Thứ Bảy, 16/03/2013, 19:13 (GMT+7)
.

Giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu"

Sáng 14-3, các đại biểu là hội viên Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng, Cựu chiến binh Hải quân (giai đoạn 1984 - 1987), cùng thân nhân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo và đông đảo học sinh, sinh viên về tại trường quay S3 Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Đà Nẵng (DRT) dự buổi giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu”. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng và có cả những giọt nước mắt tuôn rơi…

Các nhân chứng giao lưu cùng khán giả.
Các nhân chứng giao lưu cùng khán giả.

Mở đầu chương trình giao lưu, Đại tá Thái Thanh Hùng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng khẳng định: “Sự có mặt của chúng ta trong chương trình trang trọng và ý nghĩa này là để ghi công những người con ưu tú đã ngã xuống giữa lòng biển xanh, hy sinh tuổi thanh xuân của mình để gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hy sinh ấy là vô cùng cao cả, xứng đáng được tôn vinh và biết ơn!...”. Cả khán phòng bùi ngùi, xúc động dành một phút mặc niệm tưởng nhớ hương hồn các anh hùng, liệt sĩ.

 “Biết tin con trai hy sinh, tôi như đứt từng khúc ruột. Tội nghiệp, nó ngã xuống khi vừa tròn 20 tuổi …”, giọng mẹ Nguyễn Thị Thước nghẹn ngào, đôi vai gầy rung lên. Còn đây là lời tâm sự của mẹ Lê Thị Muộn – mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự: “Ngày lên đường nhập ngũ nó còn dặn: Con đi, mẹ ở nhà đừng buồn nhé. Tuổi trẻ phải cống hiến sức lực và trí tuệ cho Tổ quốc, quê hương. Vậy mà…nó đã ra đi vĩnh viễn…".

Qua lời kể của các nhân chứng, mọi người mới hiểu thêm hoàn cảnh khó khăn của những người một thời gắn bó với biển cả và con tàu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cựu chiến binh Dương Đình Dũng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) trở về với cuộc sống đời thường, bươn chải làm thợ phu hồ, vợ buôn bán hàng rong nuôi con ăn học. Cựu chiến binh Phan Văn Đức sau khi xuất ngũ trở về quê hương quanh năm thiếu thốn. Căn nhà cấp 4 cũ nát, chẳng có gì đáng giá. Đã thế mỗi khi trái gió, trở trời lại đau nhức nhối…

Chia sẻ về cuộc sống khó khăn của gia đình những liệt sĩ và những chiến sĩ Trường Sa, ông Nguyễn Văn Tấn – Trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sa (giai đoạn 1984-1987), cho biết : “Ở Đà Nẵng có 82 cựu chiến binh Trường Sa, trong đó hơn 20% đồng chí có cuộc sống rất khó khăn. Vì thế chúng tôi mong muốn có một quỹ hỗ trợ để góp phần đỡ đần cho đồng đội trong những lúc ốm đau, bệnh tật”.

Tặng quà cho cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa
Tặng quà cho cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa.

Đến dự chương trình giao lưu, ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, lãnh đạo địa phương luôn dành sự quan tâm lớn lao cho các gia đình chính sách, đặc biệt là các gia đình có con em công tác, hy sinh tại Trường Sa. Ông đề nghị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng khảo sát điều kiện, hoàn cảnh các gia đình thân nhân liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và trực tiếp báo cáo, đề xuất một cách cụ thể để lãnh đạo thành phố có thông tin đầy đủ, chính xác để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết....

Bằng tình cảm trân trọng, biết ơn của mình, ông Phùng Tấn Viết đã trao những phần quà (trị giá mỗi suất 1 triệu đồng) cho các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ. Đại tá Nguyễn Min, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP. Đà Nẵng cũng trao mỗi suất quà 1 triệu đồng và bà Bảo Nga, đại diện Báo Hà Nội mới, trao mỗi suất 5 triệu đồng cho gia đình các liệt sĩ đã hy sinh tại Trường Sa. 

Chương trình giao lưu khép lại với sự cảm thông, trân trọng, tự hào. Thời gian vẫn trôi theo chiều biến thiên của lịch sử, nhưng sự hy sinh của những người con ưu tú đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc mãi mãi trường tồn. Họ là những đóa hoa bất tử giữa lòng biển xanh…

(Theo qdnd.vn)

.
.
.