Thứ Sáu, 24/05/2013, 09:22 (GMT+7)
.

ĐBQH Đoàn TG: Góp ý dự án Luật SĐ,BS một số điều Luật Thuế TNDN

Chiều ngày 21-5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

* Đại biểu NGUYỄN VĂN DANH (Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang): Phát biểu ý kiến đóng góp cụ thể 2 vấn đề như sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ hơn về quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật:

1. Việc sửa đổi, bổ sung này không mang tính tổng thể, căn bản nên cần đảm bảo giữ vững các nguyên tắc, bản chất cũng như các mục tiêu dài hạn của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, không nên vì những lý do về xử lý chính sách mang tính tình thế trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà làm phá vỡ các mục tiêu, định hướng dài hạn của một sắc thuế trực thu rất quan trọng như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Việc sửa đổi, bổ sung cần tập trung vào hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; không nên có những sửa đổi, bổ sung lại làm tăng thêm gánh nặng thuế hay tăng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.

3. Cần đảm bảo hài hòa giữa thu ngân sách với khuyến khích đầu tư phát triển và tăng trưởng, giữa thu với nuôi dưỡng nguồn thu và cân đối tốt ngân sách trong những năm tới.

Thứ hai, về thuế suất (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6, Điều 1 của dự án Luật): Dự thảo Luật quy định:

Giai đoạn 2014 - 2015 áp dụng thuế suất phổ thông là 22%; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, sử dụng lao động dưới 200 lao động áp dụng mức thuế suất 20%. Những trường hợp áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014 - 2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01-01-2016 và mức thuế suất ưu đãi 20% sẽ chuyển sang áp dụng 17%.

Cơ quan trình và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với quy định về giảm thuế suất và lộ trình giảm thuế như dự thảo luật là phù hợp với chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu nhìn ở một góc độ khác thì việc đưa ra 2 mức thuế suất khác nhau như trên đã tạo ra một sự phân biệt đối xử không cần thiết và không hẳn sẽ tạo ra được sự chuyển biến tích cực cho nền kinh tế, mà vô hình trung sẽ chỉ khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra một nền kinh tế nhỏ lẻ, số lượng lao động ít, hoạt động kinh doanh manh mún, không tập trung.

Do đó, cần có cân nhắc, tính toán kỹ hơn để có lộ trình giảm thuế thích hợp và nên áp dụng cùng một mức thuế suất cho tất cả các doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Việc làm này sẽ thiết thực hơn, tạo được động lực cho sự phát triển các doanh nghiệp và kích thích được sự phát triển của nền kinh tế.

* Đại biểu NGUYỄN HỮU HÙNG (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang):

Dự án Luật cần xem xét bổ sung quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với kinh phí chi cho các hoạt động liên quan đến quốc phòng, an ninh cho phù hợp với Luật Dân quân tự vệ hiện hành (Khoản 2, Điều 52 quy định: “Kinh phí do doanh nghiệp bảo đảm cho người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ… Khoản kinh phí này được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp”) và phù hợp với nội dung quy định của dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (Khoản 2, Điều 29 quy định: “Kinh phí do doanh nghiệp… bảo đảm thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của Luật này. Khoản kinh phí này được tính vào các khoản chi hợp lý của doanh nghiệp…”) mà Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp này.

* Đại biểu NGUYỄN VĂN TIÊN (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang):

Đề nghị dự án Luật xem xét bổ sung cụ thể những quy định nhằm đảm bảo hiệu quả thiết thực của việc giảm thuế lần này, cụ thể như:

- Xem xét việc thực hiện miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động xã hội, các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đầu tư, góp sức để cùng chăm lo tốt hơn cho các đối tượng xã hội.

- Cụ thể hơn trong quy định của dự án Luật về các giải pháp quản lý chặt chẽ trong việc thu, sử dụng và quản lý đối với các nguồn quỹ hiện hành nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả và sự tác động tích cực của nó trong đời sống xã hội cũng như đối với việc thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực hiện nay như: Quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và sắp tới đây là quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá…

Đại biểu TRẦN VĂN TẤN (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang):

Liên quan đến quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với “phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15%”, đề nghị dự án Luật cần xem xét bổ sung cụ thể về lộ trình và thời gian thực hiện để chấm dứt thực hiện mức trần nhằm đảm bảo sự nghiêm minh và công bằng trong thực hiện Luật.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng “Luật khung” và đảm bảo Luật được thực thi ngay khi có hiệu lực pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật nghiên cứu để quy định cụ thể, chi tiết nội dung tại các điều, khoản mà dự án Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (nội dung quy định sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3, Điều 7; Điều 9; Điều 10; Điều 13; Điều 14; Điều 18);

Đồng thời đề nghị chỉnh sửa lại nội dung tại Khoản 4, Điều 2 của dự án Luật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đó là: “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong Luật”.

                                                                                                                       Đăng Hiếu (tổng hợp)

.
.
.