Thứ Năm, 03/01/2013, 06:21 (GMT+7)
.

Phát huy truyền thống Ấp Bắc hào hùng, xây dựng quê hương giàu đẹp

(Diễn văn của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch UBND tỉnh tại Mít tinh kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ấp Bắc)

...Trong không khí của những ngày cuối năm, nhân dân Tiền Giang đang quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2012 và bước vào năm mới 2013 - năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh, hôm nay Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQVN tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Mít tinh kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 – 2-1-2013).

Nhân dân nô nức  đi dự  mít tinh.  Ảnh:  TRỌNG TẤN
Nhân dân nô nức đi dự mít tinh. Ảnh: Trọng Tấn

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng chào mừng và chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các vị khách quý, các vị lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân về tham dự Lễ Mít tinh.

Kính thưa đồng bào, đồng chí, Ấp Bắc - một địa danh được cả nước ta và nhân dân trên thế giới biết đến, vì chính nơi đây đã diễn ra trận đánh vang dội ngày 2-1-1963, quân dân ta đã anh dũng đánh bại Chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ ngụy, làm cho Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của chúng bị phá sản.

Như chúng ta đã biết, thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đơn phương” ở miền Nam, năm 1961, Mỹ chuyển sang thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đề ra kế hoạch Staley - Taylor nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng; chúng sử dụng nhiều Chiến thuật như: “Trực thăng vận”, “Bủa lưới phóng lao”, “Bao vây hợp điểm”, đã gây cho lực lượng cách mạng nhiều tổn thất. Do đó, việc đề ra một chiến thuật mới để đánh bại Chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” của Mỹ - ngụy là một yêu cầu cấp bách và sống còn của quân dân miền Nam. Trước tình hình đó, ngày 7-9-1962, tại căn cứ Hưng Thạnh (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), đoàn cán bộ của Trung ương Cục miền Nam, do Phó Bí thư Võ Chí Công làm trưởng đoàn, đã có cuộc họp với Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn chiến trường, tại cuộc họp, sau khi phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch, ông Võ Chí Công có kết luận chỉ đạo về việc chống địch càn quét như sau: “Địch đã chuyển sang chiến tranh đặc biệt, ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng chống chiến tranh của địch. Quy luật chiến tranh của địch là  càn quét, ta phải chống càn quét; muốn chống càn quét ta phải kết hợp 3 mũi giáp công: chính trị,  vũ trang và binh vận; phải kết hợp 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích) trên thế xã chiến đấu để đánh địch. Lực lượng vũ trang tập trung phải đứng lại đánh càn tiêu diệt địch mà tồn tại, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép, không thể tránh càn mà tồn tại”.

Có được sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Thường vụ Trung ương Cục, quân giải phóng miền Nam đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, thu được những thắng lợi to lớn; tiêu biểu nhất là Chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang).

Ngày 1-1-1963, các đơn vị bộ đội khu và tỉnh tập hợp tại Ấp Bắc để chuẩn bị tấn công ấp chiến lược Giồng Dứa (xã Long Định, huyện Châu Thành). Dò biết hoạt động của ta, sáng sớm ngày 2-1-1963, địch mở cuộc càn mang tên Đức Thắng 1-63”, đánh vào Ấp Bắc, chiến trận diễn ra rất ác liệt, bắt đầu từ 5 giờ sáng và kéo dài liên tục đến 20 giờ.

Lực lượng địch có hơn 2.000 quân chủ lực, bảo an với phương tiện chiến tranh hiện đại: Máy bay, xe M.113, tàu chiến do cố vấn Mỹ cùng nhiều tướng ngụy chỉ huy mở trận càn vào Ấp Bắc, nhằm tiêu diệt lực lượng giải phóng và gom dân, lập ấp chiến lược.

Trong khi đó, lực lượng cách mạng của ta chỉ có khoảng 200 người, gồm Tiểu đoàn 261 Khu 8, Tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho, bộ đội địa phương huyện Châu Thành, dân quân xã Tân Phú, Tân Hội và Điềm Hy. Nhưng chúng ta đã biết dựa vào công sự và chiến thuật nghi binh tài tình để bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, đánh tan các cuộc đổ bộ bằng máy bay ở ấp Tân Thới; đánh bật nhiều mũi tiến công bằng xe M.113 và bộ binh.

Cùng ngày, ta tổ chức lực lượng tiến công địch trên các mặt quân sự, chính trị, binh vận trên khắp tỉnh Mỹ Tho. Sau một ngày kiên cường chống địch càn quét, ta đã giành được thắng lợi vang dội ở Ấp Bắc, tiêu diệt 450 tên địch (trong đó có 13 cố vấn Mỹ chết và bị thương), 3 xe M.113 bị cháy, 8 máy bay bị bắn rơi, 1 tàu chìm và 2 tàu khác hư nặng. Địch thất bại thảm hại trong trận càn này.

Giá trị lớn nhất, có ý nghĩa chiến lược của Chiến thắng Ấp Bắc là đã cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tại hội nghị ngày 7-9-1962 thành một cách đánh có hiệu quả của lực lượng vũ trang cách mạng, trong việc đối phó với những chiến thuật tân kỳ mà Mỹ - ngụy thực hiện ở miền Nam Việt Nam.

Đó là cách đánh không được phân tán, né tránh địch mà trụ lại, chuẩn bị công sự vững chắc, bám chặt công sự và không được thoát ly khỏi công sự, kiên cường phòng ngự theo phương châm “phòng ngự công sự điểm tựa vòng tròn”, để đánh bại địch tấn công  theo lối “bủa lưới bao vây”. Trên cơ sở đó,  khi thời cơ thuận lợi, tích cực phản kích để giành chiến thắng; trong đó, bao gồm luôn cả việc hoàn thiện kỹ thuật - chiến thuật, nhất là cách bắn máy bay trực thăng và xe thiết giáp, cũng như chuẩn bị tốt công tác tư tưởng chiến đấu cho bộ đội và du kích. Địch “bủa lưới, phóng lao” thì ta phải “trụ lại, phá lưới, bẻ lao”.

Sau đó, cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc đã được nâng lên thành một kinh nghiệm vô cùng quý báu, trong việc đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam: “Vào sâu, đứng lại, đánh càn, giải phóng nông thôn”.

Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, thể hiện bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng và báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng của Mỹ - ngụy; đồng thời nêu bật sức mạnh của lực lượng chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ “Mỹ thấy không thể thắng ta được trong chiến tranh đặc biệt”.

Chiến thắng Ấp Bắc là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà cho biết: “Sau trận Ấp Bắc, xe thiết giáp và trực thăng không còn là nỗi kinh hoàng cho mọi người,  không còn là bất khả trị nữa. Từng người du kích với khẩu súng trường, từng đơn vị nhỏ với súng liên thanh dám bắn và biết bắn hạ trực thăng theo gương thực tế của các chiến sĩ Ấp Bắc. Tinh thần không sợ và kỹ thuật diệt địch đã được giải quyết trong hàng ngũ quân giải phóng miền Nam.”

Thắng lợi Ấp Bắc là thắng lợi điển hình của tiến công và nổi dậy bằng hai chân ba mũi giáp công của chiến tranh nhân dân; đánh bại hai chiến thuật chủ yếu trong “Chiến tranh đặc biệt” là “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ- ngụy; mở ra thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam.

Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình sống động về bài học quí giá: Lấy ít thắng nhiều, lấy chiến tranh chính nghĩa thắng chiến tranh phi nghĩa và khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn, quân và dân ta sẽ đánh thắng quân Mỹ. Chiến thắng Ấp Bắc trở thành điểm mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ Tho, là một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau chiến thắng Ấp Bắc, Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động phong trào: “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Phong trào nhanh chóng diễn ra sôi nổi và lan tỏa ra cả nước, tạo nên sức mạnh cách mạng to lớn. Được sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu 8, cuộc kháng chiến chống quân Mỹ và tay sai của nhân dân Nam bộ đã góp phần xứng đáng cùng cả nước giành những thắng lợi liên tiếp, dẫn đến chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm đã trôi qua, hôm nay chúng ta cùng hội tụ về nơi diễn ra trận đánh lịch sử để ôn lại những trang sử hào hùng của quân dân ta; đồng thời tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đối với những anh hùng, chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tên tuổi Tiểu đoàn 261, Tiểu đoàn 514 mãi mãi gắn liền với chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa để bù đắp phần nào công lao của gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thương binh. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp đã thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, khen thưởng những người có công trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ôn lại lịch sử chiến thắng Ấp Bắc 50 năm qua, tôi tin rằng trong tâm trí mỗi chúng ta không thể nào quên được công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh- lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đã hiến dâng trọn đời cho dân tộc, đất nước, làm rạng danh non sông Việt Nam, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Dù đã đi xa, nhưng những lời giáo huấn của Người mãi mãi là nền tảng tư tưởng mang ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam và là ngọn đuốc tiếp tục soi đường cho đất nước trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

50 năm trôi qua, chiến thắng Ấp Bắc mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, đó là ước nguyện muôn đời của những người yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên thế giới này.

Chiến thắng Ấp Bắc trước hết thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, với truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, kiên cường, bất khuất, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để lại cho dân tộc ta nhiều bài học quí báu về xây dựng Đảng tiên phong, tư tưởng cách mạng tiến công, về xây dựng và sử dụng sức mạnh của toàn dân, toàn diện kháng chiến, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè tiến bộ trên thế giới.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, những bài học trên tiếp tục được vận dụng và phát huy, góp phần tạo nên thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm tiến hành đổi mới, đất nước ta có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Tình hình chính trị ổn định, tạo điều kiện cho kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế nước ta trên trường quốc tế được khẳng định.

Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế ngày càng rõ nét. Nền kinh tế thị trường mang lại giá trị vật chất ngày càng cao, nhưng kèm theo sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng; nạn tham nhũng chưa được ngăn chặn có hiệu quả, còn diễn ra phức tạp ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thật sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người, tình trạng lãng phí còn xảy ra phổ biến, và là vấn đề bức xúc. Âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ ở tất cả các lĩnh vực...

Nằm trong bối cảnh chung đó, Tiền Giang cũng có những thuận lợi, khó khăn nhất định. Tuy nhiên, qua 26 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nhà liên tục phát triển, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện.

Thành công trong khai hoang vùng Đồng Tháp Mười và chương trình ngọt hoá Gò Công mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế - xã hội. Tiếp tục cải tạo và khai thác có hiệu quả vùng Đồng Tháp Mười, điều động và phân bố lại dân cư trên toàn huyện Tân Phước; biến vùng đất bị chua phèn trở thành một vùng nông thôn trù phú.

Kết quả tăng trưởng kinh tế  tỉnh Tiền Giang giai đoạn 5 năm (2005 -2010) là 11% ; năm 2011 đạt 10,6%; năm 2012 đạt 9,8%. Bình quân thu nhập đầu người/năm của tỉnh năm 2011 là 29 triệu đồng, thì năm 2012 tăng lên 32,8 triệu đồng.

Đến nay, trên toàn tỉnh có 100% xã có điện lưới quốc gia và có hơn 99% hộ dân có điện thắp sáng; mạng lưới thông tin liên lạc phát triển mạnh, số máy điện thoại cố định đạt 27,7 máy/100 người dân; có gần 98% hộ dân ở đô thị và hơn 80% hộ dân nông thôn sử dụng nước máy trong sinh hoạt; có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Hiện tại, có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ; cơ sở y tế, phòng khám khu vực, bệnh viện chuyên khoa được đầu tư xây dựng, các trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh được tăng cường, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong tất cả những thành tựu đó, có xã Tân Phú và các xã lân cận, nơi diễn ra sự kiện Ấp Bắc anh hùng cũng đang từng ngày khởi sắc.

Song, cùng với những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn những hạn chế, đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sự phát triển. Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết kịp thời. Giá cả các mặt hàng chủ yếu tăng cao; dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, dịch bệnh trên cây trồng... còn là mối đe dọa, tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Một số chương trình mục tiêu triển khai thực hiện chậm, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết chưa triển khai được, do khó khăn về ngân sách; tình hình giải quyết khiếu kiện của người dân có liên quan đến công tác đền bù giải tỏa còn bất cập; việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao chưa được đầu tư đúng mức... Những vấn đề trên, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, để nhanh chóng xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển.

Kính thưa đồng bào, đồng chí,

Nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân trong những năm tới là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sử dụng tốt mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Điều quan trọng là công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn cần phải tập trung giải quyết đồng bộ gắn với thực hiện tốt chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư vào các ngành hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, phát triển công nghiệp chế biến, mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng phát triển cho các thành phần kinh tế, thúc đẩy hoạt động dịch vụ và công trình phúc lợi xã hội.

Với tinh thần đổi mới về cách nghĩ, cách làm, tỉnh tập trung các giải pháp tạo bước đột phá, phát huy tốt mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xóa bỏ rào cản làm chậm quá trình phát triển, khai thác một cách hợp lý tài nguyên; phấn đấu đạt tốc độ phát triển kinh tế (GDP) bình quân 10-11% trong giai đoạn 2010 - 2015, để đến năm 2020 Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp.

Cùng với phát triển kinh tế là thực hiện thắng lợi các mục tiêu xã hội, phấn đấu tạo chuyển biến cơ bản về văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội, nhằm cải thiện một bước quan trọng về đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Huy động mọi nguồn vốn và nhiều hình thức đầu tư để tạo nhiều việc làm mới. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà; đưa địa phương phát triển ngang bằng với các địa phương trong khu vực và cả nước.

Thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự kỷ cương trong xã hội. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là những nội dung liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư, liên quan đến nhân dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, trình độ chuyên môn và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ, nâng cao nhận thức, tạo sự nhất trí về chính trị trong nội bộ và nhân dân, triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng. Quan tâm củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và hội quần chúng.

Tiền Giang được các nhà khoa học đánh giá cao về lợi thế của tỉnh giữa hai vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên cơ sở đó, tỉnh rà soát để có chủ trương và bổ sung vào phương hướng phát triển trước mắt cũng như lâu dài, sớm có sự chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, góp phần vào sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và sự phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước.    
Chiến thắng Ấp Bắc năm xưa đã khẳng định: Trong bất kỳ điều kiện khó khăn, gian khổ, thử thách nào, nếu có sự quyết tâm, sự đồng lòng của cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta sẽ vượt qua, sẽ giành chiến thắng.

Càng tự hào về Chiến thắng Ấp Bắc, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân càng nhận rõ trách nhiệm to lớn và nặng nề là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng của nhân dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.

Nhân dịp năm mới 2013, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi xin kính chúc các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý, các đồng chí sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân sức khỏe, hạnh phúc, bước sang năm mới đạt nhiều thắng lợi mới.

.
.
.