Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Tiền Giang
Ngày 31-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Tiền Giang. Cùng đi với Đoàn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ… Đón tiếp Chủ tịch nước và Đoàn công tác Trung ương có ông Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh…
Lãnh đạo tỉnh thuyết trình cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về Đê biển Gò Công. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong thời gian qua và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh. Theo đó, trong thời gian qua, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa phương.
Cụ thể, lũ lụt kéo dài gây thiệt hại, nhất là thời điểm kết hợp triều cường. Liên tục hàng năm gần như toàn bộ diện tích 140.000 ha phía tây Quốc lộ 1A của tỉnh đều bị ảnh hưởng lũ lụt. Bão biển ngày càng nguy hiểm hơn. Sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng; các khu vực bị sạt lở nặng nề là TP. Mỹ Tho, ven sông Ba Rài (Cai Lậy), thị trấn Cái Bè, xã Tân Thanh (Cái Bè). Riêng kinh Chợ Gạo bị sạt lở nghiêm trọng từ 10 - 20 m, đã gây tai nạn chết người và làm ảnh hưởng đến tài sản như nhà cửa, vườn cây ăn trái, đặc biệt là ách tắc giao thông.
Sạt lở đê biển, nhất là các đoạn xung yếu, khiến rừng phòng hộ bị xâm thực nặng. Thống kê trong 10 năm qua cho thấy, rừng phòng hộ bị xâm thực từ 8 - 10 m/năm. Tại khu vực xung yếu có những đoạn bị xâm thực 2 m/năm. Hiện tại rừng phòng hộ còn rất mỏng, dao động từ 30 - 300 m, thậm chí có nơi không còn rừng che chắn. Ước tính diện tích rừng bị xâm thực hơn 2.000 ha. Mặn ngày càng đến sớm và vào sâu trong đất liền. Những năm gần đây, ở phía Đông, nước mặn đã xâm nhập sâu cống Xuân Hòa thuộc hệ thống ngọt hóa Gò Công, việc lấy nước ngọt gặp nhiều khó khăn. Nước mặn cũng lấn sâu khu vực phía Tây tới huyện Cai Lậy.
Bên cạnh đó, dịch bệnh phát sinh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp như bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lúa, bệnh chổi rồng trên nhãn, bệnh tai xanh trên heo, lở mồm long móng trên gia súc, bệnh cúm gia cầm… liên tục xảy ra hàng năm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 1.300 ha nghêu chết ở biển Tân Thành (Gò Công Đông), tỷ lệ thiệt hại từ 50 - 100%, giá trị thiệt hại trên 300 tỷ đồng. Tác động của biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng đến đa dạng hóa sinh học, cơ cấu mùa vụ sản xuất, một số diện tích trước đây làm 3 vụ, nay chỉ làm được 2 vụ lúa.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang đề đạt một số kiến nghị với Trung ương trong thời gian tới. Cụ thể, Trung ương sớm đầu tư các công trình Trung ương trên địa bàn như: Dự án nâng cấp kinh Chợ Gạo, dự án cầu Mỹ Lợi, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; tiếp tục triển khai và tăng kinh phí bố trí cho Chương trình mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học.
Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Trung ương tăng đầu tư nâng cấp đê biển ở Tiền Giang, tăng kinh phí để tỉnh sớm thực hiện các hạng mục còn lại của dự án. Hoàn thiện Dự án Ngọt hóa Gò Công, sớm giao vốn để tỉnh triển khai nhanh. Trong trường hợp mặn xâm nhập sớm, cống Xuân Hòa không thể lấy nước ngọt được thì Chính phủ cho tỉnh được lập dự án chuyển nước ngọt từ phía Tây (nguồn nước sông Bảo Định) về khu vực Gò Công.
Trước mắt, Trung ương xem xét cho tiếp tục bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để nạo vét Kinh 14 và 6 cống có liên quan nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cung cấp cho khu vực ngọt hóa Gò Công, đặc biệt vùng 2 và vùng 3 dự án Ngọt hóa Gò Công đang thiếu nước nghiêm trọng trong đầu vụ hè thu. Trung ương quan tâm đầu tư dự án gây bồi đoạn xung yếu đê biển Gò Công và trồng rừng, góp phần hạn chế thấp nhất hậu quả do thiên tai bão lũ gây ra cho nhân dân vùng ven biển.
Trung ương cho tỉnh lập Dự án đê bao chống triều cường và nước biển dâng để bảo vệ sản xuất các vùng đất cù lao của tỉnh. Quan tâm đầu tư công trình đê, kè bảo vệ chống sạt lở bờ; tăng đầu tư hệ thống cống điều tiết 5 trục thoát lũ qua Quốc lộ 1A để sớm đưa công trình đi vào sử dụng. Hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng các cống đập, đê bao vùng lũ, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ niềm phấn khởi vì trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng trong thời gian qua Tiền Giang đã năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó đưa kinh tế - xã hội của tỉnh có những thay đổi rõ nét, phát triển nhanh và bền vững, góp phần tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh và chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương có liên quan khẩn trương xem xét để tham mưu cho Chính phủ có hướng giải quyết, giúp Tiền Giang tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. |
Về các kiến nghị liên quan đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước cho biết, đây là vấn đề cấp bách, vì vậy trong các kỳ họp sắp tới của BCH Trung ương Đảng sẽ đưa vấn đề này ra bàn, mổ xẻ để tìm giải pháp căn cơ. Các công trình liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu sẽ được xúc tiến nhanh khi BCH Trung ương Đảng có Nghị quyết về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần có kế hoạch và chủ động, khẩn trương thực hiện các giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu nhằm giảm đến mức thấp nhất tác hại của biến đổi khí hậu gây ra, từ đó sẽ giúp cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn.
Cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư các công trình liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế vay nhằm giảm gánh nặng nợ công, góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho quốc gia. Lãnh đạo tỉnh nỗ lực cùng với Đảng và Nhà nước tìm ra những nguyên nhân dẫn đến kinh phí đầu tư cho giao thông ở nước ta hiện nay cao hơn so với các nước khác, để từ đó có giải pháp khắc phục…
Cùng ngày, Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác đã đi thị sát về tình hình sạt lở ở đê biển Gò Công và kinh Chợ Gạo; đến đặt tràng hoa, thắp hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định và Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Chủ tịch nước và Đoàn công tác cũng đã đến thăm, làm việc và trồng cây lưu niệm ở Đồn Biên phòng Kiểng Phước; thăm mô hình trồng thanh long của gia đình ông Phạm Văn Hiệp ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo.
NGUYÊN CHƯƠNG
Những hình ảnh trong chuyến công tác
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác Trung ương thị sát tình hình sạt lở ở đê biển Gò Công.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc trồng cây lưu niệm tại Đồn Biên phòng
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng ảnh Bác cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh tham quan Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thị sát tình hình sạt lở ở kinh Chợ Gạo.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi công nhân thi công cầu Chợ Gạo.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc thắp hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi vào sổ lưu niệm khi viếng Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm mô hình trồng thanh long ở hộ ông Phạm Văn Hiệp, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo.