Tổng kết NQTW 5 (Khóa VIII) cần nghiêm túc, thiết thực, sát thực tiễn
Ngày 27-3, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì phiên họp.
Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ảnh: Bích Hồng |
Tại phiên họp, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh: Để tạo nên không khí trao đổi dân chủ, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chỉ đạo tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số đơn vị liên quan.
Qua các cuộc tọa đàm, hội thảo, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết, thiết thực với nền văn hóa nước nhà. Đó là cơ sở quan trọng để xây dựng báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cho tới nay, các địa phương đã bám sát Hướng dẫn số 55-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, tiến hành tổng kết Nghị quyết đã cơ bản hoàn thành ở cấp huyện, gấp rút tổng kết Nghị quyết ở cấp tỉnh, tiến tới Hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết. Nhìn chung, việc tổng kết nghiêm túc; xây dựng được báo cáo tổng kết đánh giá từ thực tiễn, giới thiệu một số mô hình hay, kinh nghiệm tốt; nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa có chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên, việc tổng kết ở cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế, như: Một số địa phương tổng kết còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo thời gian; báo cáo tổng kết chủ yếu nêu thành tích, chưa phân tích sâu hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa; việc khen thưởng mới tập trung vào số cán bộ công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước; chưa tuyên truyền và tạo diễn đàn trao đổi dân chủ về văn hóa; các cơ quan thông tin đại chúng chưa kịp thời đưa tin hoạt động, trao đổi những vấn đề sau 15 năm triển khai Nghị quyết trên địa bàn...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm tại phiên họp. Đồng chí khẳng định: Việc tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Kết luận Trung ương X (khóa IX) là đợt sinh hoạt chính trị về văn hóa, cần phải tổng kết nghiêm túc, thiết thực, sát với thực tiễn đặt ra sau 15 năm.
Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, không chỉ bó hẹp trong một gia đình mà phải đặt trong mối quan hệ với môi trường xã hội rộng lớn. Xây dựng nền văn hóa của chúng ta không phải chỉ là việc của ngành văn hóa, mà phải huy động sự tham gia, góp sức của các ngành, các cấp, của toàn xã hội, của từng gia đình…
Ban Chỉ đạo cần tiếp tục chỉ đạo sát sao, xác định được tầm quan trọng của việc tổng kết Nghị quyết về văn hóa; cần rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết; đề xuất bổ sung, hoàn thiện chủ trương, quan điểm, giải pháp của các cấp uỷ Đảng cho những năm tiếp theo; mời các cơ quan liên quan tham gia tổng kết, đóng góp xây dựng nền văn hóa nước nhà;
Cấp ủy Đảng chỉ đạo tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm văn hóa theo chuyên đề; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên trang, diễn đàn thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân; đưa tin kịp thời hoạt động tổng kết Nghị quyết về văn hóa; rà soát lại các công việc chuẩn bị cho hội nghị tổng kết toàn quốc một cách thiết thực, kịp thời, hiệu quả...
(Theo dangcongsan.vn)