Tọa đàm khoa học: "Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992"
Ngày 9-3, Tạp chí Cộng sản và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Tham dự có các đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhiều cán bộ giảng dạy các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tọa đàm đã nhận được hơn 50 tham luận gửi đến cùng nhiều ý kiến góp ý trực tiếp, không né tránh ngay cả những điều khoản cốt lõi của Hiến pháp với mong muốn Hiến pháp hoàn thiện hơn.
Nhiều ý kiến khẳng định, Hiến pháp là bộ luật cơ bản của quốc gia nên đòi hỏi phải khái quát cao và sử dụng các từ ngữ, khái niệm chính xác, cụ thể và chặt chẽ đến mức cao nhất - để tránh sự vận dụng tùy tiện. Tuy nhiên, có nhiều từ ngữ diễn giải cần được bổ sung hoặc cắt bớt để hoàn thiện, nâng cao chất lượng của dự thảo.
Các ý kiến xoay quanh nội dung về thể chế nhà nước, vai trò chức năng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân Việt Nam; về các thành phần kinh tế, vai trò của các thành phần kinh tế, chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương… Trong đó, Điều 4 của dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến.
TS. Nguyễn Chơn Trung khẳng định tính đúng đắn của Điều 4 Hiến pháp và có bổ sung như Dự thảo Hiến pháp 1992, duy trì chế độ một đảng. TS. Nguyễn Chơn Trung nhấn mạnh: “Hơn cả thế kỷ nay, lịch sử đã giao cho Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo dân tộc chứ không có đảng nào khác kiên cường vượt qua nhiều phong ba bão táp đương đầu với mọi kẻ thù, chịu đựng biết bao gian khổ hy sinh. Đã có hàng triệu đảng viên ngã xuống trên khắp chiến trường và trong lao tù mới có nước Việt Nam hòa bình độc lập thống nhất cùng hơn 25 năm đổi mới đất nước như hôm nay.
Trong lịch sử đã chứng minh không có đảng nào đã xả thân quên mình làm nên thành tựu vĩ đại như vậy. Từ đó ta khẳng định không có đảng nào thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, dù Đảng ta vẫn còn khuyết điểm cần phải sửa chữa để làm tốt hơn vai trò của mình”.
Đồng quan điểm, TS. Hoàng Văn Lễ cho rằng, việc có ý kiến bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng là không thực tế, thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam đương đại. Những điểm mới của riêng Điều 4 đã nêu rõ quan điểm của Đảng và những yêu cầu chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn cách mạng mới như Cương lĩnh Đảng 2011 đã xác lập. “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” - TS. Hoàng Văn Lễ đề nghị.
(Theo SGGP)