Thứ Hai, 25/03/2013, 09:31 (GMT+7)
.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số cán bộ, công chức (CB-CC) cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỗ hở là những nguyên nhân gây ra tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện; tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Dưới đây là các trọng tâm góp ý:

VỀ ĐẤT VÀ GIÁ ĐẤT:

Đa số CB-CC nhất trí phải có cách gọi chung “đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên” là tài sản để có sự thống nhất trong cách gọi của Điều 57, 58: Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và đề nghị bổ sung “hộ gia đình” là một chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 58 của Dự thảo.

Cần phải giao đất nông nghiệp cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài (không có thời hạn). Đối với đất nông nghiệp nên xóa bỏ hạn điền, cho phép nông dân tích tụ ruộng đất. Thu hồi đất thì phải phân làm hai loại, nếu vì mục đích quốc phòng - an ninh thì phải áp dụng cơ chế trưng mua, nếu vì mục đích kinh tế thì theo giá thỏa thuận, nhưng có định hướng của Nhà nước...

Đa số tán thành với nguyên tắc định giá đất trước đây phải bảo đảm “Giá đất do Nhà nước quyết định phải sát với giá thị trường”, tức là giá đất do Nhà nước định phải là giá thị trường tại thời điểm, địa điểm nhất định. Về việc giao UBND các tỉnh, thành định giá đất: Dự thảo quy định: “Chính phủ quy định khung giá các loại đất, khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp”. Quy định này không khả thi vì Chính phủ không có điều kiện theo dõi sát sao diễn biến của giá thị trường. Nên giao hẳn cho UBND các tỉnh, thành phố quy định giá đất cho địa phương mình, như vậy khả thi hơn, sát hơn và nhanh hơn.

Đa số nhất trí bỏ việc UBND ban hành và công bố giá đất vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Thực tế đã chứng minh quy định này mang tính hình thức, hành chính, không khả thi.

Đối với hình thức giao đất không thu tiền sử dựng đất, đa số nhất trí cần tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất, thực hiện bãi bỏ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các tổ chức sự nghiệp. 

Cần áp dụng hình thức thuê đất đối với các tổ chức sự nghiệp để họ sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 94 trong dự thảo), đa số tán thành việc Nhà nước chỉ quy định một mức giá đất sát với giá thị trường cho mọi đối tượng sử dụng đất, nhưng phải có chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp như dự thảo nêu.

Chúng ta phải làm như vậy để thu hút đầu tư sản xuất - kinh doanh vào các lĩnh vực và địa bàn cần ưu đãi để có thể phát triển sản xuất - kinh doanh, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa, từ đó thu thuế các loại. Điều đó mới mang lại lợi ích cơ bản, to lớn, lâu dài và bền vững cho đất nước.

NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ:

1. Đề nghị viết lại Khoản 1, Điều 16 như sau: Quyết định giao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất bằng các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất. Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, do đó Nhà nước quyết định “giao quyền sử dụng đất” chớ không thể quyết định “giao đất”.

2. Điều 36, Khoản 3: Kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hằng năm. Đề nghị nâng lên kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập 5 năm 2 lần, vì việc lập kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện cũng dựa trên kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; mỗi năm làm kế hoạch 1 lần tốn kém, không hiệu quả, dễ sao chép, hợp thức hóa về chủ trương nhưng không có tầm nhìn, hiệu quả trong hoạch định.

3. Điều 109, Khoản 1: Thống nhất phương án 2: Nhằm ổn định cân bằng giá đất tương đối, chống lợi ích nhóm trong tình hình giá đất không lành mạnh ở thị trường bất động sản, tránh chính quyền địa phương luôn bị động, đeo bám giá đất ảo ngoài thị trường.

4. Điều 125: Hạn mức giao đất nông nghiệp
Đề nghị điều chỉnh điểm a, khoản 1 với cụm từ “không quá ba (3) ha cho mỗi loại đất” lên “không quá năm (5) ha cho mỗi loại đất”.

5. Điều 161, Khoản 2: Thống nhất theo phương án 1.

6. Khoản 2, Điều 186: Không nên quy định hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mới được chuyển nhượng, sẽ dẫn đến ép giá. Cần mở rộng thêm các hộ có điều kiện bên ngoài được được chuyển nhượng và vào  khu vực rừng phòng hộ.

7. Về vấn đề thu hồi đất: Bên cạnh cơ chế Nhà nước chủ động thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng, phục vụ quốc phòng - an ninh, thì cần có cơ chế đồng thuận trong việc tự nhận quyền chuyển nhượng sử dụng đất giữa các cá nhân, tổ chức với nhau để thực hiện các dự án đầu tư mà không thông qua Nhà nước thu hồi đất, nhằm bảo đảm quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân được bình đẳng; tránh lạm dụng quyền lực của cán bộ, cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ, ép giá chuyển quyền sử dụng đất để thu lợi.

8. Về thời hạn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân, đề nghị nâng từ 50 năm lên 70 năm.

9. Về chủ thể Nhà nước ở địa phương, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu ứng dụng đồng bộ với Đề án sửa đổi Luật Tổ chức HĐND, UBND các cấp theo hướng phân biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, để khi Luật ban hành có hiệu lực thi hành thì mọi người đều nhận thức và thực hiện
được.

* Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức Hội nghị các tổ chức thành viên lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân… Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số hạn chế cần điều chỉnh sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo Luật chưa thực sự chú ý đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư. Trong Chương V quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Luật cần điều chỉnh, sửa đổi quy định thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền mục đích sử dụng đất từ thẩm quyền chung là UBND nên sửa thành thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND. Đại biểu cho rằng, khi quy định thẩm quyền riêng sẽ nêu cao được vai trò và trách nhiệm đối với người được giao thẩm quyền.

Các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề điều chỉnh khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh. Tại Điều 9, có phân loại đất nhưng chưa giải thích từ ngữ, người dân sẽ nhầm lần giữa đất tín ngưỡng và đất cơ sở tôn giáo.

Tại Điều 87 quy định về bồi thường cây trồng là chưa hợp lý. Căn cứ bồi thường cần dựa vào lượng cây trồng và năm tuổi để đánh giá, tránh gây thiệt hại cho dân. Nhiều ý kiến còn cho rằng, tại các Điều 15, 61, 62 quy định về thu hồi đất nông nghiệp của dân để phát triển các dự án kinh tế - xã hội, nên thay cụm từ thu hồi bằng  thương lượng hoặc trưng mua của dân...

P. MAI (lược ghi)

 

.
.
.