Thứ Hai, 22/04/2013, 11:31 (GMT+7)
.

Những bông hoa “màu trắng” bất tử

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tin vui thắng trận giòn dã trên khắp các chiến trường Phước Long, Đồng Xoài, Tây Nguyên… khiến quân địch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam vô cùng hoang mang, khiếp sợ.

Tại Mỹ Tho - Gò Công, Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương mở Chiến dịch Mùa khô  năm 1974 - 1975, tập trung chia cắt lộ 4, lấy địa bàn các xã phía Đông - Tây kinh Chợ Gạo là vùng Nam lộ 24 làm trọng điểm để mở màn cho chiến dịch, nhằm đẩy mạnh tấn công địch, mở rộng địa bàn hành lang, làm chủ các lộ sườn cũng như kinh Chợ Gạo, tạo điều kiện thuận lợi để đưa lực lượng và vật chất xuống hướng Gò Công và Nam Long An.

Trận đánh Chi khu xã Thanh Bình - Chợ Gạo (24-3-1975) giải phóng xã Thanh Bình. Ảnh: Võ Duy Trinh
Trận đánh Chi khu xã Thanh Bình - Chợ Gạo (24-3-1975) giải phóng xã Thanh Bình. Ảnh: Võ Duy Trinh

Để mở mảng trên chiến trường Chợ Gạo, ta đã phát động quần chúng xây dựng địa bàn, chuẩn bị hậu cần, địa điểm để giao nhận hàng hóa và vũ khí từ biên giới về Hưng Thạnh (Châu Thành Bắc - nay là huyện Tân Phước). Trong 3 tháng vận chuyển, hơn 300 dân công và 100 xuồng gắn máy đã liên tục chuyên chở trên ngàn tấn hàng cho tỉnh và cả cho tiền phương Khu 8. Ngày 6-11-1974 ta bắt đầu mở Chiến dịch Mùa khô.

Tại Chợ Gạo, ta bố trí lực lượng Tiểu đoàn 514 C, Đại đội 3 đặc công, Đại đội 5 hỏa lực và lực lượng du kích, binh vận các xã pháo kích và tấn công bứt rút đồn bót, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Hỗ trợ cho lực lượng chiến đấu, nhiều chị em ở xã Song Bình (Chợ Gạo) còn mang cây vào gần đồn ngã 3 Lộ Xoài để đưa cho bộ đội làm công sự đánh đồn.

Hàng đêm có rất nhiều dân công tải hàng, đặc biệt trong đó có những thiếu nữ học sinh của huyện đã bất chấp gian nan, nguy hiểm để đưa hàng hóa, vũ khí đến tận chiến trường như: Ngày 3-2-1975 (23 tháng Chạp năm 1974 ÂL), dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Võ (bộ đội chủ lực), gần 20  dân công (đa số là nữ tuổi đời còn rất trẻ) tập kết nhận hàng tại nhà đồng chí Ba Tổng, là cán bộ hậu cần huyện (ấp Bình Hòa B, xã Song Bình). Hàng vận chuyển đêm ấy gồm 3 trái DH.10, 4 cặp lựu đạn, 20 cối 60 ly và một số đạn dược khác.

Hướng vận chuyển rất  nguy hiểm, từ nhà đồng chí Ba Tổng ra lộ đất phải đi qua đồn Cả Quới của địch. Lúc 19 giờ, từng thành viên đã nhận hàng xong thì lập tức lên đường. Trong chuyến vận chuyển này, ngoài hai đồng chí bộ đội, tất cả còn lại là thanh niên, học sinh ở địa phương và xã Long Bình Điền đang trong thời gian nghỉ tết. Người lớn tuổi nhất là Nguyễn Thị Sáu mới 19 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Thị Kim mới 13 tuổi, còn lại đa số ở tuổi 16 - 17.

Do đêm tối, phải đảm bảo bí mật và còn thiếu kinh nghiệm vận chuyển vũ khí nên điều đáng tiếc đã xảy ra: Mới đi được khoảng 1 giờ, vừa đến khu vực nhà của bà Nguyễn Thị Ba (ấp Bình Hiệp, xã Song Bình) do bất cẩn, chị Hồ Thị Thêm trong đoàn làm nổ kíp trái DH.10 làm 8 người hy sinh (trong đó có 1 nam là anh Nguyễn Văn Chí) và bị thương 4 người khác.

Số bị thương kịp thời được đồng đội và nhân dân chuyển về quân y huyện cứu chữa. Số hy sinh được người thân và bà con đưa về mai táng. Tất cả vũ khí lập tức được hủy dưới lòng kinh tại khu vưc nhà của bà Nguyễn Thị Ba.

Đã 38 năm trôi qua, mỗi khi nhắc lại sự kiện ngày ấy, mọi người đều bùi ngùi thương tiếc vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của những nữ sinh áo trắng đang tuổi thanh xuân như những bông hoa “màu trắng” bất tử trong mùa xuân đại thắng 1975, góp phần “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Được biết, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo đang tiến hành tổ chức tọa đàm để xây dựng bia nhằm ghi dấu công lao to lớn của đội vận tải tại xã Song Bình, qua đó giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.