Thứ Tư, 01/05/2013, 08:56 (GMT+7)
.

Kỷ niệm 30-4: Ban Dược X9 và ký ức không phai

Ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ càng lún sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo phục vụ cho lực lượng vũ trang chiến đấu, ngày 23-9-1961 ngành Quân y Khu 8 (khu Trung Nam bộ), trong đó có Ban Dược được thành lập.

Đồng đội Ban Dược X9 trong lần hội ngộ.
Đồng đội Ban Dược X9 trong lần hội ngộ.

Là những người con quê hương miền Nam tập kết ra miền Bắc được đào tạo chính quy, học hành căn bản, dược sĩ đại học Nguyễn Liêm Khiết (Sáu Thanh) và dược sĩ trung học Lý Văn Kiên (Ba Kiên) cùng với dược sĩ trung học Ba Hội, cán bộ miền Bắc tăng cường được lệnh trở về miền Nam chiến đấu và được phân công phụ trách ngành Dược Quân y Khu 8.

Buổi đầu thành lập với biết bao khó khăn nhưng trách nhiệm rất nặng nề, đó là: Tổ chức đào tạo, biên chế nhân sự trên các địa bàn thích hợp để tìm nguồn y dược, y cụ cung cấp cho các đơn vị Quân y cấp cứu, điều trị cho thương binh, bệnh binh. Xây dựng kho tàng dự trữ, bảo quản, cất giữ và nhanh chóng tổ chức sản xuất thuốc Đông - Tây y để kịp thời cung cấp cho chiến trường.

Tổ chức lực lượng bí mật tiếp liệu nguồn thuốc men, y cụ từ bên ngoài về căn cứ. Hỗ trợ tiếp liệu cơ sở vật chất y dược cho Quân y Khu 8, Cục Quân y Miền để cung cấp phục vụ các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu và cho các chiến dịch.

Chiến trường ngày càng mở rộng, mức độ ác liệt ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải hình thành nhiều đơn vị quân y dã chiến, bao gồm các đội phẫu thuật cơ động, các trạm xá dã chiến, các đội điều trị và các đơn vị ngành Dược nhằm kịp thời cấp cứu, điều trị cho các thương binh, bệnh binh.

Trước đòi hỏi của chiến trường, ngày 10-2-1964, tại xã Vĩnh Đại, huyện Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường, Ban Dược X9 được thành lập gồm 38 cán bộ, chiến sĩ, do dược sĩ Nguyễn Liêm Khiết làm Trưởng ban và các đồng chí Lý Văn Kiên, Ba Hội, Nguyễn Vũ Sinh làm Phó ban. Tổ chức của Dược X9 được chia thành 4 bộ phận: Bộ phận Tiếp liệu - Sản xuất thuốc - Kho bảo quản, cất giữ và bộ phận Huấn luyện.

Trên chiến trường đồng bằng sông nước, trong tầm khống chế, kiểm soát của kẻ thù, kho tàng đóng ở đâu, địa điểm nào phù hợp với điều kiện sản xuất thuốc, nguồn dược liệu tìm ở đâu, lực lượng nào làm nhiệm vụ tiếp liệu… là những vấn đề hết sức nan giải mà Dược X9 phải lo.

Từ trong khói lửa chiến tranh, vượt qua biết bao gian nan, vất vả, ngành Dược Quân y Khu 8 ngày càng phát triển cả về lực lượng lẫn chuyên môn nghiệp vụ, hình thành một thế trận liên hoàn đáp ứng kịp thời đòi hỏi của chiến trường.

Ngoài hệ thống kho: X9A đóng ở Phum Xoài Preven Campuchia do dược sĩ Ba Hội, dược sĩ Hai Phụng và đồng chí Mai Xuân Diệp phụ trách, có nhiệm vụ sản xuất thuốc Đông - Tây y và nhận hàng viện trợ của các nước XHCN, từ miền Bắc hậu phương lớn chuyển vào bảo quản, cất giữ, sau đó chuyển về 2 kho X9B và X9C đóng trong nội địa.

Kho X9B đóng ở xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè do dược sĩ Lý Văn Kiên phụ trách, có nhiệm vụ nhận hàng từ kho X9A chuyển xuống, bảo quản, cất giữ và cấp phát cho các đơn vị Quân y trên chiến trường Mỹ Tho, Đồng Tháp, Bến Tre. Kho X9C đóng tại Long An, do các đồng chí Ba Tưởng, Thành Nam, Sáu Thanh phụ trách, có nhiệm vụ nhận hàng từ kho X9A chuyển xuống, bảo quản, cất giữ và cấp phát cho các đơn vị Quân y vùng Long An, Kiến Tường và Tây Nam Sài Gòn.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt “kho dã chiến” trong các nhà dân là cơ sở của Dược X9. Bọn địch không thể ngờ rằng những chiếc gối ôm để nằm, trong đó toàn là bông, băng, gạc; những chiếc hầm bí mật trong các vuông vườn là những hầm chứa các loại thuốc Đông, Tây y và các y cụ.

Từ 38 cán bộ, chiến sĩ ban đầu, sau nhiều khóa huấn luyện, đào tạo, quân số ngành Dược đã nâng lên 315 đồng chí. Bộ phận Huấn luyện do đồng chí Quách Tích Hỷ làm Hiệu trưởng, đồng chí Ba Nghiệp làm Hiệu phó cùng hai đồng chí dược sĩ đại học Hùng và Hiếu làm cán bộ giảng dạy.

Trường, lớp phân tán mỏng, đóng nhiều nơi; có những lúc địch càn quét liên miên, trường phải di dời liên tục. Thế nhưng, công tác đào tạo, huấn luyện vẫn không một ngày ngơi nghỉ, hết chiêu sinh lớp này lại tiếp tục chiêu sinh lớp khác.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn mọi bề, nhu cầu về thuốc men, y cụ ngày càng cao thì việc sản xuất thuốc càng gặp nhiều khó khăn, vất vả. Cơ sở sản xuất thuốc đặt tại Kho X9A do đồng chí Ba Kiên, Hai Phụng, Ba Diệp phụ trách.

Trong lúc thiếu nguồn dược liệu thì có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến đã sinh sôi, nảy nở. Không có bột glucosepur để pha chế dịch truyền, ngành Dược đã sử dụng một lượng vitamine C pha với một tỷ lệ đường cát trắng cho phép để tạo thành glucosepur, kịp thời pha chế được lượng dịch truyền phục vụ cho các cas phẫu thuật, cấp cứu.

Để đảm bảo đủ dịch truyền, có lúc dược tá Thu Niềm phải thức 24/24 giờ, liên tục nhiều ngày liền để chưng cất nước pha dịch truyền. Thậm chí có lúc cấp thiết, các đồng chí quân y đã sử dụng nước dừa xiêm để thay thế dịch truyền.

Mặc dù khó khăn, thiếu thốn, bom rơi, đạn nổ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Dược X9 vẫn thầm lặng, dũng cảm trong công tác điều chế, sản xuất ra nhiều loại thuốc Đông, Tây y cung cấp cho các đơn vị Quân y cấp cứu, điều trị cho thương binh, bệnh binh;  trong đó có các loại thuốc Tây như: Novocaine, Strychnine, Serumglucose, Serum Salle1 (các loại), Vitamine B1, Vitamine B6, Vitamine B12, Morphine, Calcium, Salicylate. Atropine… và các loại thuốc Đông y gồm: Cảm cúm, rượu thời khí, rượu bổ, Filatop, thuốc an thần, thuốc chữa đau dạ dày, dầu cù là...

Do tình hình chiến tranh ngày càng mở rộng, ác liệt nên ngành Dược Quân y Khu 8 thành lập thêm đơn vị K15H do dược sĩ đại học Đoàn Văn Cương phụ trách, đóng tại địa danh Gò Mối, Gò Bầy ở Campuchia để sản xuất thuốc men và bảo quản, cất giữ, tiếp liệu cơ sở vật chất y dược cho các chiến trường.

Nan giải nhất là bộ phận Tiếp liệu vì phải thường xuyên cơ động, mua bán, vận chuyển thuốc men, y cụ, vượt qua biết bao đồn bót địch để đưa về kho bảo quản, cất giấu hoặc vận chuyển cấp phát cho các đơn vị Quân y. Để đảm bảo nguồn tiếp liệu, Dược X9 đã hình thành 3 tổ tiếp liệu gồm: Tổ 1 do dược sĩ Nguyễn Thị Kim Dung phụ trách, đóng tại chợ Bà Tồn, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy) với hình thức công khai, sử dụng giấy căn cước hợp pháp để đi thu mua thuốc men, dược liệu vận chuyển về kho.

Tổ 2 do dược sĩ Ba Phương phụ trách, điểm tiếp liệu tại cồn Bình Thạnh, Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tổ 3 do dược sĩ Nguyễn Vũ Sinh phụ trách, đóng tại địa danh Đất Đỏ, Cồn Cò giáp biên giới Campuchia. Trong thế trận chiến tranh nhân dân, Dược X9 được bà con đùm bọc, che chở và giúp đỡ.

Nhiều quần chúng đã trở thành cơ sở của Dược X9, trở thành những tiếp liệu viên nòng cốt như ông Năm Vĩnh chuyên tiếp liệu y cụ cho Dược X9, đặc biệt là dụng cụ mổ; bà Nguyễn Thị Sao (Tám Sao) chuyên mua và vận chuyển các loại thuốc kháng sinh, dịch truyền chuyển về hậu cứ…

Năm 1972, trong một lần vận chuyển 970 chai dịch truyền Periston 500ml, 5.000 lọ Penicilline và một số Novocaine, Morphine, Chlorofort, bà bị địch bắt, chúng tra tấn dã man nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết, chấp nhận tù đày cho đến ngày giải phóng.

Không chỉ phục vụ chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Dược X9 còn trực tiếp cầm súng đánh địch, chống càn bảo vệ hàng, bảo vệ căn cứ. Trong tổng số 315 cán bộ, chiến sĩ của Dược X9 đã có 46 đồng chí anh dũng hy sinh. Nổi bật như tấm gương dược sĩ Lưu Thị Hồng Vân (Bé Chín), bắn địch đến viên đạn cuối cùng, sau đó đập gãy báng súng chấp nhận hy sinh chứ không chịu đầu hàng giặc.

Đồng chí Nguyệt Ánh bị địch phát hiện hầm bí mật, chúng kêu gọi đầu hàng nhưng đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; địch ném lựu đạn xuống hầm, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Trên đường vận chuyển thuốc men bằng xuồng, bị địch phát hiện, đồng chí Thái Hồng Kỳ cũng đã kiên cường đánh trả cho đến viên đạn cuối cùng, chấp nhận hy sinh, quyết không để hàng rơi vào tay địch.

Tổ tiếp liệu do đồng chí Nguyễn Vũ Sinh phụ trách, cùng 5 đồng chí trên đường vận chuyển hàng đụng địch, đã dũng cảm chiến đấu để bảo vệ hàng. Địch chết 4 tên, bị thương 7 tên; ta hy sinh đồng chí Lê Tấn Huệ. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Huệ còn ráng sức thều thào chỉ chỗ cất giấu 12 triệu đồng tiền tiếp liệu thuốc để đồng đội biết rồi mới yên lòng nhắm mắt ra đi…

Kết thúc chiến tranh, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Dược X9 đều trở về với cuộc sống đời thường, trở thành những công dân tốt; một số tiếp tục phấn đấu trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước và trong quân đội như: Dược sĩ Bảy Minh, Bảy Hằng hiện là đại tá công tác tại Bệnh viện 7A; dược sĩ Thành Nam làm Chủ tịch UBND Quận 5, TP. Hồ Chí Minh; Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Tiên làm Giám đốc Công ty cổ phần Dược Cao Lãnh; Dược sĩ Trần Thị Hà hiện là Đại tá, Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, Nghiên cứu và Chế biến Dược liệu Quân khu 9…

Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng những chiến công của Dược X9 vẫn còn đó, như là một vết son tô thắm thêm truyền thống của ngành Quân y Khu 8. Ghi lại những sự kiện này, vừa để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; vừa như là một nén nhang lòng tưởng nhớ đến những đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh để cho chúng ta có được cuộc sống tự do, độc lập hôm nay.

NGUYỄN VŨ SINH
(Phó ban Liên lạc truyền thống
ngành Y - Dược Khu 8)

.
.
.