Thứ Tư, 29/05/2013, 08:48 (GMT+7)
.

ĐBQH Trương Thị Thu Trang: Góp ý dự án Luật KH và CN (sửa đổi)

Quốc hội vừa họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Đại biểu TRƯƠNG THỊ THU TRANG (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) đã nêu 5 vấn đề cụ thể đóng góp ý kiến đối với dự án Luật như sau: 

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1, đề nghị bổ sung nội dung “hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ” vào điều này. Vì hiện nay nước ta đang mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ là một trong những nội dung quan trọng, vì vậy hoạt động này cần được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật nhằm đảm bảo về điều kiện pháp lý để Việt Nam thuận lợi trong hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư về khoa học và công nghệ; đồng thời dự thảo luật cũng có Chương VIII: “Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ”. Do vậy, Điều 1 đề nghị thể hiện lại như sau:

“Luật này quy định về tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ”.

Thứ hai, về hình thức tổ chức khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 9, dự thảo luật đã quy định khá rõ về các loại hình tổ chức khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, lại không quy định rõ các loại hình theo từng cấp quản lý như cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh hay cấp cơ sở. Nhưng tại điểm a Khoản 2 về phân loại theo cấp quản lý lại quy định “theo cấp quản lý gồm: tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật này.” Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể tổ chức khoa học và công nghệ theo cấp quản lý tại điểm a Khoản 2 điều này và thể hiện lại như sau:

“a) Theo cấp quản lý gồm: tổ chức khoa học và công nghệ cấp quốc gia; tổ chức khoa học và công nghệ cấp bộ; tổ chức khoa học và công nghệ cấp tỉnh; tổ chức khoa học và công nghệ cấp cơ sở”.

Thứ ba, về nguyên tắc xây dựng mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ được quy định tại khoản 2 Điều 10 của dự thảo luật. Theo yêu cầu thực tế, việc xây dựng mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ phải phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của từng ngành, từng lĩnh vực và phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Có như vậy thì phát triển khoa học và công nghệ mới mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội. Đây cũng là mục tiêu cao nhất cần hướng đến khi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Do vậy, đề nghị điều chỉnh lại điểm a khoản 2 điều này như sau:

“a) Xây dựng mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ thống nhất, đồng bộ và phân bố hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của từng ngành, từng lĩnh vực và gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Thứ tư, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 12 của dự thảo luật. Tại khoản 2 điều này quy định: “Người thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ.”

Quy định như vậy có thể dẫn đến hiểu không đúng nội dung quy định của luật là người đã không còn làm việc ở các vị trí có thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ nhưng trước đây đã thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ thì có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ này. Để quy định được chặt chẽ, đề nghị thể hiện lại khoản 2 điều này như sau:

“2. Người có thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ”.

Thứ năm, về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoa học - công nghệ được quy định tại Điều 81 của dự thảo luật. Nếu quy định như dự thảo thì chỉ đối tượng là cá nhân chịu sự điều chỉnh của quy định này, chưa chú trọng xử lý vi phạm đối với pháp nhân. Việc quy định như vậy là chưa dự liệu hết trong luật các đối tượng có thể vi phạm. Do vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung việc xử lý vi phạm trong trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức, để quy định của luật được chặt chẽ.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.