Tổ chức Công đoàn, ngày ấy và bây giờ
Là một trong những người đặt viên đá đầu tiên xây dựng tổ chức công đoàn tỉnh nhà, ông Nguyễn Kha (Năm Kha, nguyên Thư ký Liên hiệp Công đoàn nhiệm kỳ 2), nhắc lại để mà nhớ, mà tự hào và để cho thế hệ trẻ kế tiếp hiểu rằng, muốn xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh thì phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và phải vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Kha trò chuyện thân mật với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. |
Ngày ấy là ngày Liên hiệp Công đoàn tỉnh nhà vừa mới được thành lập do cô Nguyễn Thị Cúc (Năm Cúc) làm Thư ký. Tại Đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 1980-1983, tôi được bầu làm Thư ký, cô Năm Cúc làm Phó Thư ký.
Lúc bấy giờ, trong Ban chấp hành (BCH) hầu hết là các cán bộ từ miền, khu về, chỉ trừ cô Phan Thị Xuân, phụ trách Quản trị Hành chánh và cô Bùi Thị Hợi làm Phó ban Tổ chức là hai cán bộ công đoàn từ ngoài miền Bắc chuyển vào là có ít nhiều kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, còn lại toàn là dân kháng chiến.
Vì vậy, hoạt động của công đoàn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cán bộ, thiếu trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mặt khác, các công đoàn cơ sở cũng vừa mới được hình thành, ngành nghề chưa mở ra nhiều, lực lượng công nhân viên chức và người lao động (CNVC&NLĐ) chưa phát triển, cán bộ công đoàn đều kiêm chức, nên khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Chiến tranh vừa mới kết thúc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp; nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh, sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa phát triển; đời sống của nhân dân nói chung, CNVC&NLĐ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Bên cạnh đó, Mỹ kéo dài cấm vận, bọn phản động còn ôm mối phục thù tìm mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng. Đã vậy, vừa mới khắc phục phần nào hậu quả chiến tranh thì dịch rầy nâu hoành hành, lây lan trên diện rộng, tiếp theo là lũ lớn tràn về làm cho vụ mùa thất bát gây nên cảnh đói kém.
Khó khăn, thách thức là vậy nhưng tổ chức công đoàn vẫn không ngừng lớn mạnh và phát triển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo kế hoạch, hàng tháng Liên hiệp Công đoàn đều phân công cán bộ xuống cơ sở nói chuyện tình hình thời sự quốc tế, thời sự trong nước; phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông báo các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của CNVC&NLĐ.
Đồng thời, phát động nhiều phong trào thi đua như phong trào xây dựng tổ Lao động sản xuất giỏi, tổ Lao động xã hội chủ nghĩa. Từ đó, vận động các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn, phát triển đoàn viên công đoàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị quan tâm đảm bảo đời sống, chế độ chính sách, chăm lo sức khỏe cho CNVC&NLĐ.
Song song với công tác tuyên truyền, Liên hiệp Công đoàn tỉnh còn chọn huyện Châu Thành làm điểm gắn kết hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống; thành lập các tổ tín dụng, vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất; đề xuất với các cơ quan chức năng, các cấp lãnh đạo có kế hoạch mở mang cầu đường, phát triển giao thông.
Về y tế, vận động và tổ chức nhiều đoàn y, bác sĩ về vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, bà con nông dân nghèo; phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Về giáo dục, mở các lớp bổ túc văn hóa xóa mù chữ, phổ cập tiểu học. Quan tâm đến đời sống tinh thần cho CNVC&NLĐ, Liên hiệp Công đoàn còn tổ chức nhiều đêm biễu diễn văn nghệ tại Nhà văn hóa công nhân (Hội trường đỏ); mua đầu máy Video tổ chức chiếu phim lưu động để phục vụ nhu cầu giải trí của CNVC&NLĐ.
Thậm chí Liên hiệp Công đoàn còn tổ chức các tổ kiểm tra ra các chợ kiểm tra việc niêm yết giá cả hàng hóa, việc cân đong đo đếm của các tiểu thương để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trong đó có CNVC&NLĐ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Liên hiệp Công đoàn vẫn tổ chức tốt công tác thu Bảo hiểm xã hội để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; tổ chức cho CNVC&NLĐ đi an dưỡng, nghỉ mát, tham quan du lịch hàng năm theo chế độ.
Ngày ấy, vậy mà đã gần 35 năm trôi qua!. Bây giờ, tổ chức công đoàn đã vững mạnh, lực lượng kế thừa trẻ, khỏe, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhưng vẫn phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và phải vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG