Má Trần Thị Điểu anh hùng LLVT: Nữ đảng viên kiên cường
Má Hai Trần Thị Điểu (sinh năm 1903, quê quán xã Phước Thạnh - Châu Thành - Tiền Giang) sống trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước. Hơn 30 năm cùng nhân dân đứng trên tuyến đầu chống giặc Pháp, Mỹ - ngụy, má là người chiến sĩ kiên cường.
Năm 1940, chưa mãn tang chồng, cố nén đau thương, má đứng vào hàng ngũ những người khởi nghĩa Nam kỳ. Cuộc khởi nghĩa bị giặc Pháp dìm trong bể máu, má và nhiều người yêu nước bị địch bắt. Tại khám lớn Mỹ Tho, địch dùng cực hình, má vẫn kiên trung.
Tên mật thám Pháp dụ dỗ: “Người Pháp đến “Khai phá văn minh” cho An Nam, tại sao cô lại chống?”. Má nhìn thẳng vào mặt tên Pháp: “Nếu ông như chúng tôi, ông nghĩ sao? Văn minh đâu không thấy, chỉ thấy toàn cảnh lầm than đói khổ, đầu rơi máu chảy…”. Bị bẽ mặt, hắn dọa: “Mai bà sẽ biết”. Chúng tiếp tục dùng mọi cực hình, má không lay chuyển. Hôm sau, hai người con gái nhỏ của má đến đứng ngoài song sắt trại giam nhìn má khóc ngất. Má chậm nước mắt không kịp. Ba mẹ con đau xé lòng...
Má Hai Trần Thị Điểu (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng chí Trương Thị Nghề, Trương Mỹ Hoa và Nguyễn Thị Hoài Thu tại Lễ Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Ấp Bắc. Ảnh: T.L |
Sau 3 tháng giam cầm, giặc thả má. Hai con thơ của má ốm trơ xương ào tới ôm má nức nở: “Má ... Má ơi!”. Má ôm hai con vào lòng như vừa chết đi sống lại... Bước ra khỏi ngục tù, má chỉ còn bộ xương khô. Lê bước về căn nhà lá dột nát lạnh lẽo, chiếc giường tre xiêu vẹo phủ manh chiếu rách..., trong hủ không còn một hột gạo, bếp núc lạnh tanh, hai công ruộng sau nhà đầy cỏ dại.
Hai con nhỏ của má nhờ bà con hàng xóm chăm sóc khi má bị tù đày. Má ngậm ngùi cảm ơn cô bác đã tận tình giúp đỡ. Má gắng sức canh tác hai công ruộng và được bà con giúp đỡ sống qua ngày. Má tiếp tục hoạt động cách mạng và đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1942.
Ngày 23-9-1945, má Hai đi đầu đoàn biểu tình lớn của nhân dân giương cao cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ. Không lâu sau đó, Pháp quay lại chiếm Nam bộ. Má được phân công “bám trụ” tại quê nhà. Má cùng hai người con cùng bà con hoạt động liên tục suốt hai thời kỳ chống giặc xâm lược.
Năm 1956, đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm vào miền Nam vấy máu hàng vạn đồng bào yêu nước. Chúng thực hiện Luật 10/59 “Diệt Cộng”, trả thù những người kháng chiến cũ. Má Hai xây dựng xong cơ sở mật trong vùng thì bị địch bắt (năm 1958).
Chúng giam cầm, tra tấn má và nhiều người tại khám lớn Mỹ Tho trong nhiều ngày cực kỳ tàn bạo. Vào một đêm khuya, địch chở 3 người thanh niên, một phụ nữ trẻ và má xuống cầu Quay Mỹ Tho, lần lượt chúng dùng máy chém sát hại 3 người thanh niên ném xác xuống sông Bảo Định. Má và người phụ nữ trẻ chờ chúng đẩy lên máy chém. Trong giây phút ấy cực kỳ căng thẳng, má thương hai người con da diết và những người đã ngã xuống vì nước vì dân. Má thấy lòng mình thanh thản.
Bỗng bọn đao phủ đẩy má và người phụ nữ trẻ xuống bên cái máy chém đen xì còn dính đầy máu. Tên ác ôn nói dọa: “Các người tính sao? Muốn sống hay muốn chết?”. Má và người nữ tù im lặng cúi người mặc niệm 3 chiến sĩ vừa hy sinh... Chúng lại hầm hừ lôi má và người bạn tù lên xe tống vào nhà giam Cây Khế (Mỹ Tho). Sau 5 tháng địch dùng mọi thủ đoạn, cực hình, nhưng má là người chiến thắng!
Ra tù về nhà, má lâm bệnh và nghèo đói hành hạ. Má cố vượt qua: “Không còn con đường nào khác, chỉ có một con đường cách mạng!”.
Những năm 1963 - 1968 địch đánh phá, bình định rất ác liệt hòng biến Phước Thạnh và vành đai Bình Đức thành vùng trắng. Chúng giành từng thước đất, từng người dân. Lực lượng ta quyết bám dân bám đất, một tấc không đi, một ly không rời, quyết đánh Mỹ đến cùng.
Tuy tuổi cao sức yếu, má Hai vẫn tổ chức và trực tiếp tham gia hàng trăm cuộc biểu tình quy mô lớn cùng nhân dân trực diện chống các cuộc càn quét của địch. Má vận động hàng ngàn lượt thanh niên tình nguyện vào du kích, quân giải phóng, thanh niên xung phong phục vụ kịp thời, liên tục tải thương, tải đạn, phá lộ, phá ấp chiến lược, xây dựng ấp, xã chiến đấu.
Má vận động, tổ chức nhiều hội mẹ chiến sĩ trực tiếp chăm sóc thương binh, giáo dục đưa hàng trăm con em tham gia kháng chiến. Má trực tiếp kín đáo đào nhiều hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích, thương binh hàng chục năm an toàn. Má vót hàng trăm cây chông bí mật gài trong nhiều hầm, địch càn quét, hàng chục tên bị thương nặng.
Má khéo léo gài chất nổ diệt 3 cố vấn Mỹ, 5 sĩ quan ngụy ác ôn. Má trực tiếp đưa hàng ngàn lượt cán bộ, bộ đội đi công tác, chiến đấu an toàn trong nhiều năm, trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, má là một chiến sĩ du kích lập nhiều chiến công to lớn. Má trực tiếp điều nghiên thực địa, đưa đường cho du kích, bộ đội đặc công diệt hàng chục đồn, diệt ác hơn 100 tên giặc.
Năm 1968, trong một trận chiến đấu, ta có hơn 10 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vòng vây của địch. Má khéo léo tổ chức đưa về an táng chu đáo. Một cán bộ bị thương nặng sát đồn giặc, má tự tổ chức giải cứu đưa về quân y trị lành vết thương. Má vận động cảm hóa hàng trăm sĩ quan, binh sĩ ngụy bỏ 15 đồn bót, giao nộp cho du kích 86 súng, hơn 2 tấn đạn, mìn, lựu đạn, thuốc nổ....
Ngày 6-11-1978, má Trần Thị Điểu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Má Hai đã đi xa nhưng tấm gương dũng cảm tuyệt vời, một người đảng viên ưu tú suốt đời tận tụy vì nước, vì dân vẫn sáng ngời mãi mãi.
LÊ NGỌC HÂN