Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ nhất
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Ngày 4-2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên; Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đốc đốc giải quyết; báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Việc thành lập Ban chỉ đạo lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, vừa kế thừa những cái đã có trước, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển.
Tổng Bí thư yêu cầu trước hết phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo cần phải kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm Ban Chỉ đạo trước đây đã làm được; rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, nhận rõ yêu cầu mới đặt ra.
Trước mắt, Ban Chỉ đạo cần phải thực hiện ngay một số công việc: Xây dựng quy chế làm việc, hoàn thiện việc phân công các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác và xác định những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.
Đối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau.
(Theo chinhphu.vn)