Thứ Sáu, 26/04/2013, 08:11 (GMT+7)
.

Gần 7 triệu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Sáng ngày 24-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Tại điểm cầu Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan tham dự.

Thời gian qua, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ ở các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay đã có 6.958.848 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo  Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, chương 6 về “Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” có đến 1.991.176 lượt ý kiến; chương 5 về “Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất” có 1.407.554 lượt ý kiến góp ý.

Tại buổi trực tuyến, có gần 20 ý kiến tiếp tục đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi như: Cơ chế thu hồi đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định giá đất; chính sách thuế liên quan đến đất đai… Có đại biểu cho rằng không nên bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã mà nên giữ nguyên như Luật Đất đai năm 2003 đã quy định. Cần quy định việc phân cấp cụ thể cho cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư.

Nội dung về thu hồi đất từ Điều 60 đến 66 cần quy định cụ thể hơn, tránh tình trạng khi luật đã ban hành vẫn phải chờ nghị định hướng dẫn. Tại Điều 70, cần làm rõ việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Cần có quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia…

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng. Việc sửa đổi Luật Đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Yêu cầu của việc sửa đổi là phải giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay, đặc biệt là trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giá đất; phải giải quyết được những phát sinh trong thực tiễn; đồng thời yêu cầu  Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội…

P. MAI

.
.
.