Thứ Sáu, 01/02/2013, 14:34 (GMT+7)
.

Gợi mở về nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng

“Đảng cầm quyền” là khái niệm dùng trong khoa học chính trị, chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước. Khái niệm “Đảng cầm quyền” lần đầu tiên được V.I. Lênin nêu ra. Sau này Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sử dụng các thuật ngữ để nói về vai trò cầm quyền của Đảng như: Đảng giành được chính quyền, Đảng nắm chính quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền, Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Bác viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Trong Điều lệ Đảng được Đại hội X của Đảng thông qua cũng đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”.

Về pháp lý, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Quốc hội nhất trí và được quy định tại Điều 4, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 1992).

Từ những luận điểm nêu trên, ta có thể hiểu: Cầm quyền là phải xây dựng được bộ máy Nhà nước cách mạng, quản lý xã hội bằng pháp luật, có thực lực mạnh, đảm bảo chống được thù trong giặc ngoài, bảo vệ được thành quả cách mạng, cải tạo được trật tự xã hội cũ, xây dựng được trật tự xã hội mới. Tự dân không làm việc đó được. Dân phải dựa vào bộ tham mưu chính trị của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng được trang bị lý luận khoa học, thay mặt dân để cầm quyền cho dân.

Về lịch sử, ai cũng biết, hơn 80 năm qua (kể từ khi thành lập Đảng 3-2-1930 cho đến nay), Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng duy nhất tổ chức vận động, lãnh đạo; đồng thời là người đi tiên phong, không sợ hy sinh, gian khổ trong công cuộc cách mạng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của một đảng cầm quyền, nhân dân ta đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trở thành biểu tượng cho ý chí quật cường, được nhiều dân tộc trên thế giới học tập.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới bắt nguồn từ đổi mới tư duy. Việc đổi mới tư duy mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra là những luận điểm hết sức cơ bản và có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới về sau. Công cuộc đổi mới tiến hành 25 năm đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Trong điều kiện, tình hình hiện nay, làm thế nào để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng? Có ý kiến cho rằng, ngày nay kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là sự hụt hẫng về trí tuệ và phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều này cũng dễ lý giải: Đảng đứng trước bước ngoặt lịch sử từ đồng cam cộng khổ lãnh đạo nhân dân chiến đấu chuyển sang công khai lãnh đạo đất nước với đầy đủ phương tiện vật chất, tài nguyên trong tay. Sự chuyển dịch này đưa đến một hệ lụy không có gì khó hiểu, khó giải thích về tình trạng tha hóa biến chất trong môi trường đầy cám dỗ, cạm bẫy về quyền lợi vật chất của những người có quyền lực. Người xưa có câu “dịch địa thì dịch tâm” (thay đổi địa vị thì thay đổi tấm lòng).

Vấn đề nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng là rất hệ trọng, xin nêu những định hướng và giải pháp có tính gợi mở sau đây:

- Kiên trì tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và xây dựng chính quyền, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

- Toàn Đảng, toàn dân phải quán triệt và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Kiên trì mục tiêu tập hợp mọi tiềm lực của xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

- Quan tâm xây dựng nền chính trị dân chủ, bảo đảm dân chủ trong Đảng, phát huy dân chủ trong dân. Đổi mới phương thức bầu cử, tuyển chọn những người tham gia điều hành đất nước, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội.

- Xây dựng cơ chế giám sát quyền lực thật khoa học, hữu hiệu. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tại Hội nghị Trung ương 4 - Khóa XI, Đảng ta đã xác định rõ 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Đây là những nội dung trọng tâm, mang tính cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó, vấn đề thứ nhất là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất. Toàn Đảng tập trung giải quyết tốt ba vấn đề nêu trên thì chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng, nhất định Đảng sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước vững bước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, trình độ trí tuệ của một đảng cầm quyền; đồng thời Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để luôn xứng đáng là một đảng trong sạch, một đảng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, sống mãi trong lòng dân tộc.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.