Thứ Tư, 20/02/2013, 14:23 (GMT+7)
.

Vấn đề hạn điền theo luật định

Trong Cương lĩnh của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại”. Muốn thực hiện được như vậy thì phải tích tụ ruộng đất. Vậy có nên xóa bỏ hay chỉ nới rộng thời hạn sử dụng đất và hạn điền trong Luật Đất đai sửa đổi sắp tới? Cách lựa chọn nào là phù hợp nhất so với điều kiện sản xuất của nước ta?

Khi hạn điền được nới rộng, người nông dân không còn lo lắng khi phải nhờ người khác đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.         (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Khi hạn điền được nới rộng, người nông dân không còn lo lắng khi phải nhờ người khác đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn giữ nguyên so với Luật Đất đai năm 2003 về hạn mức giao đất nông nghiệp. Cụ thể, mỗi hộ gia đình, cá nhân được giao không quá 3 ha đất trồng cây hàng năm, đất làm muối và đất nuôi trồng thủy sản; không quá 10 ha đất trồng cây lâu năm ở đồng bằng và 30 ha ở vùng núi, trung du... Riêng thời hạn giao đất nông nghiệp là 50 năm, dài hơn so với quy định hiện hành nhằm giúp nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất.

Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng nới rộng hơn, gấp 10 lần hạn mức giao đất (quy định hiện hành chỉ gấp hai lần) nhằm tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.

Một điều thấy rõ là nếu không nới rộng thời hạn thì chắc chắn nông dân sẽ khó lòng yên tâm đầu tư dài hạn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nhất là với mô hình sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao đang được nhân rộng như hiện nay.

Nới rộng thời hạn được coi là phương án tốt nhất để người chuyên làm nông nghiệp yên tâm dồn tâm trí, tiền bạc, sức lực để tạo nên khu vực nông nghiệp có năng suất và sản lượng  cao. Đây chính là động lực mới từ chính sách đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp có khi phải kéo dài hàng chục năm mới thay đổi được phương thức canh tác làm tăng đáng kể lợi nhuận.

Đối với hạn điền, hệ thống pháp luật đất đai của ta nhiều năm qua cũng đã đi theo hướng nới rộng. Mặt khác, trên thực tế hệ thống quản lý đất đai của ta không phát hiện được và cũng không có chế tài xử lý các trường hợp vượt hạn điền.

Cho nên nới rộng hơn nữa hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn, không dừng ở hạn điền như trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định; không sợ xu hướng hình thành tầng lớp “địa chủ” mới và “tá điền” mới ở nông thôn vì ta có hệ thống chính trị hoạt động mạnh ở các cấp, có thể giải quyết được bằng chính sách thuế, bằng các chế tài thu hồi đối với đất đã phát canh thu tô.

Như vậy, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang cần những chính sách đất đai phù hợp hơn, tạo động lực lớn hơn để người nông dân yên tâm tự đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Hãy tạo điều kiện tốt cho nông dân có những cơ hội làm giàu trên đồng ruộng, thu hút trí thức “xắn tay áo” làm nông; hãy phát huy những gương sáng thanh niên, những “nông dân trí thức” đã sử dụng được nguồn vốn hiệu quả, giải quyết được những vấn đề của cả một quá trình sản xuất đến trực tiếp tham gia thị trường tiêu thụ sản phẩm.

NGUYỄN BÌNH LUẬN
 

.
.
.