Thứ Tư, 06/03/2013, 08:02 (GMT+7)
.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3:

Chuyện về hai nữ liệt sĩ anh hùng

Tình hình chiến trường bắt buộc, đầu tháng 3 năm 1970, Huyện ủy Chợ Gạo quyết định cho Ban Dân y huyện mở trạm nuôi dưỡng thương binh ở địa bàn xã Giang Quới (Bình Đại, Bến Tre) và phân công y tá Nguyễn Văn Khanh làm trưởng trạm, y tá Nguyễn Thị Ngọc Tiến làm phó trạm cùng với 3 y tá, cứu thương.

Chị Tiến và chị Chi
Chị Chi và chị Tiến.

Xây dựng chưa xong chỗ ở thì phải đưa chuyến đầu tiên hơn 30 thương binh nặng vượt sông Tiền qua trạm. Vẫn chưa ổn định thì anh Khanh hy sinh, chị Tiến thay làm trưởng trạm.

Chuyện cơm-áo-gạo-tiền, mua sắm thuốc men, điều trị chăm sóc ngần ấy thương binh, ai có hình dung được gánh nặng đã đặt lên đôi vai người trưởng trạm ấy như thế nào!

Chú Đức Phương, thương binh cụt một chân, người qua trạm chuyến đầu tiên kể lại về chị Tiến:

- Chưa 4 giờ sáng nó đã dậy nấu cơm, giặt giũ, thay băng, tiêm thuốc cho thương binh xong đã 9-10 giờ; ăn uống gì một chút, lại thấy nó vận quần cụt lội tát mương bắt cua bắt cá. Nước ròng mà nữa đêm nó cũng thức dậy đi ra rạch mò hến, bắt nghêu để có cho thương binh ăn; có bữa về rửa chân chưa kịp sạch, buồn ngủ, để vậy chui vô mùng… ngày này qua tháng khác.

- To xác gì cho cam, vóc dáng cao được chừng hơn thước rưỡi, vậy mà lúc cần nó đưa lưng cõng thương binh đi te te. Anh Hai Bài, sau này làm Phó Giám đốc công an tỉnh còn nói hóm hỉnh: “Nó xóc nách thương binh đi như ẵm em”. Ra dân mua gạo, vác gần cả giạ gạo về đến rạch Bà Lọ (Giang Quới) không có xuồng, nó đội gạo trên đầu lội đứng qua rạch.

Thiếu dịch truyền, nó leo dừa như con sóc, bẻ dừa, cắn vào miệng, tuột xuống, lấy nước dừa truyền cho thương binh. Còn chuyện đánh giặc, nó… lì hơn đất cục, lựu đạn ít khi nào gài, đợi lính tới nó mới chọi. Nó bảo: “Có ít lựu đạn, chọi như vậy mới sát thương được địch. Mình gài, nhiều lúc chúng nó đi trật đường thì tiếc”.

Ổn định xong trạm ở Giang Quới, hướng mở tiếp một điểm nữa ở trong rừng Cây Giá thuộc xã Thừa Đức cũng của huyện Bình Đại, là nơi tình hình khá ổn để nuôi dưỡng lâu dài những thương binh nặng không còn khả năng chiến đấu.

Từ Giang Quới xuống Thừa Đức phải đi hơn 7 tiếng đồng hồ bằng xuồng, phải lách giặc trên sông Tiền mà đi thế nhưng chị Tiến luôn đi - về, lo chu toàn cho cả hai điểm trạm; lại còn là đầu mối lo mua thuốc men tiếp ứng cho quân - dân y huyện bên Chợ Gạo thời ấy.

Trong lúc bươn chải lo lắng cho hàng chục thương binh ở Bến Tre thì chị như quặn thắt khi nghe tin người yêu của chị, anh Nguyễn Văn Lượm - y tá cùng đơn vị bên Chợ Gạo, lúc lo cho những thương binh đã bị giặc bắn hy sinh.

Đầu năm 1972, Chợ Gạo mở rộng dần vùng làm chủ, chị Tiến được điều về cùng với chị Lê Thị Chi - là y sĩ mới học từ khu về củng cố lại điểm trạm ở xã Hòa Định.

Sáng ngày 16 tháng 4 năm 1972, lực lượng lính bảo an quận Chợ Gạo do tên quận phó trực tiếp chỉ huy càn vào địa hình khu vực trạm xá. Trạm đang có 4 thương binh, hai chị đã dành hai cái hầm bí mật trên liếp cao, khô ráo cho thương binh ở.

Cõng thương binh xuống hầm, ngụy trang xong, chỉ có một quả lựu đạn, chị Tiến cũng tranh thủ gài để bảo vệ hầm cho thương binh. Hai chị về  hầm bí mật - cái hầm mới làm được hơn 10 ngày, đất nắp chưa khô nên khi địch đi ngang qua, đất lún, chúng phát hiện. Và, trận đối mặt bắt đầu.

Giặc vừa gọi hàng vừa bắn phá nắp hầm. Trong tay không còn tấc sắt, hai chị bị bắt cùng với tài liệu chưa kịp hủy. Biết là nơi có chứa thương binh nên giặc tập trung mọi thủ đoạn tra tấn dã man. Đánh không khai, chúng nhận nước, gần chết chúng kéo lên, giẫm lên bụng cho trào nước ra, tra hỏi rồi nhận nước tiếp, đánh tiếp.

Đến chiều, giặc không dám ở lại trong địa hình nên chúng lôi hai chị ra mé đồng tiếp tục tra tấn. Không khai thác được gì, chúng nghĩ ra chuyện làm nhục: cho lột hết quần áo, dẫn đi giữa đám lính, qua xóm dân cư… Hai chị cứ đi - hai người phụ nữ chấp nhận một sự thật còn đau hơn cái chết, nhưng quyết không khai để bảo vệ đồng đội, bảo vệ thương binh.

Tối. Chúng cho đóng quân dã chiến và tra tấn suốt đêm hôm ấy. 5 giờ sáng ngày 17-4-1972, thằng Son, trung đội trưởng thám báo ác ôn khét tiếng không còn cách nào khác, nó giở thủ đoạn dã man tàn bạo  cuối cùng.

Trước hết nó chọn chị Tiến, bởi chị là người tỏ ra cứng rắn, đối chất vạch tội nó, vạch tội chính quyền bán nước mà nó đang theo - nó hằn học dọa: “Mổ bụng ra để xem lá gan mày bao lớn”. Nhìn cái dao lê Mỹ xanh lè ánh thép mà thằng Son cầm trên tay, rồi nhìn thẳng vào mặt nó, chị dõng dạc thách thức: “Có giỏi thì làm, mày đừng hù, đừng hòng tao khai”. Thằng Son như bị quất roi vào mặt, nó thọc dao mổ bụng, moi lá gan chị ném trước mặt chị Chi. Trước hơi thở cuối cùng chị Tiến còn thều thào: “Đừng khai nha chị Hai”.

Thằng Son tưởng rằng chứng kiến cảnh tượng ấy sẽ làm cho chị Chi nhục chí, biết được đâu rằng khi nó quay qua hỏi: “Tới mày thì sao?”. Nó lại gặp đôi mắt chị đang nảy lửa trút cạn căm hờn lên đầu nó: “Mày cứ mổ bụng tao đi”. Thằng Son không nói, lững thững bước tới thọc mạnh cái dao lê dính đầy máu vào bụng chị như cái máy, không hồn. Rồi, thằng Son và một đám quân ô hợp đứng như trời trồng chung quanh thi thể hai người vừa ngã xuống.

Chị Tiến hy sinh khi tuổi đời vừa tròn hai mươi mốt, chị Chi lớn hơn mười tuổi. Hai chị ra đi như những người anh hùng - những người con anh hùng của quê hương Chợ Gạo, là ngôi sao sáng của ngành Quân - Dân y, là những người cộng sản, người thầy thuốc Việt Nam.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.