Thứ Tư, 03/04/2013, 08:00 (GMT+7)
.

Tòa án nhân dân tỉnh: Đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ trước

7. Về Điều 72:
Về “Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” tại khoản 1, Điều 72 quy định: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 73 của luật này thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Không quy định về giá bồi thường theo quy định của Nhà nước hay theo giá thị trường.

Việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, nó đụng chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Hơn nữa, việc xử lý vấn đề này còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội và lợi ích của chủ đầu tư.

Vì vậy trong dự thảo cần quy định rõ các nội dung như: địa vị pháp lý, cơ chế hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất nhằm giúp cho tổ chức đó có đủ năng lực, điều kiện để thực thi nhiệm vụ được giao nhanh chóng, thuận lợi; quy định rõ và thống nhất trong toàn quốc về các giải pháp để ổn định đời sống, việc làm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp và cần bổ sung quy định để bảo đảm quyền lợi của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Thực tế vừa qua, các văn bản liên quan về thu hồi đất chưa có quy định về vấn đề này, mà chỉ có ở Luật Ngân sách quy định việc chia sẻ nguồn thu từ đất cho ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tuy không được quy định nhưng thực tế các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều có những đóng góp tự nguyện cho chính quyền địa phương hoặc cộng đồng dân cư địa phương. Vì vậy vấn đề này cần được quy định trong luật để làm cơ sở thực hiện thống nhất, thuận lợi, tránh hiện tượng lợi dụng để trốn tránh hay nhũng nhiễu.

Mặt khác, cần bổ sung vào dự thảo quy định cụ thể biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; biện pháp tạo cơ chế để cộng đồng dân cư và người bị thu hồi đất tham gia trực tiếp vào quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

8. Về Điều 95:
 Đề nghị bổ sung 1 điểm mới vào khoản 1: “Người được công nhận quyền sử dụng đất” nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự.

Đề nghị bổ sung 1 điểm mới vào khoản 2: “a. Đất đang trong thời gian giải quyết tranh chấp” nhằm tránh sự tùy tiện của các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm phức tạm thêm việc giải quyết tranh chấp.

9. Về Điều 96:
Đề nghị bỏ điểm e khoản 1 quy định về giấy tờ do chế độ cũ cấp. Loại giấy tờ này chỉ là nguồn tham khảo, nếu đưa vào quy định thì xem như là giấy tờ hợp pháp, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và làm vô hiệu hóa các giấy tờ, chính sách đất đai của Nhà nước ta.

10. Về Điều 136: Đề nghị bổ sung một khoản mới quy định về trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển mở rộng đất bãi bồi ven sông, ven biển (như trồng cây lấn biển, đắp đê…) chứ không phải do bồi đắp tự nhiên. Đây là vấn đề thực tế nhưng chưa được luật điều chỉnh, dễ dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp.

11. Về Điều 160: Đề nghị bổ sung thêm 2 quyền của người sử dụng đất (bổ sung thành 2 khoản) như sau: “Đầu tư khai thác lợi ích từ đất” và “Chuyển mục đích sử dụng đất”.

12. Về Điều 189:

Đề nghị bổ sung cụm từ thu hồi vào điểm b khoản 1 của  Điều 169. Cụ thể là:
“b) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

13. Về Điều 196:
Cần phân biệt tranh chấp đất đai với tranh chấp quyền sử dụng đất. Do vậy cần xác định rõ tranh chấp quyền sử dụng đất có phải hòa giải hay không và cần bổ sung thêm 3 khoản gồm: Một khoản quy định về những trường hợp không hòa giải (tương tự như trong tố tụng dân dân sự), trong đó cần đề cập đến tranh chấp quyền sử dụng đất là tranh chấp không hòa giải ở cơ sở.

Một khoản quy định về những trường hợp không hòa giải được (như có một bên không chịu dự hòa giải hoặc có đơn xin không hòa giải…). Một khoản quy định về thời hạn hòa giải (thời hạn này có thể là 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp) và quyền khởi kiện ra tòa án nếu hết thời hạn mà chính quyền cơ sở không hòa giải.

14. Về điều 197:Đề nghị bỏ cụm từ “tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau”. Lý do: Tại khoản 1 - Điều 196 quy định việc hòa giải chỉ mang tính khuyến khích chứ không bắt buộc (và cũng không nên bắt buộc), vì không còn tính tự nguyện thì không thể có hòa giải thật sự, mâu thuẫn với Điều 196.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản gắn liền với đất (mà đất lại chưa có giấy tờ hợp lệ) và đồng thời có tranh chấp đất.

* Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG THÊM ĐIỀU LUẬT MỚI

1. Đề nghị bổ sung 1 điều luật mới vào mục 2 - Chương VII về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình. Nội dung quy định cụ thể trường hợp, điều kiện cụ thể cấp cho hộ gia đình (ví dụ: cấp cho hộ thì ai được đứng tên hay ghi tất cả thành viên hộ). Nếu xác định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ thì cấp theo hộ khẩu hay ai có thẩm quyền xác nhận thành viên hộ…

2. Đề nghị bổ sung 1 hoặc 2 điều mới vào Chương V: Quy định về thủ tục, điều kiện công nhận quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề chưa rõ và chưa cụ thể nên dễ dẫn tới gây khó dễ cho người sử dụng đất ổn định, hợp pháp, dễ gây tranh chấp trên thực tế và gây khó khăn khi người dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3. Đề nghị bổ sung 1 điều mới vào mục I của Chương VII về chia tách, sáp nhập quyền sử dụng đất (hay nhập thửa, tách thửa). Đây là vấn đề thực tế phổ biến nhưng chưa được luật quy định nên không bảo đảm quyền của người sử dụng đất và nhu cầu của xã hội.

4. Đề nghị bổ sung 1 điều mới vào mục II của Chương VII: Quy định về cấp lại (như trường hợp bị mất…), cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cần quy định cụ thể trường hợp, điều kiện được cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý đất đai và tạo sự thuận lợi cho người dân.

5. Đề nghị bổ sung thêm 1 điều mới vào mục II của Chương VII: Quy định về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, hạn chế sự tùy tiện trong việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Đề nghị quy định cụ thể điều kiện, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.   

6. Chương II cần quy định bổ sung quyền lợi cho người sử dụng đất như: kinh phí quy định về đo đạc; xây dựng hồ sơ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

7. Chương IV cần bổ sung thêm 1 điều về quản lý quy hoạch. Trên thực tế, vấn đề này chưa được quan tâm nên gây nhiều khó khăn, lộn xộn trong việc quản lý về
đất đai.                     

.
.
.