Chiến sĩ thi đua toàn quốc với những sáng kiến mang lại hiệu quả cao
Tốt nghiệp Cử nhân Hóa năm 1980 tại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên), sau đó về công tác tại Ban Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (nay là Sở Khoa học - Công nghệ); tính đến nay đã trên 30 năm gắn bó với nghề nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Bản thân anh đã trải qua nhiều nhiệm vụ, chức vụ từ chuyên viên nghiên cứu đến Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Chi Cục phó Chi Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó Giám đốc rồi được đề bạt bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ năm 1998.
Đó là anh Nguyễn Văn Châu, là một trong hai cá nhân của tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012.
Quá trình công tác của anh là một chuỗi dài những nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, trong 6 năm gần đây, anh đã triển khai ứng dụng hơn 60 tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất, trong đó có nhiều tiến bộ phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội cao.
Tiêu biểu như triển khai 4 Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây ăn trái đặc sản của tỉnh; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt chứng nhận các loại sản phẩm như: vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, lúa Mỹ Thành Nam đạt GlobalGAP, khóm Tân Lập đạt tiêu chuẩn VietGAP, cá tra đạt chứng nhận SQF… Hỗ trợ áp dụng các giống mới trong lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, hiệu quả cho người sản xuất, tạo cho người nông dân từng bước có thói quen hình thành phong cách sản xuất mới theo hướng hiện đại.
Ngoài ra, anh còn giúp hỗ trợ đăng ký thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cho tất cả các loại nông - đặc sản của tỉnh.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, anh còn hỗ trợ cho doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, tư vấn đổi mới công nghệ… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp.
Đặc biệt anh cùng tập thể đề xuất với UBND tỉnh hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực dựa trên thế mạnh của tỉnh để hỗ trợ tập trung, có hiệu quả. Cụ thể là triển khai áp dụng hệ thống chất lượng ISO vào cơ quan hành chính cấp tỉnh từ năm 2002, đến nay tất cả các cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành, thị đã hoàn tất việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO và đang tiến hành áp dụng thí điểm ở cấp xã và thị trấn. Kết quả đã góp phần tích cực vào việc cải cách nền hành chính của tỉnh.
Có thể kể những đề tài, sáng kiến tiêu biểu anh đã thực hiện gồm: “Đề xuất và triển khai thực hiện Trung tâm học tập cộng đồng theo hướng nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho người sản xuất” (năm 2006); đề tài “Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện một số loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh” (năm 2007); đề tài “Nghiên cứu, đề xuất chính sách đưa cán bộ khoa học kỹ thuật về hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Tiền Giang” (năm 2008); đề tài “Hỗ trợ cho Hợp tác xã Khóm Tân Lập thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất, chăm sóc và thay đổi quy trình, mật độ trồng cây khóm vùng Tân Phước”(năm 2009).
Hiện anh đang tiếp tục nghiên cứu nhiều đề tài mới, hứa hẹn nhiều khả năng áp dụng, góp phần giúp bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
ĐÌNH HẢI