Thứ Sáu, 08/03/2013, 08:51 (GMT+7)
.

Chuyện về những người mẹ can trường

1. Má Năm và đứa con đồng đội

Ông Hai Chỉnh chuyên nghề đánh xe ngựa chở thuê đủ thứ hàng nông sản từ khu phố Bến Tranh ra Chợ Cũ - Mỹ Tho, nhưng có mấy ai biết ông đã từng tham gia cùng với các ông Lê Quang Sô, Lê Quang Hải lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 ở các xã vùng Bến Tranh.

Cho đến tháng 3-1946, bị chỉ điểm, giặc Pháp bắt ông về Bến Tranh. Suốt 4 ngày đêm chúng dùng tất cả các đòn tra tấn cực hình nhưng vẫn không khai thác được gì.

Một đêm, vợ ông là bà Lê Thị Lan vượt qua được hết đám lính gác, chạy xộc vào chỗ giặc đang tra tấn. Thấy chồng đang bị chúng trói thúc ké treo trên trần nhà tra tấn, bà ôm chân chồng nâng lên cho dùn bớt dây treo; nó đánh luôn bà.

Sáng ngày rằm tháng 3 năm đó chúng dẫn ông vào chợ Phú Kiết, bắn ông giữa chợ. Bà đánh xe ngựa vào chợ chở xác chồng về chôn cất. Làm xong đám giỗ giáp năm cho chồng, bà bỏ nhà theo kháng chiến, làm chiến sĩ Ban Quân nhu của Liên Trung đoàn 105-120 Khu Tây Nam bộ.

…Trực tiếp chỉ huy Ban Quân nhu hồi ấy là ông Nguyễn Văn Ất, xưa là giáo viên công tác mật ở Sài Gòn bị lộ, ông đưa vợ con về Đồng Tháp Mười - phía trong chùa Phật Đá (thuộc huyện Tân Phước bây giờ) sinh sống. Một sáng cuối đông năm 1949 còn đầy sương mù, máy bay Pháp oanh tạc vùng kháng chiến, vợ ông Ất chết vì trúng bom, để lại đứa con trai - thằng Vũ mới 3 tuổi không ai nuôi, phải gởi trong dân. Thấy vậy, bà Lan bàn với ông Ất rước nó vào để bà nuôi trong Ban Quân nhu. Từ đó thằng Vũ gọi bà Lan là má Năm.

… Hiệp định Giơ-neo năm 1954 ký kết. Bộ đội tập kết ra Bắc. Năm đó thằng Vũ gần 8 tuổi, nó núm níu má Năm, không chịu theo cha. Cán bộ ở lại miền Nam đi vào hoạt động bí mật. Má Năm là đảng viên (kết nạp tháng 5-1949) ở lại Đồng Tháp Mười, hoạt động công khai và bán công khai.

Hai năm chờ “tổng tuyển cử”, má Năm với thằng Vũ bám trụ trong cái chòi, nơi mà vợ ông Ất bị bom chết, nuôi thằng Vũ. Đói ăn, má lặn lội trong đồng bưng cắt đưng, nhổ bàng đổi gạo, bắt con cá con lươn trên đồng nước phèn mẹ con sống đắp đổi qua ngày, ngóng trông.

Không chịu nổi nữa, cuối năm 1956 mẹ đùm túm con về cầu Vĩ, xã Mỹ Phong sống tạm trong căn nhà của vợ chồng đứa em họ (bà Bảy Xinh) là lực lượng công tác thành. 3 chị em thành tổ Đảng. Ngoài chuyện công tác, má Năm đi mua chùm ruột về làm mứt, xỏ ghim bán theo mấy gánh hát thành cái nghề nuôi sống, lo cho thằng Vũ ăn học. Cuối năm 1963, Vũ học được tới đệ ngũ hay đệ tứ gì đó,  phong trào thanh niên tòng quân cứu nước thật rầm rộ, nó về xin má Năm cho thôi học để theo giải phóng quân.

Nhớ kỷ niệm một thời chiến đấu, nhớ về đồng chí, đồng đội, nhớ người chỉ huy cần mẫn của Ban - anh Ất…, má cho thằng Vũ đi. Khai lý lịch lấy họ Lê của má: Lê Tiến Vũ, chiến đấu trong Tiểu đoàn 261 của khu. Đầu năm 1972, Lê Tiến Vũ được thăng hàm trung úy. Trong trận chiến đấu ngày 18-1-1972, Tiến Vũ đã ngã xuống nơi chiến trường. Ngậm ngùi nhớ con, má bảo “quạ nuôi con tu hú” - nó bỏ má mà đi!

 2. Bước chân dặm trường

Bà Bảy chậm rãi kể: Quê bà Hai - má Hai Nguyễn Thị Sa ở tận xã Phú Ngãi Trị, Long An; khoảng năm 1928 - 1929 má có chồng về xã Trung Hòa, Chợ Gạo. Sống chung với chồng năm, sáu năm mà không có con. Rồi ông mất, má ở vậy và tham gia cướp chính quyền tháng 8-1945.

Tới tận bây giờ mà bà Bảy còn hả hê nhắc lại chuyện: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cờ đỏ sao vàng treo cao bay phần phật trên ngọn cây dương đình Trung Hòa. Thằng Khánh (đồng chí Bùi Văn Khánh, Bí thư đầu tiên của chi bộ xã) bắt đám địa chủ, bao tá ác ôn ngồi sắp lớp dưới sân đình kể tội, đòi chặt đầu. Chúng nó lạy năn nỉ xin cách mạng tha… Khoái lắm!

Sau tháng 8-1945, má Hai là cán bộ phụ nữ xã, sống với cái quán cóc bán khô mắm, rau cải. Cứ lời được vài chục đồng là má đóng cửa quán, gói bánh trái quảy lên Đồng Tháp Mười cho bộ đội ăn, cho mỗi đứa vài cắc, tới hết tiền (khoảng 5 -
7 ngày) lại về quán cóc. Có đồng lời lại đi.

Năm 1949, tại đồn Tịnh Hà, xã Mỹ Tịnh An có tên lính Pháp man rợ, dân gọi nó là “thằng Pháp điên”. Có một lần nó bắt, lấy dây chì xỏ xâu bàn tay rồi bắn chết 11 người dân, xô xuống sông Bảo Định. Tối má Hai mò vớt xác từng người đem lên giấu ở mé sông, tới sáng mới hết. Sáng má thay quần áo rồi ra chợ Tịnh Hà nhắn nhỏ với bà con: “Ai có người thân bị bắn chết thì lên đó lấy xác về chôn!”.

Từ năm 1949 đến năm 1954, nhà má để cho cơ quan Công an huyện đóng. Một hôm má đang ngồi xắt chuối cho heo ăn trước sân thì phát hiện lính lù lù tới ngay trước cổng, trong lúc ông Chín Tồn, Trưởng Công an huyện còn đang ở trong buồng. Bất ngờ nhưng kịp tỉnh, má xách dao nhảy ra chưởi bới đám lính nhằm báo cho ông Chín biết để ra cửa sau chạy thoát. Chúng đã đánh má chết đi sống lại, phải đi nhà thương nằm mấy tháng trời.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, má nói lời tạm biệt xóm làng để lên đường tập kết. Mấy tháng sau thấy má quay về, má bảo: “Anh em kiểm tra sức khỏe, nó nói tao không đi nổi”. 150 đồng tiền bán heo và 2 chỉ vàng ky cóp được má chia hết cho anh em, về nhà không còn một xu dính túi. Má qua bà Bảy nói: “Có tiền cho cô mượn 1 đồng”, rồi má qua bà Hai Điền bên chợ Tân An bổ đồ về bán quán cóc, bắt đầu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tháng 9-1960, địch đưa 1 trung đội lính Tổng đoàn dân vệ về đóng ở Tịnh Hà. Má Hai lui tới làm quen với anh em lính trong làng rồi tổ chức thành nội tuyến. Nắm chắc quy luật hoạt động của địch nhưng du kích xã chưa có súng, được má Hai thúc anh em lên huyện xin lực lượng hỗ trợ, được huyện điều động 1 tiểu đội để đánh địch cướp súng.

Kế hoạch má vạch ra là đánh lúc địch vừa ngủ dậy. Tối 12 chúng đi ba trui về ngủ tới trưa mới dậy, đánh không được nhưng kế hoạch không bị bể, má động viên anh em kiên trì. Sáng ngày 13, má là người chỉ huy trực tiếp tại trận địa, bằng ám hiệu ra lệnh cho nổ súng, địch tháo chạy tán loạn; anh em xung phong thu 14 khẩu súng. Lực lượng huyện mang chiến lợi phẩm về huyện mà không chia lại cho du kích xã khẩu súng nào.

Lính Tổng đoàn dân vệ thất trận. Nội tuyến đồn Sư Nghĩa ở Trung Hòa thông tin với má là lính đồn đang hoang mang dao động. Má Hai bàn với xã lên huyện mượn 2 cây súng về đánh đồn. Tối 15, theo kế hoạch, má đốt đuốc đi trước lên đồn, 2 du kích mang súng bí mật theo sau. Tới cửa đồn, má kêu: “Bớ Năm Kiếm ơi! Bà Ba dưới xóm bị rắn hổ cắn, trong đó có thuốc rắn hôn?”.

Thằng Hai Học trưởng đồn ác ôn sợ sệt trả lời: Không. Thằng Kiếm không ở đây. Má gọi tiếp: Vậy có thằng Bé Tư, Chín Chồn ở đây không? Má gọi đúng hết tên anh em nội tuyến - thằng Học không biết, nhưng thấy như là ám hiệu, nó sinh nghi, dáo dác. Anh em nội tuyến liền nổ súng, thằng Học bị thương tung rào tháo chạy. Hai du kích nổ súng phối hợp.

Không đầy 5 phút đồn Sư Nghĩa mất liên lạc với chi khu quận, lính tháo chạy. Du kích chiếm và làm chủ đồn, thu 11 súng. Chi bộ xã Trung Hòa huy động trên 100 dân công ban sạch đồn trong đêm. Xã Trung Hòa được giải phóng.

3 ngày má Hai chỉ huy 2 trận đánh thắng lợi vào giữa cuối năm 1960 lúc má đang tuổi 70. Và má còn cùng các con chiến đấu tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975.     

3. Mẹ là… con cò lặn lội bờ sông.

Mẹ Phạm Thị Liễu nhà ở xã Quơn Long, Chợ Gạo. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 giành thắng lợi, Ủy ban Kháng chiến xã về nhà mẹ họp bàn chuyện chia đất cho dân - thuở ấy chồng mẹ cũng là cán bộ Hội Nông dân cứu quốc. Mẹ nói, cứ nghe anh em bàn mà sung sướng trong lòng: “Nhờ có Đảng nên ruộng đất mới giành lại được, chia cấp cho dân. Có đất thì làm ra củ khoai hạt lúa nuôi kháng chiến”.

Từ cái ngày ấy, Tự vệ chiến đấu quân về luyện tập quân sự ở sân nhà mẹ, một tay mẹ chăm lo ăn uống, mẹ nói: Cho chúng nó ăn no mới đánh thắng giặc! Tới Đồng khởi năm 1960, ba đứa con trai của mẹ kéo nhau vào du kích.

Năm 1962, anh Mười con của mẹ rời du kích đi miền Đông, vào chủ lực Miền. Từ năm 1963, cha là cơ sở đào hầm chứa vũ khí của đường tàu không số trên biển Đông vận chuyển về Đồng Tháp Mười, còn mẹ là người đảm đương chuyện đấu tranh, khôn khéo đánh lạc hướng địch để bảo vệ hầm.

Một ngày cuối năm 1965, cha bị giặc bắt đem về tra tấn dã man trước sân nhà rồi bị tù đày cho đến chết. Năm 1968, anh Mười chiến đấu hy sinh, không biết đánh trận nào, ở đâu, đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt. Tháng 5-1969, tới anh Tám hy sinh. 3 tháng sau, anh Năm tiếp tục hy sinh… Nước mắt mẹ đong đầy khóe.

Những năm 1969 – 1973, tình hình ở Chợ Gạo căng như sợi dây đàn, ta - địch chiến đấu tranh giành từng tấc đất, gần như ngày nào ở vùng này cũng có người ngã xuống cho cách mạng, vậy mà mẹ vẫn đứng vững đấu tranh.

Năm 1974, bắt đầu Chiến dịch mở mảng chuyển vùng ở Chợ Gạo, bộ đội về, mẹ lại lặn lội ngày đêm lo cho cái ăn cái uống. Đất Quơn Long hồi ấy chưa có kinh dẫn nước, mùa khô ruộng khô, mương cạn mẹ phải lội mấy cây số vô ao nước làng gánh từng đôi nước về nuôi bộ đội đông… như kiến.

Những ngày bộ đội đi tác chiến, thương binh còn ở lại, nước ròng mẹ lội xuống rạch ông Phó, xuống sông Cầu Hàn mò tôm bắt cá. Nước dưới sông lớn, mẹ vào vườn tát hố bom bắt cá bắt tôm đem về. Mẹ bảo: “Thương binh mà ăn tôm ăn tép thì mau lành thịt lành da!”.

Mẹ là… con cò lặn lội bờ sông!

                                                                                  NGUYỄN HỮU CHÍ
 

.
.
.