Thứ Hai, 25/03/2013, 13:24 (GMT+7)
.

Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư

Sáng 25-3, Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tại điểm cầu Tiền Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị xã.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giới thiệu nội dung, quán triệt Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều chủ trương, giải pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Tình hình trật tự, ATGT có chuyển biến, TNGT được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn yếu kém; kết cấu hạ tầng còn hạn chế…

Theo mục tiêu của Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư TƯ đề ra là phấn đấu trong từng năm nhằm kiềm chế, giảm từ 5-10% TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ; huy động mọi nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế đảm bảo các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng; giáo dục ATGT được thực hiện tại 100% các bậc học; xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đặt ra gồm: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục về trật tự, ATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp; tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, ATGT…

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo những kết quả đạt được và những khó khăn trong quá trình thực hiện, đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Vấn đề đảm bảo ATGT phải là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đây là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến để người dân nâng cao ý thức chấp hành, tạo sự đồng thuận cao các chủ trương, giải pháp trong toàn xã hội.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT như ra soát văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư phát triển, bảo đảm chất lượng các loại phương tiện, nâng cao chất lượng vận tải, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa, nâng cao chất lượng đào tạo cấp GPLX… Đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương sẽ được Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giải quyết.

PHÙNG LONG

.
.
.