Quan tâm thực hiện công tác thi đua - khen thưởng ở cơ sở
Công tác thi đua - khen thưởng (TĐ-KT) ở cơ sở đề cập là đối với xã, phường. Tuy nhiên, trong thực tế còn một số cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp xã, do nhiều nguyên nhân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tác dụng của công tác TĐ-KT nên chưa sử dụng hiệu quả công tác này vào việc quản lý nhà nước (QLNN), chưa đầu tư thời gian đúng mức cho công tác chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; chưa kịp thời tôn vinh, nhân rộng gương điển hình trên địa bàn, làm giảm hiệu quả của công tác QLNN.
Một trong những nguyên nhân làm hạn chế công tác TĐ-KT là cán bộ làm công tác TĐ-KT cấp xã chỉ kiêm nhiệm, không ổn định, thường xuyên luân chuyển, điều động, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế nên chất lượng tham mưu chưa cao, hiệu quả các phong trào thi đua ở cấp xã chưa phát huy đúng mức.
Từ thực trạng hoạt động TĐ-KT ở cơ sở, Ban TĐ-KT tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu về lĩnh vực này. Có thể nói rằng Tiền Giang là một trong số ít và là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện chế độ cho công chức văn phòng- thống kê cấp xã kiêm nhiệm công tác TĐ-KT được hưởng định suất hàng tháng bằng 0,5 mức lương tối thiểu từ 1-1-2008.
Hiến đất làm đường trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới xã Tân Thanh, huyện Cái Bè. |
Đánh giá lại 5 năm qua, công tác TĐ-KT của cấp xã có bước khởi sắc, nhiều phong trào thi đua được triển khai áp dụng kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, thiết thực phù hợp với thực tế, đưa phong trào thi đua vào thực tiễn cuộc sống. Đáng kể như các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, phong trào thi đua chào mừng các ngày kỷ niệm, sự kiện trọng đại của đất nước, các chuyên đề thi đua như: “Cải cách hành chính”, “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi”, “An toàn giao thông”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Kết quả đạt được lớn nhất qua các phong trào thi đua không phải là các danh hiệu, hình thức khen thưởng nhận được, mà là thái độ hưởng ứng của dư luận, sức lan tỏa của những điển hình tiên tiến, những mô hình hay, việc làm mới được triển khai áp dụng vào thực tế cuộc sống. Đặc biệt là làm cho lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo cấp xã thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy lãnh đạo từ các phong trào thi đua để lãnh đạo công tác ở địa phương, cơ sở ngày càng tốt hơn.
Hiện nay, công chức văn phòng- thống kê cấp xã làm công tác TĐ-KT được hưởng định suất 0,5 mức lương tối thiểu được bố trí đều khắp 169/169 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Lực lượng này đều còn trẻ, nhạy bén và có năng lực làm tốt công tác TĐ-KT. Tuy nhiên, đa số công chức phụ trách công tác TĐ-KT của cấp xã đều mới và thường xuyên thay đổi theo nhiệm kỳ đại hội, trừ một số ít xã có công chức có thâm niên từ 7- 10 năm.
Vì vậy, họ còn hạn chế về nhận thức công tác TĐ-KT, chưa hình dung hết được nội dung công tác, chưa nắm rõ về nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng, từ đó lúng túng trong việc tham mưu tổ chức thực hiện, đặc biệt là tham mưu xây dựng và tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, do công việc của công chức văn phòng - thống kê ấp, xã nhiều, nên chưa dành thời gian làm công tác TĐ-KT.
Một yếu tố khách quan khác là công tác kiểm tra, giám sát công tác TĐ-KT của cấp xã chưa được thực hiện thường xuyên nên ở nhiều xã còn hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức, đầu năm phát động phong trào thi đua chung với hội nghị tổng kết đánh giá, cuối năm bình xét các danh hiệu và đề nghị khen thưởng. Vì vậy công tác thi đua thường bị động.
Để công tác TĐ-KT ở cấp xã ngày càng đi vào chiều sâu, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua của cấp tỉnh và tự phát động phong trào thi đua vào thực tế cuộc sống, cán bộ lãnh đạo cấp xã cần lưu ý quan tâm các vấn đề như: Nâng cao trách nhiệm và phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của công chức văn phòng - thống kê làm công tác TĐ-KT ở cấp xã; lấy ngày thứ sáu hàng tuần là ngày làm công tác TĐ-KT ở cấp xã, nội dung tập trung vào việc chỉ đạo, kiểm tra và giám sát TĐ-KT của cơ sở, xử lý các hồ sơ khen thưởng, giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo và các công việc chuyên môn.
Qua đó, người làm công tác TĐ-KT ở cơ sở có dịp nghiên cứu các văn bản luật và dưới luật về công tác TĐ-KT để tham mưu cho lãnh đạo xã chỉ đạo công tác TĐ-KT; xử lý các hồ sơ khen thưởng; giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo (nếu có) và các công việc chuyên môn về công tác thi đua, khen thưởng, từ đó nắm bắt sâu nghiệp vụ để tham mưu thực hiện các phong trào của Trung ương, của tỉnh, của huyện và của cơ sở hiệu quả; đồng thời có thời gian đi xuống địa bàn nắm tình hình tổ chức xây dựng phong trào và khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng thành tích, cũng như thực hiện tốt việc tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến.
ĐÌNH HẢI