Thứ Ba, 12/02/2013, 07:24 (GMT+7)
.

Nâng cao công tác xây dựng Đảng, tạo tiền đề cho tiến trình CNH-HĐH

                                                                                                                     TS. TRẦN THẾ NGỌC

                                                                                                              UVTW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy

Đất nước chúng ta đang từng bước triển khai những chương trình mục tiêu công nghiệp hoá và hiện đại hoá, bao gồm một chuỗi công việc liên quan từ tổng thể đến từng lĩnh vực và địa phương, mà hạt nhân để vận hành cho toàn bộ quá trình này là vai trò lãnh đạo của Đảng trong cả hệ thống chính trị.

Niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, vào những chủ trương và quyết sách của Đảng vừa qua có giảm sút, đây được xem là nguy cơ trong những nguy cơ của đất nước. Vì vậy, biện pháp của những biện pháp là kiện toàn đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về nhận thức chính trị lẫn đạo đức xã hội cũng như trong công vụ; song song với việc nâng cao yếu tố con người lãnh đạo là điều chỉnh cơ chế điều hành quản lý thoát khỏi vòng xoáy bao cấp, quan liêu, hạn chế tính sáng tạo và phát huy những nhân tố đổi mới, sớm khắc phục những tồn tại để tập trung cho tiền đồ đất nước.

Ảnh Trọng Tấn.
Ảnh: Trọng Tấn

QUAN TÂM XÂY DỰNG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG

Đảng bộ Tiền Giang đang cơ bản kết thúc việc phê và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, tích cực đề ra nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, vượt qua thử thách nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tính hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị địa phương.

Năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế thế giới suy thoái đã tác động lớn đến nước ta nói chung và Tiền Giang nói riêng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhân dân đã năng động, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt 4 chỉ tiêu quan trọng, liên quan mật thiết đến tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân là Tổng vốn huy động toàn xã hội trên địa bàn, Thu nhập bình quân đầu người, Chỉ số lạm phát và Tỷ lệ hộ nghèo đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tổng vốn huy động đạt kế hoạch 17.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người/năm là 32,8 triệu đồng (tăng 5,1 triệu đồng so năm 2011), chỉ số lạm phát cả năm 4,27% (cả nước khoảng 7,5%) và tỷ lệ hộ nghèo 7,96%.

Nhựa hóa  đường nông thôn.  Ảnh: Duy Bằng
Nhựa hóa đường nông thôn. Ảnh: Duy Bằng

Qua đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 cho thấy, về tư tưởng chính trị, trên địa bàn toàn tỉnh có một số vụ phá rối của các thế lực chống đối nước ngoài như đưa tin xấu vào các mạng trường học, hỗ trợ các nhóm khiếu kiện đòi tăng mức bồi thường giải phóng mặt bằng; ngoài ra, còn có một số vụ việc do các thành phần thoái hóa biến chất, tự phát hoặc bị xúi giục nhằm gây tác động trật tự xã hội. Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo giải quyết, không gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị.

Tình hình này đặt ra yêu cầu là sớm nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về lý luận: Tính quy luật của các phương thức vận hành trong xã hội, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kiến trúc hợp lý của các bộ máy trong hệ thống chính trị, kiện toàn các quy định về thể chế và cơ chế quản lý một cách toàn diện.

Tăng cường nội dung của các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quy hoạch và triển khai xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa đều khắp, để quy tụ lực lượng thanh thiếu niên và nhân dân.

Nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan trong hệ thống Tuyên - Vận. Hình thành cơ chế liên kết các hội quần chúng và đoàn thể, để đưa ý thức chính trị thâm nhập vào mọi thành phần xã hội,…

Về đạo đức, lối sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng được nền nếp trong sinh hoạt, lối sống giản dị, lành mạnh ở địa phương, chưa xảy ra vi phạm về đạo đức trong cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy. Trong nhân dân đã hình thành sâu rộng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nếu năm 1997, toàn tỉnh có trên 138.000 hộ đăng ký gia đình văn hóa, kết quả đạt 20.108 hộ, chiếm 6,61%; năm 2012 tăng lên đáng kể, toàn tỉnh có 99,7% hộ đạt gia đình văn hóa; có 902 ấp - khu phố văn hóa, đạt 88,7%; có 54 xã, phường, thị trấn văn hóa, đạt 31,95%.

Để tiếp tục nâng cao đạo đức, lối sống lành mạnh trong toàn hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới; đặc biệt là xây dựng tiêu chí và mô hình cụ thể trong triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đây là một trong những biện pháp hàng đầu để nâng cao sức chiến đấu của Đảng.

Tăng cường giáo dục công dân, đạo đức trong học đường; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí, đi đôi với công tác giám sát đảng viên thực hiện đúng Quy định những điều đảng viên không được làm.

CÁN BỘ - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

Nhìn trên tổng thể, lực lượng cán bộ của tỉnh nói chung  vững vàng về chính trị, trình độ chuyên môn phù hợp, có 73% cán bộ, công chức tốt nghiệp đại học, bố trí đúng ngành nghề, chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước.

Kết quả đánh giá chất lượng 32.973 đảng viên năm 2011 (đánh giá 93,89% đảng viên), có 3.629 đủ tư cách (11,04%), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 26.513 đủ tư cách (80,56%), hoàn thành tốt nhiệm vụ; 2.497 hoàn thành nhiệm vụ chiếm 7,6% (có 2.144 đảng viên miễn đánh giá). Năm 2011, có 234 đảng viên vi phạm tư cách, chiếm tỷ lệ 0,7% trên tổng số đảng viên toàn tỉnh.

Song song, Tỉnh uỷ quan tâm nâng cao hoạt động hệ thống cơ sở Đảng, năm 2011 có 808 cơ sở Đảng được đánh giá chất lượng, thì 602 cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, đạt 74,5%, tăng 2,91% so với năm 2010; trong đó có 118 cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu (19,6%); 150 cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ (18,56%); 50 cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ (6,19%); đã quyết định tái cơ cấu mô hình cơ sở Đảng cấp huyện và xã phù hợp.

Tuy nhiên qua thực tế, đội ngũ cán bộ, nhất là lãnh đạo các ngành kinh tế kỹ thuật của tỉnh hiện nay đa phần thiếu tính chủ động, sáng tạo trong hoạch định chính sách, đề xuất chương trình dự án, ít đổi mới trong vận dụng, tổ chức điều hành và quan hệ hợp tác trong lẫn ngoài nước.

Đội ngũ cán bộ kế thừa bị hụt hẫng, không đảm bảo cơ cấu độ tuổi và giới; độ tuổi dưới 30 chiếm 18,66%; nữ cán bộ, công chức cấp huyện chiếm 18,82% và một bộ phận không được đào tạo chuyên môn cơ bản, do chủ yếu trưởng thành từ phong trào cách mạng quần chúng, được bổ túc thêm trình độ chuyên môn trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ có hiện tượng chùn bước sau khi xảy ra một số dự án tồn tại, sai phạm. Công tác luân chuyển cán bộ còn quá ít trong khi biên chế khối Đảng, chính quyền, đoàn thể còn thiếu so với nhu cầu. Chưa có một chiến lược tổng thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa cơ bản, lâu dài, vừa giải quyết yêu cầu chính trị trước mắt. Chính sách thu hút nhân tài từ ngành, địa phương khác chưa mang lại hiệu quả cao, đến nay chỉ thu hút được 36 cán bộ có trình độ trên đại học đến tỉnh công tác.

Sắp tới, cần hình thành quan điểm chọn và sử dụng người có năng lực phù hợp với nhiệm vụ được giao; không cục bộ, bản vị, địa phương, thành kiến trong bổ nhiệm và đề bạt cán bộ. Quy hoạch cán bộ theo mục tiêu đã hoạch định, có sự kế thừa lâu dài, đảm bảo cơ cấu về độ tuổi, giới và năng lực chuyên môn; có đạo đức, lối sống tốt, trình độ chính trị lẫn kỹ năng quản lý cao.

Xác định phương châm tìm nguồn cán bộ theo hướng đa dạng và đào tạo chuyên sâu là biện pháp nền tảng của chiến lược cán bộ; lấy công tác luân chuyển cán bộ để trang bị thêm bản lĩnh về nghiệp vụ, năng lực tổ chức thực hiện làm biện pháp cơ bản; chọn quá trình rèn luyện nhận thức chính trị và đạo đức lối sống làm biện pháp thử thách quan trọng.

Để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy đã và đang tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ theo quan điểm, nguyên tắc, phương pháp và nội dung chiến lược đã định hướng, thể hiện qua các đề án cụ thể:

(1) Đề án quy hoạch cán bộ đảm bảo các nguyên tắc, quy định của Trung ương; đồng thời cụ thể hoá phù hợp với điều kiện, nhu cầu và khả năng của địa phương, trên cơ sở hình thành một hệ thống cán bộ lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị một cách năng động, hiệu quả cao.

(2) Đề án đào tạo tổng thể hệ thống cán bộ, cán bộ ngành và địa phương thuộc tỉnh, cán bộ cấp Tỉnh ủy quản lý, cán bộ quy hoạch chức danh Tỉnh ủy cho nhiệm kỳ hiện nay và các nhiệm kỳ sau. Trong đó có Đề án đào tạo và bổ nhiệm 100 cán bộ lãnh đạo xã, phường, thị trấn từ nguồn sinh viên mới tốt nghiệp.

(3) Đề án luân chuyển cán bộ nhằm thực hiện quy định tỷ lệ các chức danh lãnh đạo cấp huyện, tỉnh không phải là người địa phương; luân chuyển để nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, điều hành cho nhiệm kỳ hiện nay và phục vụ nhu cầu đào tạo cán bộ cho các nhiệm kỳ tới.

(4) Đề án thu hút nhân tài (bổ sung phát triển): Mở rộng đối tượng thu hút, xác định mức hỗ trợ, điều kiện sinh hoạt và công việc bố trí.

(5) Nghiên cứu cơ chế phát huy tính năng động, sáng tạo trong hệ thống cán bộ, trong đó có quy tắc lấy mức độ hoàn thành công việc theo chương trình hoạt động từng quý, năm để khen thưởng, xử lý, luân chuyển, bố trí, đề bạt cán bộ.

(6) Từng bước rà soát các loại văn bằng tốt nghiệp của cán bộ, công chức.

(7) Kiện toàn bộ máy và cán bộ lãnh đạo hệ thống ngành tổ chức.

Vừa qua, Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ, ban hành những văn bản về quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và thu hút cán bộ.

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ

Đi đôi với công tác cán bộ là đổi mới cơ chế quản lý, ngay từ đầu nhiệm kỳ IX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; Chương trình hành động toàn khóa của Ban Chấp hành và hàng quý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hướng dẫn việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ đã nghỉ hưu, cán bộ chuyên trách và không chuyên trách; một số vấn đề về công tác Đảng, mối quan hệ phối hợp cụ thể giữa cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể.

Tuy nhiên, trong một số mặt, tỉnh chưa kịp thời đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung tất cả các chính sách, quy chế, nguyên tắc hoạt động còn vướng mắc như: Chính sách tiền lương và biên chế; Chế độ thông tin và đào tạo cán bộ; Cơ cấu bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể; Cơ chế phát huy tính năng động giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách.

Quy định về quản lý sử dụng tài nguyên có nhiều bất cập, gây tình trạng khiếu nại đông người kéo dài, ảnh hưởng đến nông thôn, nông nghiệp và nông dân; chưa xác định rõ giữa cơ chế quản lý đất đai và phát triển quỹ đất. Chức năng quản lý một số ngành kinh tế kỹ thuật còn chồng chéo: Quản lý khu và cụm công nghiệp; Quản lý cơ sở giáo dục đào tạo nghề; Quản lý các dự án trọng điểm, kể cả dự án ODA; Quản lý xuất - nhập khẩu và hải quan,…

Từ đó, tỉnh đề xuất Trung ương sớm cải tổ các chính sách vĩ mô, các cơ chế quản lý chung còn tồn tại, các ngành và địa phương sẽ rà soát những vướng mắc trong từng lĩnh vực để báo cáo cụ thể; trong đó có đề nghị sớm thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy; ban hành cơ chế phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu, các chính sách quản lý, sử dụng đất đai, kiện toàn hệ thống và nâng cao hiệu năng lãnh đạo của tổ chức Đảng. 

Tập trung các đầu mối tham mưu điều hành kinh tế, xã hội, không để tình trạng một chức năng nhưng có nhiều cơ quan chủ trì quản lý. Hướng dẫn nâng cao nội dung sinh hoạt các cơ sở Đảng, thường xuyên đưa vào các chuyên đề mới, triển khai sâu rộng việc học tập, vận động về chính trị tư tưởng và đạo đức, lối sống; về mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,… Thống nhất quản lý, có chính sách hỗ trợ các hội quần chúng hoạt động hiệu quả.

TÍCH CỰC GIẢI QUYẾT TỒN TẠI

Giải quyết những tồn tại cũng là vấn đề trọng tâm được đặt ra, trong quá trình lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự  Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh sớm giải quyết những tồn tại từ các năm trước đây ở Khu công nghiệp Long Giang, Nhà máy cung cấp nước sạch khu vực phía Đông, bồi thường giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Tân Hương, Trung tâm trái cây Hòa khánh, Công ty cổ phần Du lịch tỉnh, Dự án công nghiệp tàu thuỷ, nhưng do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, các vụ việc giải quyết còn chậm.

Nguyên nhân xảy ra tồn tại là do tỉnh phát triển những dự án trong giai đoạn tăng trưởng nóng, khá lạc quan trong xác định nhu cầu thị trường trước mắt và lâu dài. Hệ thống cán bộ chuyên môn, kể cả quản lý mới tiếp cận với những chương trình, dự án đầu tư quy mô lớn, chưa quen hết nhiều chế định, quy phạm pháp luật cũng như kỹ thuật và nghệ thuật đàm phán, phương thức tổ chức thực hiện và nội dung giám sát.

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập các tổ giải quyết từng dự án tồn tại, phân công một số Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia; đồng thời quan hệ các bộ, ngành Trung ương, báo cáo Chính phủ xin ý kiến để tiến hành giải quyết có hiệu quả cao nhất; tập trung nguồn lực của tỉnh để giải quyết những điều kiện về kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết những tồn tại, xử lý vi phạm dựa trên quan điểm nhất quán: Khắc phục tồn tại để tiếp tục phát triển.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh tập trung xử lý tình hình khiếu nại đông người kéo dài, đến nay Tiền Giang đã ra khỏi danh sách một trong 5 điểm nóng của vùng Đông và Tây Nam bộ, nhưng vẫn còn những vụ việc cần phải tập trung toàn lực để giải quyết.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn chỉnh Quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó hoàn tất 2 đề án: Điều chỉnh một số nội dung chiến lược mang tính đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển 3 vùng kinh tế. Tỉnh uỷ cũng vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thông qua danh mục các dự án, kể cả dự án trọng điểm từ nay đến năm 2015,…

Mùa xuân - mùa của hy vọng. Chúng ta tin tưởng rằng với tất cả quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang nỗ lực hành động vì sự trong sạch vững mạnh của Đảng, để xứng đáng là ngọn cờ hiệu triệu mọi tầng lớp nhân dân đi theo Đảng, thi đua lao động sản xuất, năng động, sáng tạo thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng Tổ quốc phồn vinh.

Trước thềm Xuân Quý Tỵ 2013, xin gửi đến nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Tiền Giang lời chúc sức khỏe - hạnh phúc - an khang thịnh vượng.  

   

.
.
.