tin đầu tiên trong đời. Tôi ngồi nửa ngày với cái báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh.

Chú Mạnh Tiến (Tổ trưởng Tổ Nông nghiệp lúc đó), cứ đi đi, lại lại vì xót ruột. Còn lòng tôi thì rối bời. Ba lần cắt, sửa xong, tôi mong đến sớm hôm sau… Đoạn đường 30 km đi về mỗi ngày với tôi ngày đó là rất gần, nhất là mỗi ngày 2-4-6 báo phát hành. Tôi đã ôm vào lòng, đọc ngấu nghiến, như muốn nuốt từng chữ trong những cái tin, cái bài ngày ấy.

Sau đó, tôi đã được tiếp thêm động lực khi biết được 5W, 1 H trong viết tin là gì. Quan trọng hơn là trong mỗi tác phẩm của mình, tôi đều được chị Hương Thu, anh Tấn Vũ nhiệt tình gợi ý, thêm thắt cho đề tài, chăm chút từng câu chữ cho bài viết thêm sinh động… Yêu làm sao những anh chị, em ở báo luôn xem nhau như người thân, chia nhau những niềm vui, nỗi buồn… Nhớ làm sao những chuyến đi công tác gập ghềnh sỏi đá và những câu chuyện phiếm làm đoạn đường ngắn hơn hả Ấp Bắc ơi!

Một tháng, một năm, rồi ba năm của tôi ở Báo Ấp Bắc trôi qua  ngọt ngào… Tôi rời khỏi Báo Ấp Bắc nhưng chưa bao giờ nghĩ mình ra đi mà luôn nghĩ mình vẫn còn trở về, phải trở về và được yêu thương, đón nhận như những đứa con đi xa. Tôi yêu Báo Ấp Bắc, tôi xem Ấp Bắc là nhà, tôi tự hào về nơi - một nhà báo dù hiện tại chỉ có thể gọi là “quèn”.

Nhớ thì lúc nào cũng nhớ, nghĩ về thì lúc nào cũng nghĩ về nhưng biết diễn tả làm sao cho hết những gì thuộc về Ấp Bắc, những gì thuộc về những ngày đầu làm báo trong đời tôi. Nhớ quá Ấp Bắc ơi!

Phạm Quang, cộng tác viên Báo Ấp Bắc: Một mối lương duyên

Mới đó mà đã hết 8 năm kể từ cái ngày tôi được chú Hồ Nguyễn (nguyên Chủ biên Báo Sài Gòn Giải Phóng Thể Thao) giới thiệu làm cộng tác viên cho Báo Ấp Bắc. Và cũng từ cái ngày xưa thật tình cờ ấy, mối lương duyên làm cộng tác viên cho Báo Ấp Bắc của tôi cứ thế diễn ra một cách đều đặn ở chuyên mục Thể thao vào mỗi thứ Sáu hàng tuần…

Sáng Chủ nhật vừa rồi anh Lập gọi điện nói rằng: “Quang ơi, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Báo Ấp Bắc em xuất hiện nhé”. Tôi hỏi: “Xuất hiện là thế nào hả anh?”, giọng nói bên kia điện thoại trả lời: “Là…lên báo tâm sự về quãng thời gian cộng tác với Báo Ấp Bắc”.

Ôi! Tôi nghe đến đây là muốn từ chối ngay vì thú thật, tôi vốn là người ngại nói về mình. Nhưng anh Lập, người tôi luôn kính trọng, có tâm với nghề lại động viên: “Em làm cộng tác viên lâu rồi nên cũng để mọi người thấy mặt chứ, cười…”.

Ký ức như một cuốn phim quay chậm hiện về rõ mồn một về thời gian tôi may mắn được cộng tác với Báo Ấp Bắc, được quen biết với rất nhiều anh em đồng nghiệp và vượt trên cả là được thỏa chí tang bồng với cái nghề mà mình đã gắn chặt suốt 12 năm qua.

Tất nhiên, làm người không ai tránh được thiếu sót. Bởi vô tình, Thượng đế là người thiếu sót đầu tiên khi không thể ban cho thế giới này sự hoàn hảo. Và chúng tôi cũng đã có những lúc chưa làm tròn hết nhiệm vụ. Điều chưa hoàn hảo ở đây mà tôi muốn đề cập đến là sự trăn trở với nghề, với cách làm báo sao cho ngày một thu hút hơn, để độc giả cảm được bài viết của mình thì bài viết đó mới đạt.

Tôi tin với những nhà quản lý giỏi, đội ngũ làm báo kinh nghiệm, có tâm huyết với nghề, cùng khao khát mang đến những bài viết hay có tính nhân văn, chắc chắn quý độc giả sẽ nhớ mãi chúng tôi: “Tờ Báo Ấp Bắc”.

Nhà báo Duy Sơn: Yêu lắm cái nghề và nơi mình đã chọn

Cuộc đời thường có những ngã rẽ làm thay đổi số phận của con người. Với tôi, bước ngoặt chuyển từ bục giảng đến với cái máy ảnh và nghề báo là một ngã rẽ bất ngờ thú vị. Bất ngờ vì đến nay mình vẫn trụ được với cái nghề vốn nhiều áp lực, khó khăn, vất vả và thú vị bởi đã thỏa mãn được nỗi đam mê viết lách từ thuở thiếu thời.

16 năm gắn bó với “mái nhà” Ấp Bắc cho tôi chiêm nghiệm được nhiều điều. Tôi vui với những đóng góp của mình trong việc phát huy truyền thống của tờ báo có bề dày lịch sử; và ray rứt trước những mâu thuẫn, bức xúc của cuộc sống, yêu cầu của bạn đọc mà ngòi bút mình chưa thể hoặc không đủ sức nêu lên mặt báo.

16 năm, thời gian chưa dài đối với một tờ báo có bề dày truyền thống, nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận, yêu lắm cái nghề và nơi mà mình đã chọn. 16 năm, biết bao gương mặt đã đến, đi và ít nhiều gắn bó, đóng góp cho tờ Ấp Bắc.

Xin trân trọng và tri ân những người anh, người thầy, những cô chú và bạn bè đồng nghiệp đã dắt dìu, hỗ trợ cho tôi, để rồi tôi chắt chiu kinh nghiệm để trưởng thành hơn với nghề và đóng góp cho sự phát triển của báo trong thời gian qua.

Kỷ niệm 50 năm báo Đảng địa phương mang tên Ấp Bắc, tự hào về chiến thắng vẻ vang của cha anh, càng tự hào hơn với tờ báo mà mình đang gắn bó. Qua đó cảm nhận những đóng góp của mình vẫn còn nhỏ bé, khiêm nhường và món nợ với bạn đọc tỉnh nhà vẫn còn đó chưa vơi.

.
.
.