Vấn đề Đảng lãnh đạo trong Hiến pháp
Vấn đề Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước đã được lịch sử xác lập, không còn bàn cãi gì nữa. Để minh định và khẳng định điều này, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đã ghi trong Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội (Hiến pháp năm 1980);… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Hiến pháp năm 1992). Và dự thảo sửa đổi lần này tiếp tục ghi như trong bản Hiến pháp năm 1992.
Trong Điều 4 của cả ba bản Hiến pháp vừa đề cập còn có nội dung nói về bản chất, vai trò, mối quan hệ giữa Đảng với pháp luật của Nhà nước và với nhân dân. Riêng dự thảo sửa đổi lần này có bổ sung: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giải thích rằng, ngoài việc quy định “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” như cũ, đoạn bổ sung này là điểm rất mới và là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Đúng là đoạn bổ sung này rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ và nhiều người cũng góp ý là chưa đủ. Cần phải có những quy định của pháp luật làm rõ các vấn đề: Nhân dân giám sát bằng cách nào? Đảng chịu trách nhiệm đến đâu? Chế tài nào cho những khuyết điểm, sai lầm của Đảng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân?
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1980 đề xuất cần ghi rõ: “Việc giám sát của nhân dân đối với Đảng và việc Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình được luật hóa”.
Năm 1992, trong bức thư gửi Bộ Chính trị có đầu đề “Mấy ý kiến đề nghị về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng”, nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo viết: “Tôi đề nghị nên suy nghĩ có nên ra một đạo luật về Đảng lãnh đạo không? Điều 4 Hiến pháp đã thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng rồi. Nhưng nếu có luật để cụ thể hóa điều này, định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng đối với Nhà nước, đối với nhân dân thì mới có căn cứ đầy đủ về luật pháp, vừa phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, vừa ngăn chặn tình trạng coi như quyền lãnh đạo của Đảng là vô giới hạn, đi đến lạm quyền, lộng quyền, ảnh hưởng xấu đến vai trò và uy tín của Đảng”. Tôi nghĩ, vấn đề luật hóa sự lãnh đạo của Đảng đã chín muồi, không nên để kéo dài thêm nữa.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này còn nhiều điểm mới khác, được dư luận đánh giá cao. Hy vọng khi hoàn chỉnh và được Quốc hội thông qua, sẽ là Hiến pháp đưa đất nước tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
TRẦN QUÂN