Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án Luật
Ngày 3-5, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến các ban, ngành chức năng liên quan đóng góp cho dự án Luật Hòa giải cơ sở nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.
Dự án Luật Hòa giải cơ sở gồm 5 chương, 33 điều. Luật Hòa giải cơ sở ra đời sẽ mang lại hiệu quả xã hội cao, góp phần giảm áp lực cho chính quyền địa phương và tòa án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tùy theo từng địa phương mà dự thảo Luật Hòa giải cơ sở vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau.
Ngay cả tên Luật cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có đại biểu cho rằng việc giải thích từ ngữ “cơ sở” là chưa thống nhất, gây sự hiểu nhằm; quy định tại Điều 3 về các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp không được hòa giải, đại biểu thống nhất gộp khoản 1 và 2 làm một và thay “Tội phạm hình sự” bằng “Hành vi vi phạm hình sự”; về nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở cần bổ sung thêm nguyên tắc: tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên.
Về vấn đề kinh phí cho công tác hòa giải, đa số ý kiến đều cho rằng Nhà nước phải bổ trợ hoặc cấp kinh phí cho công tác hòa giải, nhằm tránh hòa giải hình thức và nhằm động viên hòa giải viên; tại Điều 8, đa số đại biểu thống nhất với phương án 1 là bầu, công nhận hòa giải viên và nhiệm kỳ 5 năm 2 lần.
Bên cạnh, quy định tại điều 10 về nghĩa vụ của hòa giải viên cần bổ sung thêm nghĩa vụ sau khi hòa giải thành và không thành (hòa giải thành thì động viên thực hiện, nếu hòa giải không thành thì hướng dẫn các bước tiếp theo)…
*Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến các ban, ngành chức năng liên quan đóng góp cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giữ nguyên ba mức thuế suất: 0%, 5% và 10% là phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, cần rà soát diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế nhằm từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong chiến lược cải cách thuế là đến năm 2020 đưa hàng hóa, dịch vụ trở về một mức thuế suất.
Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm: Các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp; dịch vụ cung cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán; hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm thấp hơn 100 triệu đồng.
Riêng đại biểu Công ty Lương thực Tiền Giang đề nghị: cần quy định mức mua trên 250 triệu đồng mới phải giao dịch qua ngân hàng và được khấu trừ bởi việc thu mua vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì khó mà thanh toán qua ngân hàng, và việc mua lương thực với số lượng nhỏ chủ yếu là trả bằng tiền mặt, tuy có hóa đơn nhưng vẫn không được khấu trừ. Bên cạnh, thì cần bỏ mức thuế suất 5% đối với phụ phẩm được quy định tại khoản 2 điều 8…
Ông Trần Văn Tấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu về các dự án Luật, đồng thời hứa sẽ tổng hợp các ý kiến và trình bày tại kỳ họp Quốc hội tới.
P. MAI