Thứ Ba, 19/02/2013, 06:04 (GMT+7)
.

Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây năm 2013

Ngày 18-2, tại tại Khu di tích đồn Hố Chuối, xã Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, căn cứ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2013.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự và phát động Tết trồng cây.

       Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VNN
Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phân tích lợi ích thiết thực của việc trồng cây đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Chủ tịch nước khẳng định: Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, từ năm 1959 đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp mỗi dịp vui Tết đón Xuân. Ngày nay, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa cuộc sống của con người, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững đã trở thành yêu cầu sống còn đối với mọi quốc gia, trồng cây càng có ý nghĩa quan trọng.

Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước hãy hăng hái tham gia trồng cây, nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật; góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân, giữ gìn môi trường sống.
 
Cùng với đại diện chính quyền các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch nước đã trồng cây tại Khu di tích đồn Hố Chuối; dâng hương tại Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, tưởng nhớ công lao của anh hùng Hoàng Hoa Thám và các anh hùng liệt sĩ năm xưa đã về Phồn Xương dựng cờ khởi nghĩa kéo dài trong 30 năm, tiêu biểu cho phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nông dân Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, cả nước đã trồng được 2.450.000 ha rừng; hàng năm khoán bảo vệ khoảng 2,5 triệu ha rừng; khoanh nuôi tái sinh gần 1,3 triệu ha, nâng độ che phủ của rừng từ 32% năm 1998 lên 40% năm 2011. Việt Nam là một trong số ít nước ở Châu Á tăng nhanh diện tích rừng.

Năm 2012, tuy tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của toàn xã hội, ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển và đạt được kết quả nổi bật: giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,4%; xuất khẩu lâm sản vượt kế hoạch và đạt cao nhất kể từ trước đến nay với kim ngạch trên 4,8 tỉ USD; độ che phủ của rừng đạt 40%.

Bên cạnh các thành tựu đạt được, hiện thực hiện chính sách về bảo vệ phát triển rừng tại nhiều địa phương còn chậm; việc huy động vốn và vay vốn để trồng rừng sản xuất của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số địa phương chưa chủ động lồng ghép các nguồn lực đầu tư, còn trông chờ vào ngân sách Trung ương. Rừng vẫn còn bị chặt phá, gây bức xúc trong xã hội. Tái cơ cấu, nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa bước đầu được xác định nhưng chưa được triển khai thực hiện đồng bộ tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực tiễn.

(Theo TTXVN)

.
.
.