Đề xuất về bồi thường khi tiến hành thu hồi đất
Tại Khoản 1 - Điều 36 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định: “Kỳ quy hoạch sử dụng đất là mười năm và tầm nhìn hai mươi năm”. Về thời gian lập quy hoạch như dự thảo là không hợp lý, bởi 10 năm phải lập lại quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) rất tốn kém, mâu thuẫn với thời hạn giao đất, cho thuê đất (thời hạn này hiện quy định trên 10 năm đến 70 năm hoặc lâu hơn), gây tâm lý không ổn định cho người được thuê đất.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch còn tình trạng dễ dãi và chưa được quản lý chặt chẽ, chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, dẫn đến tình trạng điều chỉnh làm phá vỡ mục tiêu ban đầu của quy hoạch.
- Dự án Luật Đất đai sửa đổi cũng chưa giải quyết căn bản những tồn tại, bất cập của Luật Đất đai năm 2003. Thực tế hiện nay, không ít địa phương, cơ sở đã căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất theo kiểu “cứ treo dự án lên là thu hồi”, quyền lợi của người dân bị vi phạm và nhà quản lý lách luật để tình trạng dự án treo tồn tại quá lâu, gây lãng phí tài nguyên đất.
- Theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 (tại mục 3 - Bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất, từ Điều 85 đến Điều 90) quy định những thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường, bao gồm: thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất; thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi; chi phí di chuyển; thiệt hại do bị hạn chế khả năng sử dụng đất và thiệt hại tài sản gắn liền với đất.
Thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2003 cho thấy, còn có những thiệt hại cần phải được bồi thường cho người sử dụng đất hợp pháp khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi những thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường khi tiến hành thu hồi đất bao gồm:
1. Thiệt hại vô hình do đất bị giảm giá trị từ các yếu tố bất lợi
Thiệt hại trong trường hợp không thu hồi đất là thiệt hại của những chủ thể không bị Nhà nước thu hồi đất nhưng chính từ việc tồn tại và hoạt động của những công trình, dự án quy hoạch đã làm cho người dân sống lân cận chịu nhiều thiệt hại. Tỷ như trường hợp của những người dân sống lân cận khu nghĩa địa, nghĩa trang hoặc gần các dự án khu chứa bãi rác, khu công nghiệp luôn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi…, không chỉ tổn hại đến sức khỏe, mà còn gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của người dân.
Mặt khác, chính vì những yếu tố không tốt về địa lợi đã gián tiếp tác động lên công việc làm ăn của người dân, làm giảm nguồn thu nhập do mất dần lượng khách hàng, nhất là đối với những ngành nghề dịch vụ ăn uống và đất lân cận những công trình này đã bị giảm giá trị do các yếu tố bất lợi mới xuất hiện nêu trên.
Đề xuất cho trường hợp này là cần bổ sung bồi thường cho những hộ dân sống lân cận trong những khu vực này. Cụ thể về cách tính thiệt hại là giá trị giảm sút của đất cho người dân trong những trường hợp này theo mức chênh lệch giá đất trước và sau khi các dự án trên được hình thành. Do đó, nên bồi thường giá trị giảm sút về đất cho những hộ dân có diện tích đất tồn tại trong phạm vi chịu tác động của những dự án này.
2. Thiệt hại do bồi thường chậm
Thiệt hại phải được bồi thường kịp thời. Có trường hợp tuy nhận tiền bồi thường chậm, nhưng giá đất lại không thay đổi. Ví dụ, nếu như một dự án mà tiền bồi thường đất là giá đất được ban hành đầu năm nhưng đến tận cuối năm đó người dân mới nhận được tiền bồi thường thì chẳng lẽ người dân chấp nhận chịu thiệt.
Trong khi đó thời gian từ đầu năm đến cuối năm đâu phải là ngắn. Đó là chưa kể đến tác động bởi khủng hoảng kinh tế, tình trạng lạm phát, sự leo thang giá cả. Như vậy, người dân thực sự đã chịu một khoản thiệt hại vô hình từ việc giảm giá trị của đồng tiền.
Đề xuất trong trường hợp này là các ngành chức năng và các bên có liên quan cần phải nhanh chóng nâng cao trách nhiệm chi trả tiền đền bù. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần phải trả thêm khoản thiệt hại trong thời gian bồi thường chậm. Nếu quy định này được áp dụng thì giúp người dân được bồi thường khoản thiệt hại chính đáng, có tác dụng như một biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư nhằm hạn chế tình trạng kéo dài thời gian bồi thường trong thu hồi đất.
3. Thiệt hại khi khôi phục đời sống nơi tái định cư
Đa số hộ có thu nhập thấp hơn lúc trước khi tái định cư và chi phí cho cuộc sống của hầu hết các hộ dân đều tăng lên. Chi phí cần thiết để khôi phục đời sống kinh tế chính là những khoản thu nhập bị mất do chưa tìm được công việc hoặc tìm được công việc mới nhưng có thu nhập thấp hơn thu nhập trước đó hoặc không thay đổi việc làm nhưng thu nhập họ kiếm được từ công việc làm ăn đã giảm sút do những khó khăn vì phải di chuyển chỗ ở hoặc do những phí tổn vì phải đi làm xa, hoặc đó là những chi phí phát sinh do nơi ở mới xa hơn nơi làm việc, trường học, bệnh viện, chợ búa…
Đề xuất trong trường hợp này, đối với vấn đề việc làm thì cần bồi thường bằng biện pháp “phi vật chất”. Các cơ quan có thẩm quyền phải tính toán sau khi triển khai dự án thì ai sẽ phải mất việc để giới thiệu việc làm mới và đào tạo nghề cho phù hợp. Mặt khác, về vấn đề chi phí phát sinh do quãng đường xa hơn thì cần phải bổ sung vào các quy định hiện hành để bồi thường cho người dân khi thu hồi đất.
4. Thiệt hại do chi phí cần thiết để khôi phục đời sống tinh thần
Đời sống tinh thần ở đây chính là những mối quan hệ xã hội như tình làng nghĩa xóm, các mối quan hệ họ hàng bị ảnh hưởng, các yếu tố truyền thống, văn hóa bị mất đi, cư dân tại chỗ khu tái định cư không thân thiện hay không có những nét tương đồng về văn hóa…
Đây là những thiệt hại vô hình được các tổ chức quốc tế cảnh báo từ lâu đối với quá trình tái định cư. Nó không phải là những khái niệm xa lạ nữa, nhưng đến nay vấn đề bồi thường những thiệt hại này vẫn chưa được hiện thực hóa. Thiết nghĩ, đã phát hiện những thiệt hại cho người dân bị mất đất thì cần phải đưa ra được những biện pháp để đền bù cho họ.
LÊ VĂN SUA
(Tòa án Quân sự Khu vực 1 - QK 9)