Đại đội trưởng Bảy Đen qua ký ức đồng đội
Trung úy Bảy Đen được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 vào tháng 9-1962, đến cuối tháng 8-1963 thì ông hy sinh. Chỉ 1 năm ngắn ngủi, nhưng Đại đội trưởng Bảy Đen đã chỉ huy nhiều trận đánh, trong đó có trận đánh Ấp Bắc lịch sử diễn ra vào ngày 2-1-1963, tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về người anh hùng LLVT Bảy Đen vẫn còn in đậm trong tâm khảm của đồng đội.
* NGƯỜI ANH EM CỦA ĐỒNG ĐỘI
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về người chỉ huy, người đồng đội trong trận đánh Ấp Bắc - anh hùng LLVT Bảy Đen - thì vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm chú Lê Hùng Hưởng (chú Sáu Hưởng).
Nhắc về người đồng đội xưa, đôi mắt của người cựu quân nhân nay đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bỗng lòa nhòa bóng nước. Đưa tay quệt giọt nước mắt sắp trực trào, chú Sáu bùi ngùi: “Anh Bảy xem nhục mất nước rất nặng nề, vì vậy chí căm thù giặc trong anh rất sâu sắc. Chính vì vậy, trận nào anh Bảy Đen chỉ huy cũng đều quyết liệt và để lại ấn tượng”.
Trong trận đánh Ấp Bắc, chú Sáu là Chính trị viên, kiêm Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Sau đó, chú được cấp trên giao làm Phó Chính trị viên Đại đội 1. Chỉ 1 năm ngắn ngủi cùng chiến đấu bên nhau, nhưng chú Bảy Đen đã để lại trong tâm khảm chú Sáu nhiều ấn tượng khó quên.
Chú Bảy Đen và chú Sáu coi nhau như anh em nên không ngại chia sẻ với nhau mọi suy nghĩ trong cuộc sống. Còn chú Tám Thư (Phạm Văn Thư, nguyên là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội 1, tiểu đoàn 261) bồi hồi: Chú Tám quý mến chú Bảy là ở chỗ chú Bảy xuất thân trong gia đình khá giả, là học sinh, nhưng tinh thần cách mạng rất cao.
Chú Tám Thư cho biết, sau khi chú Bảy Đen hy sinh, chú Tám đã giữ quyển nhật ký và khẩu súng B38. Quyển nhật ký và khẩu súng kỷ vật của chú Bảy luôn được chú Tám mang theo bên mình. Chú Tám dự định có dịp gặp, chú sẽ trao lại quyển nhật ký ấy cho gia đình chú Bảy. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, việc sống - chết không thể biết trước được. Để bảo vệ kỷ vật của người anh hùng, chú Tám đã gởi khẩu súng B38 của chú Bảy cho Bảo tồn của Cục Tuyên huấn Quân đội của miền (hiện giờ chú Tám không biết khẩu súng ấy có còn không). Còn quyển nhật ký của chú Bảy, chú Tám đã nhờ nhà văn quân đội Võ Trần Nhã cất giữ. Quyển nhật ký đã được nhà văn Võ Trần Nhã giữ gìn trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt. Nhờ vậy, các thế hệ trẻ hôm nay mới được đọc những dòng nhật ký đầy “chất lửa” của người anh hùng Bảy Đen. |
Chú Sáu Hưởng nhớ lại: Chú Bảy Đen thẳng tính, luôn nói thẳng, nói thật. Ai trật là chú Bảy phê bình thẳng thắn, không vị nể, nhưng được cái là nói xong rồi thôi, không để bụng. Chính vì vậy, lúc đầu mới về Đại đội 1, Tiểu đoàn 261, chú Sáu không có thiện cảm ngay với người chỉ huy cấp trên của mình có cái tính “ngang ngang”.
Nhưng rồi anh em cùng nhau chiến đấu lâu ngày, chú Sáu mới nhận ra chú Bảy có nhiều đức tính đáng quý. Xuất thân trong gia đình thuộc tầng lớp tư sản ở phường 3, TX. Vĩnh Long (nay là TP. Vĩnh Long), chú Bảy Đen sớm giác ngộ cách mạng rồi thoát ly gia đình đi kháng chiến rồi tập kết ra Bắc.
Sau khi trở lại miền Nam tham gia chiến đấu, chú Bảy Đen tìm cách liên lạc với gia đình để giác ngộ người thân tham gia cách mạng. Khi đã hiểu về nhau, chú Bảy Đen cũng rất quý chú Sáu. Có lần chú Bảy vỗ vai chú Sáu: “Tui mến cậu cái tính ít nói mà chịu làm, không tính toán, so đo, việc gì đơn vị giao cũng hoàn thành tốt”.
Trong ký ức của chúc Sáu Hưởng, chú Bảy Đen là người phóng khoáng, nhưng rất tự trọng. Một lần, người chị của chú Bảy vào đơn vị thăm, thấy cuộc sống bộ đội thiếu thốn nên đã móc ví lấy tiền cho, nhưng chú Bảy Đen cương quyết không nhận. Chú Bảy khuyên chị: “Bộ đội tụi tui không thiếu thốn gì cả. Chị về coi bà con nào khó khăn, thiếu thốn thì giúp đỡ cho họ!”. Sau khi chị của chú Bảy Đen về, chú đến gặp chú Sáu xin điếu thuốc hút. Chú Sáu nói đùa: “Không tiền mua thuốc hút mà còn chảnh, chị cho tiền không lấy”. Chú Bảy tỉnh bơ: “Lấy chi cho người ta khi, mình khổ mình biết!”.
Nhớ về chú Bảy Đen, chú Sáu nhớ một người anh luôn gần gũi, hòa đồng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng đội, không phân biệt cấp trên - cấp dưới. Chú Sáu chậm rải kể: Hồi đóng quân ở Hội Cư (huyện Cái Bè), chú Sáu lượm xoài sống, bằm nhuyễn rồi trộn với nước mắm để ăn với cơm. Chú Bảy Đen sang chơi trúng bữa ăn, chú bảo thích món xoài bằm trộn nước mắm rồi sà vào mâm ăn ngon lành.
Trong dòng hồi ức về người anh, người đồng đội, người chỉ huy cấp trên của mình, chú Sáu Hưởng còn cảm kích chú Bảy Đen về cái tính quan tâm đến đồng đội, luôn “đồng cam cộng khổ” với anh em. Trong trận đánh Ấp Bắc, chú Sáu bị thương nên phải lùi về phía sau.
Khi hay tin chú Sáu bị thương, trong khoảng thời gian ngừng tiếng súng, chú Bảy Đen tranh thủ đến thăm và động viên chú Sáu an tâm dưỡng thương, anh em bộ đội vẫn bám trận địa chiến đấu, phượng hoàng gãy cánh, xe tăng thụng đầu, địch không làm gì được ta. Đến khoảng 16 giờ, biết bộ đội thấm mệt vì đánh địch cả ngày, dù chỉ huy tác chiến nhiều việc, nhưng chú Bảy Đen vẫn tranh thủ đi thăm hỏi, động viên anh em chiến đấu.
* NGƯỜI CHỈ HUY MƯU TRÍ, QUẢ CẢM
Chiến thuật “bủa lưới phóng lao” của địch được triển khai đã gây cho bộ đội ta nhiều khó khăn, vì chiến thuật rất cơ động, nhanh, mạnh, vũ khí lại được trang bị tối tân. Chính vì vậy, chú Bảy Đen luôn trăn trở, tìm cách để bẻ gãy chiến thuật “bủa lưới phóng lao” của địch. Chú Bảy tâm sự với chú Sáu: Bữa nào mình trụ lại đánh nó một trận cho biết mặt! Và trận Ấp Bắc là trận đầu tiên chú Bảy “bám trụ” để “bẻ lao”.
Trước khi diễn ra trận đánh Ấp Bắc, Tiểu đoàn 261 và Tiểu đoàn 514 đã có mặt ở Ấp Bắc trước đó 2 ngày. Cấp trên chỉ đạo Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261 và Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514 phải bẻ cho được 1 càn của Mỹ - ngụy. Chú Bảy Đen cũng được cấp trên giao tổng chỉ huy trận đánh. Trước tình hình đó, chú Bảy Đen chủ trì cuộc họp khẩn để triển khai chiến thuật đánh địch, với tinh thần “kiên quyết chặn đánh địch suốt ngày”.
Trong trận đánh Ấp Bắc, “thủ lĩnh” Bảy Đen bất chấp bom đạn của kẻ thù, chú cứ liên tục di chuyển như con thoi trên địa hình để chỉ huy tác chiến. Kể về người chỉ huy của mình, chú Sáu tự hào: Do liên tục thất bại, địch cho trực thăng đổ quân chi viện. Khi trực thăng hạ cánh thấp xuống để đổ quân, chú Bảy Đen lệnh: “Phải bắn cho phường hoàng gãy cánh”. Lúc đó toàn bộ lực lượng Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261 đồng loạt nổ súng. Ngay loạt đạn đầu bộ đội ta đã bắn hạ được 5 chiếc trực thăng. Đến khi địch triển khai chiến thuật “thiết xa vận”, nhưng ta lại không có vũ khí chống tăng.
Tuy nhiên, người chỉ huy - Anh hùng LLVT Bảy Đen không hề khiếp sợ. Chú Bảy hét to, đầy quả cảm: “Bám công sự đánh đến cùng, quyết tâm không lùi một bước! Có chết hãy ngoảnh mặt về hướng quân thù mà chết!”. Sau đó, “thủ lĩnh” Bảy Đen mưu trí, sáng tạo, quyết đoán và bình tĩnh để chỉ huy tiêu diệt xe tăng: “Súng trường bắn vào xích xe tăng, lựu đạn cũng phải ném dưới lườn xe tăng!”.
Đến khoảng 16 giờ, địch dồn lực lượng quyết chiến với ta trận cuối cùng, với sự hỗ trợ của lực lượng lính dù tham chiến, nhằm “bủa lưới phóng lao” ta. Đây là lực lượng tinh nhuệ của địch, từng được mệnh danh là “thiên thần mũ đỏ”. Lúc ấy, bộ đội ta đã đánh cả ngày, sức lực hao tốn, nhưng “thủ lĩnh” Bảy Đen vẫn không nao núng. Chú Bảy ra lệnh: “Kiên quyết đánh quân thù, bẻ đầu xe lội nước”. Trận đánh Ấp Bắc kết thúc, chú Bảy đã sáng tạo ra một chiến thuật mới: “Cắm cọc phá lưới, bám trụ bẻ lao” nhằm đối phó với chiến thuật “bủa lưới phóng lao” của địch.
Sau trận Ấp Bắc, chú Bảy Đen còn chỉ huy nhiều trận đánh khác như Xám Diệc ở Tân Hội, Cai Lậy; đánh chống càn Cống Quế ở Mỹ Hạnh Đông, Cai Lậy; đánh chống càn ở Tân Thới, Tân Phú, Cai Lậy; đánh chiếm đồn Vĩnh Kim và đồn Phú Phong ở Châu Thành; đánh chiếm đồn Xuân Sơn ở Cai Lậy…
Và đến trận đánh chiếm đồn Thạnh Nhựt ở Chợ Gạo thì chú Bảy hy sinh, đúng với tinh thần “Có chết hãy ngoảnh mặt về hướng quân thù mà chết”. Chú Sáu Hưởng đầy khâm phục về người chỉ huy quả cảm của mình: “Ở vai trò chỉ huy, trận đánh nào anh Bảy cũng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Khi xảy ra tình huống đòi hỏi người chỉ huy phải giải quyết, anh Bảy rất bình tĩnh và quyết đoán”. Đó cũng là yếu tố giúp cho “thủ lĩnh” Bảy Đen đã chỉ huy làm nên chiến thắng Ấp Bắc lịch sử ngày 2-1-1963.
Xin mượn câu nói của Thiếu tướng Trần Minh Phú, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 để kết thúc bài viết này: “Yếu tố cốt lõi của chiến thắng Ấp Bắc là ở tài năng người chỉ huy”.
NGUYÊN CHƯƠNG