Chủ Nhật, 12/05/2013, 07:02 (GMT+7)
.

Lấy ý kiến đóng góp Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Ngày 7-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang lấy ý kiến các sở, ban, ngành tỉnh đóng góp vào Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) có 5 chương, 76 điều; giảm 6 chương, 10 điều so với Luật năm 2005. Tuy đã sửa đổi, bổ sung nhưng dự án Luật vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Cụ thể, tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ quy định phạm vi điều chỉnh trong khu vực Nhà nước, còn khu vực ngoài Nhà nước rất khó điều chỉnh.

Tại Điều 10 quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí có nhiều trùng lắp (điểm a và c của khoản 1 trùng nhau, khoản 3 của điều này lại trùng với khoản 2 của Điều 8). Về nội dung tiết kiệm quy định trong các Điều 25, 27, 28 vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, cụ thể.

Theo khoản 1 Điều 7, công dân có quyền và trách nhiệm giám sát là không phù hợp. Các ý kiến góp ý chỉnh sửa: Công dân chỉ có quyền giám sát, chứ không có trách nhiệm giám sát.

Tại khoản 4 trong Điều 10 ghi: Có biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin lãng phí, nhưng lại không quy định biện pháp bảo vệ và ai bảo vệ người cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn cho rằng các điều quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã được nêu trong các luật chuyên ngành, cụ thể như: Từ Điều 40 đến Điều 47 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên đã được Luật Đất đai điều chỉnh; hay quy định tại Điều 30 đến Điều 39 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng đã được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư…

P. MAI

.
.
.