Thứ Hai, 20/05/2013, 08:20 (GMT+7)
.

Học tập và làm theo Bác tạo sức bật mới trong phát triển KT-XH

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa lớn, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, đảng viên đối với công việc cũng như quan hệ ứng xử với nhân dân có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Thông tri 05-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức. Nhìn chung, nội dung chuẩn mực đạo đức của các cơ quan, đơn vị phần lớn đều bám sát nhiệm vụ chính trị, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát.

Trên cơ sở đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đăng ký làm theo Bác; lấy kết quả làm theo Bác là căn cứ để kiểm điểm kết quả phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân và tập thể trong đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm. Qua thực hiện nội dung đăng ký làm theo Bác, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực về tinh thần, thái độ trong công việc, nhất là phong cách khi tiếp xúc với nhân dân.

Một nội dung quan trọng nữa trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vấn đề nêu gương của cán bộ chủ chốt. Sau khi triển khai thực hiện, nhìn chung nội dung đăng ký nêu gương của cán bộ chủ chốt bám sát vào chức trách và nhiệm vụ được phân công, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Quy định những điều đảng viên không được làm... bước đầu tạo ra hiệu ứng tích cực trong nhiều cơ quan, đơn vị, có sức ảnh hưởng mạnh đối với cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống.

Qua triển khai thực hiện các bước, ý thức học tập, tu dưỡng và rèn luyện theo gương Bác của hầu hết cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên được nâng lên, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi học tập và làm theo Bác trong toàn Đảng bộ. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Kết quả giải quyết, xử lý những tồn đọng, bức xúc đã góp phần khẳng định việc gắn nội dung học tập và làm theo Bác với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn đã được các cấp ủy đảng thực hiện một cách nghiêm túc và đạt hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những vụ việc nổi cộm, bức xúc trên địa bàn tỉnh nhà được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các ngành, các cấp tập trung giải quyết, xử lý. Cụ thể như Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lập các tổ công tác tập trung xử lý các vụ việc tồn đọng ở Khu Công nghiệp Tân Hương, Khu Công nghiệp Long Giang, Dự án tàu thủy Vinashin ở Gò Công, Công ty Du lịch Tiền Giang, Trung tâm Thương mại trái cây ở Hòa Khánh - Cái Bè, Công trình nước BOO - Đồng Tâm…

Đến nay các vụ việc này cơ bản đã được giải quyết. Các mặt hạn chế, yếu kém qua phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 như vấn đề lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, về công tác tổ chức - cán bộ, về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống… đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, sửa chữa, ban hành các quy định, đề án, kế hoạch và triển khai thực hiện bước đầu đạt kết quả tích cực. Các cấp ủy huyện (tương đương), cơ sở có kế hoạch chỉ đạo, xử lý những vụ việc được dư luận quan tâm trên địa bàn của mình.

Qua 2 năm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả như: Ủy ban nhân dân, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tập trung cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các doanh nghiệp cần giao dịch... Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động thi đua về công tác Dân vận, tổ chức các Hội thi Dân vận khéo trong hệ thống chính quyền toàn tỉnh.

Qua đó góp phần giáo dục cán bộ, công chức nâng cao đạo đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ nhân dân. Mặt trận Tổ quốc bằng nhiều hình thức đa dạng đã tập hợp được các đối tượng nhân sĩ, trí thức, tôn giáo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây là một trong những cơ sở quan trọng để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội.

Hội Cựu chiến binh tỉnh đề ra phương thức vận động, giáo dục: Mỗi hội viên phải nêu gương sáng về phong cách, đạo đức, lối sống, gần gũi lắng nghe, tuyên truyền giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đảng, truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam anh hùng,... nhằm đẩy mạnh và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Hội Nông dân tỉnh đưa chương trình “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tập hợp nông dân vào tổ chức Hội” gắn với thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác; phối hợp với các đơn vị tín dụng, doanh nghiệp và khoa học, kỹ thuật… nhằm đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hội viên, hỗ trợ vốn cho hội viên ổn định sản xuất và thoát nghèo.

Đoàn Thanh niên triển khai thực hiện chương trình hành động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, thực hiện có hiệu quả mô hình “Thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội”, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có các mô hình như: Tiết kiệm để phát triển sản xuất; trồng rau tiết kiệm nuôi heo; hũ gạo tình thương; góp vốn theo vụ mùa; tiết kiệm để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình... góp phần cải thiện, nâng chất lượng cuộc sống cho phụ nữ tại địa phương.

Ngành Giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện các chuẩn mực đạo đức nhà giáo; chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập với Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học, tự sáng tạo”.

Ngành Y tế, cán bộ lãnh đạo chủ chốt thực hành nêu gương trong việc thực hiện 12 điều y đức, 10 điều dược đức.

Ngành Công an đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; quy định này được in thành quyển và cấp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ của ngành. Công tác cải cách thủ tục hành chính được Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh rất quan tâm lãnh đạo, như rút ngắn thời gian cấp giấy chứng minh nhân dân; thời gian giải quyết cấp hộ chiếu; đăng ký ôtô, môtô...Những việc làm trên đã được cán bộ và nhân dân hoan nghênh, khen ngợi.

Ngành Quân sự, cán bộ lãnh đạo, chiến sĩ đăng ký và thực hành có hiệu quả các chuẩn mực đạo đức: “Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân; kiên định và sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng; trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, có kỷ luật tự giác, nghiêm minh, có tình thương yêu đồng đội”.

Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc học lời dạy của Bác đối với Bộ đội Biên phòng gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”.

Bên cạnh những cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như: Đại úy Nguyễn Hữu Nhâm, Phó Trưởng đồn Biên Phòng Kiểng Phước, trong nhiều năm liền anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, luôn thể hiện tinh thần gương mẫu trong công tác và sinh hoạt hàng ngày, đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thi đua Quyết thắng.

Ở Sở LĐ-TB&XH có chị Nguyễn Thúy Hằng, Phó Trưởng phòng Công tác trẻ em, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, luôn thể hiện tinh thần hết lòng chăm sóc các đối tượng người già, neo đơn, người bệnh tâm thần, trẻ mồ côi, khuyết tật, nêu cao lòng nhân ái đối với những mảnh đời bất hạnh.

Ở xã An Hữu, huyện Cái Bè có ông Lê Phước Lộc 5 năm liền là nông dân sản xuất giỏi, được Sở Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế vì đã chế tạo ra nhiều công cụ cầm tay để chăm sóc cây trái, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ở huyện Cai Lậy có ông Nguyễn Văn Lình, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Thanh Hòa, là người đã sáng lập ra mô hình “Khu vườn tình thương”, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bằng cách giúp giống trồng các loại cây ăn trái.

Huyện Gò Công Đông có ông Phạm Văn Tranh, Trưởng Công an xã Gia Thuận, là người đã sáng tạo mô hình “Ánh sáng quang phòng, chống tội phạm”. Mô hình này đã được Công an tỉnh chọn làm điểm để nhân rộng cho các địa phương trong tỉnh, góp phần trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Ông Lê Văn Sáng (Thích Bửu Hòa), chủ trì chùa Phước Hòa, Trưởng ban Đại diện Phật giáo huyện Gò Công Đông, trong những năm qua ông luôn vận động phật tử và người dân quyên góp tiền của để giúp đỡ các mảnh đời gặp hoàn cảnh khó khăn; vận động tăng, ni, phật tử sống tốt đời đẹp đạo… và rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình khác trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân, tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. 

TRỌNG TẤN

.
.
.