Một số sử liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Một trong những sách xưa ghi chép đầy đủ và cụ thể về đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776. “Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải...
Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ 2 tháng nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều.
Đến tháng 8 thì về, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về... Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...” [1].
Thuyền buồm của Đội Hoàng Sa vào thế kỷ XVII-XVIII. (Tư liệu rút từ kỷ yếu Hoàng Sa - NXB Thông tin và Truyền thông tháng 1 - 2012). |
Thông qua tư liệu gốc, khách quan, xác thực và có giá trị sử liệu cao, Lê Quý Đôn giới thiệu tương đối đầy đủ vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn.
Ý nghĩa của Đại Việt sử ký tục biên chính là nó biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia. Đại Nam thực lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn có đoạn mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải không khác Phủ biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên.
Năm 1696, Hòa thượng Thích Đại Sán (người Trung Quốc) sau khi sang Đàng Trong, về nước đã mô tả bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: “Các Quốc vương (Chúa Nguyễn) thời trước hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”[2].
Từ thế kỷ XVI trở về trước, các nhà hàng hải phương Tây có nhiều ghi chép và bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa). Từ rất lâu đời các nhà hàng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong.
Thế kỷ XVII, số lượng tàu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Chính quyền Đàng Trong dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý hàng hóa tiền bạc trên các tàu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tàu Amphitrite khẳng định: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam”.
Tư liệu cho phép suy đoán lúc đầu chúa Nguyễn chỉ cho tổ chức một đội Hoàng Sa 70 suất, sau lập thêm đội Quế Hương và đến năm 1631 lại có thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm 30 suất nữa. Năm 1636, người Hà Lan được phép mở một thương điếm ở Hội An, dưới quyền điều hành của Abraham Duijcker.
Ngày 6-3, tại Hội An, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan tiếp Duijcker và nhân đó, Duijcker khiếu nại việc “chiếc tàu mang tên Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thủy thủ được người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời họ cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux”.
Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng “những việc đó đã xảy ra từ thời chúa trước (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa; ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được tự do mang hàng hóa đến buôn bán, được miễn thuế. Vả lại, sau này nếu có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hóa được cứu hộ nữa”.
Những người Việt cứu giúp tàu bị đắm ở Hoàng Sa nói trên chính là người của đội Hoàng Sa, như vậy càng có cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa chí ít đã xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ XVII, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635).
Đến thế kỷ XVIII, hoạt động chủ quyền của chúa Nguyễn ở các vùng quần đảo giữa biển Đông càng trở nên nhộn nhịp, thu hút sự chú ý nhiều người trong nước và nước ngoài. Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh các tài liệu chính thức của Nhà nước, của các địa phương còn có những ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ, các nhà quân sự, các phái bộ ngoại giao nước ngoài và các học giả trong và ngoài nước.
Nghi lễ đưa thuyền đi Hoàng Sa trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm tại xã An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi). (Ảnh rút từ Kỷ yếu Hoàng Sa - Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông tháng 1 năm 2012). |
Cũng vào năm 1776 khi Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục khảo tả rất cụ thể về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa; thì ở quê hương của đội Hoàng Sa, dân phường Cù Lao Ré làm đơn nói rõ đội Hoàng Sa có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng thu lượm hóa vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển, đảo:
“Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp...”.
Không chỉ thống nhất với các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước mà nguồn tư liệu này còn gắn liền với các di tích và truyền thuyết ở địa phương như miếu Hoàng Sa, những bến bãi đội Hoàng Sa xuất phát, thậm chí cả những ngôi mộ giả, những nghĩa địa giả với những nghi lễ hết sức đặc biệt của làng quê đưa tiễn những người con quả cảm của mình đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa, nguyện dấn thân vào cõi chết vì một vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Có rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh, trong đó có bản đồ ấn bản gần thời điểm có tranh chấp như bản đồ Đại Thanh Đế Quốc trong Đại Thanh Đế Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 đã vẽ cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không vẽ bất cứ hải đảo nào khác ở biển Đông.
Bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống dư địa tổng đồ trong cuốn Hoàng Thanh Nhất Thống dư địa toàn đồ xuất bản năm Quang Tự 20 (1894) ghi rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông ở 18030’ Bắc, trong khi Tây Sa theo cách gọi của Trung Quốc, có đảo ở vị trí cao nhất là 1705’. Điều này chứng tỏ Tây Sa hay Hoàng Sa chưa hề là lãnh thổ của Trung Quốc.
Thời kỳ triều Nguyễn, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) đều có nội dung về Hoàng Sa với nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII.
- Đại Nam Thực Lục phần tiền biên, quyển 10 tiếp tục khẳng định xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
- Đại Nam Thực Lục Chính biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Tài liệu rất quí giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện lưu trữ tại kho lưu trữ Trung ương I ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của đình thần các bộ như Bộ Công và các cơ quan khác hay những dụ của các vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám, sau đó lại tiếp tục.
- Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí xác định Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản...
Ngoài ra, các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII - XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.
Từ bao đời nay, ông cha ta đổ bao công sức và máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
TS LÊ VĂN TÝ (Sưu tầm)
[1] Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp lục), T.1, Bản dịch Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr 116.
[2] Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế, tr.125.
Quần đảo Hoàng Sa là quần đảo san hô, phân bố rải rác trong một phạm vi từ kinh tuyến 1110 đến 1130 Đông, từ vĩ tuyến 15045’ Bắc đến 17015’ Bắc ngang với Huế và Đà Nẵng, phía ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, ở khu vực phía Bắc biển Đông, trên đường biển quốc tế đi từ Châu Âu đến các nước phía Đông và Đông Bắc Á và giữa các nước Châu Á với nhau. Quần đảo Hoàng Sa có 37 đảo, đá, bãi cạn nằm trong phạm vi biển rộng 30.000km2, chia làm 2 nhóm: Nhóm phía đông là nhóm Vĩnh An, gồm 12 đảo, đá, bãi cạn, trong đó có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng khoảng 1,5km2; nhóm phía Tây gồm nhiều đảo xếp vòng cung nên gọi là nhóm Lưỡi Liềm, trong đó có đảo Hoàng Sa diện tích 1km2 và các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hoà, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn… Cách quần đảo Hoàng Sa 200 hải lý về phía Nam là quần đảo Trường Sa có hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm, bãi san hô, nằm trải rộng trong vùng biển khoảng 180.000km2, từ vĩ tuyến 6030’ Bắc đến 120 Bắc và từ kinh tuyến 111030’ Đông đến 117020’ Đông, cách Cam Ranh 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 595 hải lý. Quần đảo Trường Sa được chia làm 8 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Tham Hiềm, Bình Nguyên, Song Tử Tây là đảo cao (cao từ 4 - 6m lúc triều xuống), riêng Ba Bình là đảo rộng nhất (0,6km2). Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí hết sức quan trọng đối với đất nước ta. Trước hết, hai quần đảo này nằm giữa biển Đông, nơi có những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới đi qua. Ngoài ra, do vị trí nằm trải dài theo hướng bờ biển Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa là những vị trí tiền tiêu bảo vệ sườn Đông của đất nước, cũng như các vùng biển và bờ biển của Việt Nam. Về kinh tế, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu khí. (Theo Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông - Tiến sĩ Trần Công Trực (chủ biên), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2012, tr.22) |