Ký ức về trận đánh & bài học tươi nguyên
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá Lê Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên là cán bộ biệt động TP. Mỹ Tho.
Phóng viên: Cảm xúc của ông trước cái Tết năm nay - kỷ niệm năm chẵn, 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 – 2013)?
Đại tá Lê Dũng: Trước Xuân Mậu Thân tôi là tiểu đội trưởng phụ trách 1 tiểu đội biệt động làm nhiệm vụ chiến đấu ở nội thành TP. Mỹ Tho. Trưa mồng 1 Tết Mậu Thân, chúng tôi được phổ biến mệnh lệnh là giờ G tối mùng 1 Tết, chiến dịch Tổng công kích vào các sào huyệt giặc trong các đô thị toàn miền Nam sẽ nổ ra, đơn vị chúng tôi với hơn một chục tay súng có nhiệm vụ nổ súng đánh chiếm khám đường Mỹ Tho.
Có thể nói, được tham gia chiến dịch lịch sử này, cảm giác phấn khích của mỗi chúng tôi lúc này không thể tả nổi. Là những chiến binh, chúng tôi hiểu hơn ai hết là vào trận này với điều kiện như đơn vị chúng tôi sẽ giành thắng lợi lớn, nhưng thương vong là điều tất yếu. Tuy vậy, không ai nao lòng, tất cả quyết tâm mãnh liệt, khí thế ngút trời, ai cũng sẵn sàng hy sinh cho chiến dịch lịch sử này.
Chúng tôi đã vào trận rất dũng mãnh, chiến đấu kiên cường, đã diệt được nhiều địch, chiếm giữ khu vực trung tâm Mỹ Tho. Đồng đội tôi đã bắn cháy xe bọc thép đầu tiên ngay tại đầu Cầu Quay. Khi hết đạn phải lui quân, có đồng chí bị thương lạc đơn vị được đồng bào che giấu. Sau đó bị địch phát hiện, đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và còn 1 quả lựu đạn đồng chí đã quyết tử diệt nhiều địch, thể hiện dũng khí của người chiến sĩ cách mạng.
Tình cảm rộn ràng, tinh thần chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cao độ tột cùng ở mỗi chiến sĩ trong Chiến dịch Tết Mậu Thân là kỷ niệm sâu sắc, nhớ mãi của những Giải phóng quân chúng tôi.
Hướng về phía trước, dồn bước cho Mậu Thân kịp thời nổ súng. |
Phóng viên: Trước kẻ thù hùng hậu với vũ khí hiện đại, tiềm lực chiến tranh dồi dào, yếu tố nào giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng vang vội?
Đại tá Lê Dũng: Chúng ta kháng chiến chống Mỹ bằng cuộc chiến tranh nhân dân, ngoài việc cung cấp tin tức, tải đạn, tiếp lương, tải thương, góp công, góp của phục vụ chiến đấu trên chiến trường, bà con mình còn làm rất nhiều việc trong trận chiến này. Ở đơn vị chúng tôi, chuyển vũ khí vào nội thành địch không biết, nhưng nhân dân có người biết. Ngay sau khi nhận lệnh chiến đấu, lực lượng đơn vị tôi đột nhập vào nội thành có những người dân biết.
Trong lòng địch, bà con sẵn sàng hy sinh, chịu đựng tra tấn, tù đày để đùm bọc chúng tôi; do vậy dù trong lòng địch nhưng bí mật của trận đánh vẫn giữ được tuyệt đối đến giờ nổ súng. Lúc ấy những lời động viên như: “ráng lên nha tụi bây”, “cẩn thận nha các em” của bà con quen biết và cả có người tôi chưa được quen ngay trong nội thành là điều tôi không thể nào quên.
Tôi bị thương vào chân, được đồng đội dũng cảm cưu mang và bà con nhân dân đùm bọc nên mới đưa được tôi vượt ra ngoài và về tận quân y viện ở vùng giải phóng. Nhân dân là nguồn lực mạnh mẽ trong cuộc tổng tiến công này.
Là những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, chúng tôi đã từng nếm trải những gian lao, ác liệt của cuộc chiến với tên đế quốc đầu sỏ, nên chúng tôi hiểu và hiểu rất rõ cái giá của độc lập, tự do và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Do vậy, nay dù đã trở về đời thường nhưng mỗi chúng tôi đều thấy mình phải có trách nhiệm đối với sự nghiệp hôm nay, phải làm thật tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nhân dân; đồng thời góp phần làm cho tuổi trẻ hôm nay hiểu được, trân trọng và tự hào với quá khứ hào hùng của thế hệ trước, xứng đáng với hiện tại, có trách nhiệm với tương lai.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại tá!
LÊ HỒNG LÂM (thực hiện)