Phòng NN&PTNT Cai Lậy không ngừng vươn lên
Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Phan Minh Hiền trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Quyền Trưởng phòng NN&PTNT Trần Thị Nguyên và Bí thư chi bộ Phạm Thanh Tùng. |
Sáng ngày 1-2, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cai Lậy long trọng đón nhận Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước trao tặng. Thành tích đó là kết quả của cả quá trình phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ và nhân viên ở đây...
Thật vậy, trong 5 năm qua (2007-2011), được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành Nông nghiệp huyện không ngừng nỗ lực vượt qua những khó khăn, phấn đấu vươn lên với những thành tích nổi bật, toàn diện và bền vững, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chị Trần Thị Nguyên, Quyền trưởng phòng cho biết, thế mạnh của vùng đất Cai Lậy trên lĩnh vực nông nghiệp vẫn là cây lúa, kinh tế vườn và hoa màu. Sản xuất lúa chiếm diện tích 16.500 ha.
Trong những năm qua, các cán bộ kỹ thuật của Phòng luôn chú trọng việc hướng dẫn nông dân ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện có hiệu quả Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, Chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp”, sử dụng công cụ sạ hàng… giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu tư, sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn tại xã Mỹ Thành Nam và đã đầu tư mở rộng diện tích, đăng ký nhãn hiệu, trang thiết bị, bao bì, đóng gói sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường hiện nay.
Cán bộ nông nghiệp thường xuyên quan tâm theo dõi, hướng dẫn nông dân gieo sạ đồng loạt theo lịch thời vụ để phòng, trị sâu bệnh kịp thời, khống chế các loại dịch bệnh gây hại nặng như: rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh khô bông, cháy lá, đạo ôn… Vì vậy, sản xuất lúa ở Cai Lậy từ năm 2007 - 2011 đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, năng suất bình quân từ 4- 4,5 tấn/ha (năm 2006) lên đến 6 tấn/ha (năm 2011).
Việc chuyển giao kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp thổ nhưỡng từng địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập. Đặc biệt là mô hình thí điểm “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus do rầy nâu truyền” tức là trồng các loại cây có hoa, màu sắc rực rỡ, hương thơm, mật ngọt trên bờ ruộng để thu hút nhiều thiên địch trên ruộng lúa, khống chế rầy nâu và các loại sâu bệnh khác, giúp nông dân hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng. Mô hình này được thí điểm ở xã Mỹ Thành Nam, đến nay đã nhân rộng ra 13 xã phía Bắc Quốc lộ 1A.
Hợp tác xã Mỹ Thành đã được công nhận sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, từ diện tích ban đầu là 11,4 ha của 14 hộ ( năm 2008) đến năm 2010 mở rộng lên 95,5 ha, với tổng số 101 hộ. Ngoài việc tăng thêm lợi nhuận thu nhập cho nông dân, việc áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn góp phần xây dựng nông thôn văn minh, tạo sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm.
Vụ hè thu 2006, 1/3 diện tích lúa ở Cai Lậy bị thiệt hại nặng do rầy nâu truyền virus gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, ảnh hưởng năng suất thu hoạch giảm còn từ 3 - 3,5 tấn/ha/năm. Trước thực trạng này, Phòng NN&PTNT đã đề ra biện pháp để làm giảm thiệt hại và “né rầy”, kết quả vụ đông xuân 2006-2007, năng suất có tăng lên (đạt 7 tấn/ha).
Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân điều trị và tránh các loại bệnh trên cây lúa, cán bộ Phòng NN&PTNT còn hợp tác với Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL để tuyển chọn và nhân nhanh những giống lúa mới có năng suất cao và chống sâu rầy tốt như: MTL 466, MTL 499, OM 4667, OM 5451…
Song song đó, kinh tế vườn cũng được chú trọng, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân sản xuất cây chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, cam sành, bưởi da xanh, cây vú sữa…xử lý nghịch mùa, áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở lĩnh vực chăn nuôi dù bị biến động do dịch bệnh, nhưng được sự hỗ trợ tích cực của ngành Thú y nên chăn nuôi phát triển ổn định, duy trì số lượng đàn heo, bò, gia cầm; đồng thời vận động nông dân phát triền chăn nuôi trang trại theo hình thức an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay đã có hơn 200 hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ, chăn nuôi áp dụng quy trình khép kín xây dựng hầm bioga, góp phần bảo vệ môi trường…
Các công tác khác như thủy lợi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng… đều luôn được quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn cộng với sự nỗ lực và quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên Phòng NN&PTNT Cai Lậy đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà với tinh thần “thi đua là yêu nước” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với thành tích nổi bật trong 5 năm qua, Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy xứng đáng nhận Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước trao tặng.
NGỌC LỆ