Xây dựng Công đoàn vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của Đảng
TS. Trần Thế Ngọc Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang |
"Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn; vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; vì sự ổn định, phát triển bền vững của địa phương và đất nước". Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội. Đây là nội dung đã được khẳng định trong Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp.
Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Qua hơn 25 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, giai cấp công nhân trong tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng ngày càng khá hơn, bộ phận công nhân trí thức ngày càng nhiều; phát huy tốt vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nhận thức về chính trị ngày càng được nâng lên; có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, sự phát triển của giai cấp công nhân trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân xuất thân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống.
Lợi ích một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành quả của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với giai cấp công nhân và người lao động, tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh không ngừng phát triển lớn mạnh; phương thức hoạt động thường xuyên được đổi mới phù hợp với từng loại hình cơ sở, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Toàn tỉnh hiện có 1.370 tổ chức công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn với 102.970 đoàn viên trên tổng số 115.099 công nhân, viên chức, lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp nhà nước, 23 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 1.142 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Nhìn chung, các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp nhà nước hoạt động khá thuận lợi; công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, phát triển đoàn viên luôn được quan tâm. Công đoàn cơ sở thường xuyên phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động trong việc thể hiện quyền làm chủ tập thể và hướng dẫn người lao động nội dung được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đa số chưa có tổ chức Đảng nên công tác tuyên truyền, triển khai quán triệt nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công nhân, lao động còn hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm pháp luật lao động; việc vận động người lao động học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, xây dựng đời sống văn hoá còn nhiều khó khăn; công tác phát triển đảng viên trong công nhân, lao động còn chậm.
Việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy định thời giờ làm việc, chế độ tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội còn mang nặng tính hình thức, đối phó với quy định của pháp luật... đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, dẫn đến tình trạng đình công, lãn công với quy mô ngày càng lớn của công nhân như thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, để xây dựng giai cấp công nhân và hệ thống tổ chức công đoàn trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
- Tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho đội ngũ công nhân nâng cao ý thức, giác ngộ về giai cấp công nhân, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; quán triệt những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, ý thức tự lực, tự cường, rèn luyện tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật; nâng cao ý thức cảnh giác chống lại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, giai cấp công nhân làm nòng cốt, cùng với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tăng cường và giữ vững liên minh giai cấp công nhân - nông dân - trí thức, thực sự là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương.
- Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng giai cấp công nhân; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân. Liên đoàn Lao động các cấp trực tiếp lãnh đạo công tác phát triển công đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở ở các cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh để làm tốt vai trò cầu nối quan trọng giữa Đảng và chính quyền với giai cấp công nhân.
- Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, có trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật; có năng lực ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ; năng động, sáng tạo trong lao động, công tác; lao động có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, đạt năng suất, chất lượng cao.
Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân xuất thân từ nông dân, công nhân nữ. Từ đó, làm cho toàn xã hội và từng công nhân thấy được việc nâng cao trình độ là yêu cầu cấp thiết, động lực cải thiện cuộc sống, để nâng cao chất lượng làm việc, đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống trong nền kinh tế thị trường.
- Không ngừng củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước; thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp cổ phần, kể cả các tổ chức kinh tế, hợp tác xã... nếu có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng.
Các tổ chức Đảng chú ý đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng doanh nghiệp; quan tâm giáo dục đối tượng, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng trong công nhân có đủ tiêu chuẩn theo quy định. Chú trọng củng cố, kiện toàn về tổ chức, cán bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp; xây dựng tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và ở các hợp tác xã...
Hướng mạnh hoạt động công đoàn về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, có năng lực, trình độ, phẩm chất và bản lĩnh chính trị; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ công đoàn trẻ, có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức tốt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức công đoàn, để góp phần phát huy vai trò tập hợp đoàn kết xây dựng giai cấp công nhân tỉnh nhà ngày càng vững mạnh.
Chúng ta tin tưởng rằng giai cấp công nhân và hệ thống tổ chức công đoàn trong tỉnh sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và địa phương.
T.T.N.