Những nội dung liên quan đến lập quy hoạch, thu hồi đất, tái định cư
Qua Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức ở các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được tổ chức, về cơ bản đa số ý kiến nhất trí về nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật đất đai của Đảng. Bên cạnh đó có khá nhiều ý kiến đóng góp bổ sung. Cụ thể như sau:
Trước hết Luật phải căn cứ vào Hiến pháp. Trong khi đó, nhiều điều, khoản của Luật Đất đai chưa được Hiến pháp năm 1992 quy định và dự thảo Hiến pháp còn đang có nhiều ý kiến khác nhau như: Hiến định về thu hồi đất chưa có, quyền sử dụng đất được coi như quyền tài sản thì việc thu hồi thế nào? Thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội có được đồng thuận không? Như vậy liệu quy định thành Luật có ổn chưa, hay là để khi hoàn chỉnh Hiến pháp sẽ thông qua Luật Đất đai. Xin đề nghị nên chậm lại, sau khi hoàn chỉnh Hiến pháp sẽ sửa Luật.
Về một số nội dung cụ thể:
Những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất (Điều 25, điểm 3):
Về “…thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thì bồi thường”; khi thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì nội dung này đề nghị không thực hiện bồi thường, mà nên quy định Nhà nước trưng mua”.
Điều 36 (điểm 2) đề nghị kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 5 năm thay cho lập hàng năm.
Điều 47, vấn đề quy hoạch: Nhân dân hiện rất bức xúc trước tình hình có nhiều quy hoạch “treo”. Cụ thể như các quy hoạch ở TP. Mỹ Tho, nhiều quy hoạch bất hợp lý, có trường hợp quy hoạch kéo dài hàng chục năm vẫn chưa điều chỉnh, chưa xóa, nhân dân bất bình, dư luận bức xúc. Có quy hoạch Chủ tịch UBND tỉnh công bố trước Hội đồng nhân dân là sẽ xóa, nhưng cả năm qua vẫn chưa xóa được. Do vậy tán thành quy định của khoản 3 - Điều 47 của dự thảo:
“Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất; trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không công bố điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất thì người sử dụng đất không bị hạn chế quyền theo quy định của khoản 2 Điều này”.
Đề nghị nên có thêm quy định đối với quy hoạch không thực hiện được, sau đó phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh thì cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bồi thường những thiệt hại tính được (hữu hình) cho người dân đã bị hạn chế quyền sử dụng đất.
Về thu hồi đất (Điều 61): Quan tâm nhất của xã hội là việc Nhà nước thu hồi đất và các chính sách về giao đất, đền bù khi thu hồi... Về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội (Điều 61) dễ phát sinh lợi ích nhóm, lợi ích nhà đầu tư; người bị thu hồi đất thì bị thiệt thòi.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đây là nguyên nhân phát sinh những tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện gay gắt kéo dài. Đề nghị không quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế, xã hội; tán thành quy định như dự thảo Hiến pháp là quyền sử dụng đất là tài sản thì nên quy định trưng mua quyền sử dụng đất khi có nhu cầu của các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Ở Điều 63: Thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai. Nhân dân rất hoan nghênh và ủng hộ tiết h, khoản 1, Điều 63 quy định Nhà nước thu hồi đất của chủ dự án không sử dụng đất trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng. Người bị thu hồi sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp; không được thanh toán giá trị đầu tư.
Về thu hồi đất bị bỏ hoang: Ở tỉnh ta, có những trường hợp hộ được giao đất không canh tác, chỉ trồng một ít cây để đối phó với chính quyền, chờ thời cơ trục lợi. Ở những vùng chuyên canh như trồng khóm, họ lại trồng ít cây tràm, cây bạch đàn, không thực hiện các nghĩa vụ với cộng đồng như bơm tát, làm thủy lợi... gây khó cho những người nông dân chí thú làm ăn.
Quy định như dự thảo thì không thể thu hồi đất của những hộ đối phó, lách luật khi họ có trồng một ít cây, đã sử dụng một phần diện tích. Do vậy đề nghị quy định: Đất trồng cây không sử dụng hơn 1/2 diện tích trong thời hạn như quy định tại tiết g, khoản 1, Điều 63 thì Nhà nước thu hồi.
Về chống đầu cơ đất ở đô thị: Để chống đầu cơ đất, giúp người có nhu cầu sử dụng đất có đất để xây dựng nhà với giá thực, đề nghị Luật này có thêm 1 Điều sửa đổi Luật Thuế đất phi nông nghiệp, quy định đánh thuế ở mức cao đối với những thửa đất ở đô thị đã cấp quyền sử dụng nhiều năm nhưng không sử dụng, có tác động chống đầu cơ đất mạnh mẽ và tăng nguồn thu hợp lý cho ngân sách.
Thẩm quyền thu hồi đất (Điều 65), Điểm 1: Đề nghị bổ sung thêm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi đất đối với nông trường; Điểm 2: Thẩm quyền thu hồi đất nên giao cho cấp tỉnh, vì cấp huyện là cấp nhỏ trong hệ thống chính quyền, thực chất có vai trò trung gian giữa cấp tỉnh và cấp xã.
Về bố trí tái định cư (Điều 83): Đề nghị bỏ nội dung việc bố trí tái định cư cho gia đình bị thu hồi đất, lý do: Đối với đối tượng bị thu hồi đất được bồi thường (chủ đầu tư bồi thường) đất ở tương ứng hoặc bằng giá thị trường thì đương nhiên chủ sử dụng đất đã nhận tiền chuyển nhượng đất với 100% giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Do vậy, chủ sử dụng có thể dùng tiền để mua nhà trên nền đất được đền bù, hoặc mua nhà, thuê nhà xã hội, người bị thu hồi đất tự do lựa chọn các phương án hợp lý để tái định cư. Nhà nước khỏi phải lo xây nhà tái định cư cho người bị thu hồi đất, vả lại có thể tránh những tiêu cực có thể xảy ra.
Cũng có ý kiến đề nghị cần có điều luật quy định ngăn chặn giao dịch ngầm quyền sử dụng đất. Vì hiện nay, trong xã hội có những trường hợp các cá nhân có nhu cầu chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng không làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Họ làm giấy tay, thỏa thuận ngầm, tạo ra những khó khăn trong quản lý đất đai và trốn thuế. Đề nghị luật có quy định để ngăn chặn tình trạng này.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp như: giải quyết dứt điểm những tồn tại thực tiễn, nhất là giá đất, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, nhưng chưa đề cập đến sinh kế và quyền lợi lâu dài của người bị thu hồi đất; một số điều, khoản quy định chưa rõ ràng, dễ nảy sinh tiêu cực…
LÊ HỒNG LÂM (lược ghi)