Tòa án nhân dân tỉnh: Đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Là cơ quan trực tiếp thực thi pháp luật, các ý kiến phát biểu của cán bộ, công chức khá xác đáng. Không chỉ tán đồng về quan điểm, một số nội dung quan trọng, các ý kiến còn nêu lên nhiều hạn chế, bất cập; đồng thời góp ý cụ thể về các điều, khoản và từ ngữ. Dưới đây là các trọng tâm góp ý của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân tỉnh:
* VỀ BẤT CẬP TỒN TẠI
Vấn đề công nhận quyền sử dụng đất, vấn đề tranh chấp đất đai, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình… còn nhiều nội dung chưa được chuẩn hóa từ ngữ, dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng luật như từ ngữ “quyền sử dụng đất”, “tranh chấp đất đai”, “tranh chấp quyền sử dụng đất”, “hộ gia đình”… Chưa thể hiện rõ quan điểm cải cách hành chính trong biên soạn, dẫn đến một số quy định gây phiền hà cho người dân và gây khó cho cơ quan thực thi Luật Đất đai, cụ thể là các quy định về hòa giải tranh chấp đất đai (Điều 196) và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 197).
Trên thực tế áp dụng quy định này của Luật Đất đai năm 2003 thì việc quy định thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai đã gây phiền hà, tốn kém tiền bạc, thời gian cho người dân; gây khó khăn cho việc thụ lý giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất của tòa án. Nay Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại tiếp tục giữ quy định này là không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn.
Mặt khác, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mâu thuẫn với một số luật chuyên ngành, cụ thể là quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 1 (Điều 197): Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, nhưng tại khoản 7 (Điều 25) của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì quy định: Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai… và còn nhiều lỗ hổng pháp lý (vấn đề chưa được quy định trong dự thảo) mặc dù thực tiễn áp dụng đã đặt ra, cụ thể là các vấn đề sau:
+ Vấn đề thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình nhằm phân biệt với các chủ thể sử dụng đất khác.
+ Điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận quyền sử dụng đất.
+ Vấn đề chia tách, sáp nhập quyền sử dụng đất (nhập thửa, tách thửa).
+ Vấn đề cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Vấn đề tranh chấp quyền sử dụng đất (cần phân biệt là khác với tranh chấp đất đai).
+ Vấn đề thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai và xử lý trường hợp UBND cơ sở không hòa giải tranh chấp đất đai hoặc kéo dài thời gian giải quyết và việc thi hành biên bản hòa giải thành.
+ Vấn đề quyền đầu tư, khai thác lợi ích từ đất, quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
+ Vấn đề UBND cấp xã hòa giải tranh chấp đất đai thành nhưng sau đó vẫn tiếp tục tranh chấp.
Các hạn chế, bất cập trên là nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, làm gia tăng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, cũng như gây khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu kiện, giải quyết tranh chấp đất đai.
* VỀ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỤ THỂ CÁC ĐIỀU LUẬT:
1. Về Điều 3: Khoản 25 quy định “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Thực tế cho thấy, còn có hình thức tranh chấp khác là tranh chấp quyền sử dụng đất. Đây là tranh chấp quyền tài sản chứ không phải tranh chấp tài sản vật, tức đất đai. Vì vậy, đề nghị sửa lại là “Tranh chấp đất đai là tranh chấp giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Đối với tranh chấp quyền sử dụng đất, đề nghị bổ sung thêm cụm từ (khái niệm) mới vào khoản này: “Tranh chấp quyền sử dụng đất là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Đề nghị bổ sung thêm một khoản mới (khoản 30) cụm từ mới: “Quyền sử dụng đất”. Có thể quy định như sau: “Quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất được quy định trong luật này”. Quyền sử dụng đất là một quyền tài sản đặc thù cần phải có khái niệm để làm cơ sở cho việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đất đai. Vì vậy, cần bổ sung thêm 1 khoản mới vào Điều 3. Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm các cụm từ “hộ gia đình”, “lấn chiếm đất đai”, “vi phạm pháp luật đất đai”.
2. Về Điều 4: Khoản 3, Điều 4 cần quy định thêm người sử dụng đất bắt buộc phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Về Điều 5: Điều 5 của dự thảo ghi nhận cụm từ “Người sử dụng đất”. Sau đó liệt kê ra các đối tượng khác nhau như: Hộ gia đình, cá nhân, tập thể, tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân cư…Khái niệm “Người sử dụng đất” ở đây không bao hàm hết các đối tượng đã liệt kê. Ví dụ như tập thể, tổ chức không thể dùng chữ người được. Do vậy, đề nghị nên thay bằng khái niệm “đối tượng sử dụng đất” cho phù hợp hơn.
Tại khoản 6 Điều 5 quy định người sử dụng đất gồm: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư hoạt động văn hóa, hoạt động khoa học thường xuyên hoặc về sống ổn định tại Việt Nam. Cần bổ sung vào các hoạt động khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Khoản 7 Điều 5 quy định người sử dụng đất gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư. Cần thêm vào cụm từ “có thời hạn”.
4. Về Điều 7: Khoản 2, Điều 7 nên bổ sung cụm từ đất chưa sử dụng sau đất chưa cho thuê, đất chưa giao: “Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm đối với việc quản lý sử dụng đất đất chưa giao, chưa cho thuê và đất chưa sử dụng ở địa phương”.
5. Về Điều 9: Cần chỉnh sửa cách diễn đạt để trong cách phân loại đất đảm bảo tính thống nhất trong văn bản của Luật giữa các điều với nhau và cần giải thích rõ hộ gia đình, cá nhân trong quy định của luật. Trong thực tế, nếu là hộ gia đình thì sẽ có nhiều cá nhân liên quan trong gia đình đó. Còn cá nhân là bản thân người có tên trong quyết định của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
6. Về Điều 63: Điều 63 dự thảo quy định về “Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai” liệt kê 8 trường hợp thu hồi đất nhưng vẫn chưa rõ và chưa hợp lý, có thể dẫn đến không thực thi được trên thực tế. Chẳng hạn, điểm a (khoản 1) quy định thu hồi đất trong trường hợp “sử dụng đất không đúng mục đích” là quá chung chung.
Nếu đất trồng lúa mà bị sử dụng vào việc trồng cây hàng năm khác thì cũng là trái mục đích, tuy nhiên khó có thể bị liệt vào trường hợp bị thu hồi đất. Ngược lại, đất trồng cây hàng năm khác hoặc trồng cây lâu năm mà sử dụng vào mục đích trồng lúa thì cũng là trái mục đích. Nên quy định thu hồi khi đã bị xử lý hành chính.
Điểm g và h trong khoản 1, Điều 63 quy định thu hồi trong trường hợp đất không được sử dụng trong 12 tháng liền đối với đất trồng cây hàng năm; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư (hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư); trong thời hạn 18 tháng liền đối với đất trồng cây lâu năm; 24 tháng liền đối với đất trồng rừng.
Trên thực tế, quy định này không khả thi, vì trong bối cảnh để chuẩn bị thủ tục cho một dự án đầu tư thường mất nhiều năm và tiến độ dự án chậm nhiều năm là phổ biến với quá nhiều lý do. Đặc biệt, dự án đang triển khai dang dở mà bị thu hồi thì sẽ vô cùng khó khăn, rắc rối trong việc tính tiền và chuyển giao. Vì vậy cần kéo dài thời hạn.
(Xem tiếp kỳ sau)