Thứ Hai, 24/06/2013, 10:09 (GMT+7)
.

Báo chí là ngọn lửa tỏa sáng niềm tin vào sự nghiệp CNH,HĐH đất nước

(Lược ghi phát biểu của Tiến sĩ TRẦN THẾ NGỌC, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang tại buổi Họp mặt kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)

Kể từ khi Báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của những người yêu nước Việt Nam theo xu hướng cộng sản, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thành lập và xuất bản số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, báo chí cách mạng đã trải qua chặng đường 88 năm hình thành và phát triển.

Ảnh: Như Lam
Tiến sĩ Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: Như Lam

88 năm, một chặng đường dài đã khẳng định vai trò quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tổ quốc luôn khắc ghi công lao của hơn 400 nhà báo liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc; trong đó Tiền Giang có 52 nhà báo đã cống hiến xương máu và cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước, mãi mãi là niềm tự hào - tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Báo chí cách mạng và các thế hệ người làm báo đã luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng vẻ vang của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, luôn tập trung cho mục tiêu và đối tượng phục vụ là nhân dân. Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, làm cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền và cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Báo chí đã nhân lên lòng nhân ái, những truyền thống quý báu trong đạo lý con người Việt Nam, làm cho cuộc sống tinh thần của nhân dân ta ngày càng thêm phong phú. Báo chí góp phần đưa thế giới gần lại nhau, đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa hơn.

Báo chí còn tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; phản ánh, phê phán những yếu kém trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, kể từ khi đất nước đổi mới, báo chí nước ta đã phát triển đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, đẹp và hấp dẫn hơn về hình thức, phản ánh nhanh nhạy nhiều mặt của cuộc sống, cung cấp cho độc giả nhiều tri thức, thông tin cần thiết và bổ ích, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới.

Cùng với báo chí cả nước, những năm qua báo chí trong tỉnh đã có bước phát triển đáng kể như Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn học - Nghệ thuật cùng các báo Trung ương và TP. Hồ Chí Minh thường trú tại Tiền Giang như: Báo Nhân Dân, Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, Người Lao Động, Phân xã Tiền Giang… đã có nhiều cố gắng cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo tỉnh đã có những hoạt động tích cực, tạo điều kiện cho người làm báo thi đua sáng tác, góp phần nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền. Mặt trận báo chí đã huy động được đội ngũ trí thức hùng hậu. Qua thực tế, đội ngũ những người làm báo không ngừng được rèn luyện và trưởng thành. Hiện nay, toàn tỉnh có 95 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, 149 hội viên Hội Nhà báo, trên 200 cộng tác viên (thường xuyên) luôn tâm huyết, gắn bó với nghề, cùng chung sức đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh.

Cùng với thành tích đạt được, chúng ta cũng thấy rằng so với yêu cầu phát triển báo chí khu vực, cả nước và xu thế hội nhập, báo chí Tiền Giang còn những tồn tại cần khắc phục, đó là: Nhiều nội dung tuyên truyền chưa toàn diện và sâu sắc, thường chỉ phản ánh thực tế mà thiếu những phát hiện, kiến nghị, đề xuất. Thông tin chưa phong phú, đa dạng, nhanh nhạy, kịp thời, nhất là những vấn đề mang tính nhạy cảm. Đội ngũ báo chí trong tỉnh chưa đạt được nhiều giải báo chí quốc gia. Hình thức tuyên truyền còn mang tính truyền thống, chưa hấp dẫn được nhiều độc giả… nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

Công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên chưa được thực hiện thường xuyên cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng tác nghiệp của những người làm báo. Chủ trương xã hội hóa báo chí chưa được thực hiện nhiều.

Trách nhiệm này thuộc về cả 2 phía: Những người lãnh đạo báo chí chậm đưa ra những chương trình và biện pháp thực hiện có kết quả; các cơ quan quản lý báo chí thiếu quan tâm chăm sóc về tinh thần và vật chất cho người làm báo.

Trong thời gian tới, chúng ta phải phấn đấu làm cho báo chí Tiền Giang xứng đáng là cái nôi văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành một trong những đơn vị đứng hàng đầu trong khu vực.

Năm 2013 và những năm tiếp theo có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, chúng ta đang đứng trước nhiều vận hội nhưng cũng không ít thử thách, gian nan. Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã phát hiện những tồn tại cần giải quyết.

Bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, những cao trào dân chủ cực đoan đầy tác động; tình hình kinh tế khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi; ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu, tỉnh ta nằm cuối nguồn của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch chỉa mũi dùi vào chúng ta... là những trở ngại lớn trong tiến trình đi tới. Do đó, để vượt qua nhiều thách thức, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực rất cao của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta; trong đó có vai trò của đội ngũ những người làm báo.

Chính vì vậy, những người cầm bút trong giai đoạn mới đang đối mặt với những thử thách mới: Hoạt động trong môi trường tràn ngập nhiều thông tin đa chiều, bị tác động bởi nhiều luồng văn hóa tư tưởng tích cực lẫn tiêu cực, bị chi phối bởi đời sống vật chất, trong đó có thu nhập của người làm báo chưa cao. Cho nên vấn đề giữ cho “cái tâm” trong sáng, rèn tài năng để nắm bắt, phản ánh thông tin một cách chính xác, đúng đắn và hấp dẫn quả là điều không dễ dàng. Đây là vấn đề đặt ra cho chính người cầm bút và người quản lý trên mặt trận báo chí.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của báo chí Tiền Giang trong thời gian tới phải hướng tới nhiều mục tiêu:

1- Mục tiêu cao cả nhất là phải xây dựng con người mới XHCN, có kỷ luật và kỹ năng, có văn hóa và lý tưởng sống lành mạnh, biết giữ gìn văn hóa truyền thống và hội nhập quốc tế.

2- Tích cực chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền và những tồn tại trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

3- Chống những tư tưởng lệch lạc, không phù hợp với thể chế chính trị nước ta và chống các biểu hiện “diễn biến hòa bình”.

4- Hình thành một xã hội bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh, ấm no và hạnh phúc.

5- Báo chí là cầu nối, tiền đề, phương tiện quan trọng để vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn kết các giai cấp, lực lượng dân cư, hệ thống chính trị nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vững bước trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Về giải pháp thực hiện:

1- Báo chí phải lấy sự lãnh đạo của Đảng làm hạt nhân lãnh đạo tư tưởng, đường lối, chủ trương trong từng thời kỳ, nhất là những vấn đề có tính nhạy cảm.

2- Xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên phải nắm vững tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kỹ năng và nghệ thuật làm báo; có trình độ cao, chịu khó bám sát cơ sở; có tác phong, đạo đức tốt; thông tin trung thực; thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo và đời sống được nâng cao.

3- Tiếp cận nguồn thông tin có chất lượng cao, kịp thời, chuẩn xác.

4- Cải tiến nội dung thông tin, đảm bảo phong phú, đa dạng, phân tích sắc bén, phù hợp thị hiếu và định hướng dư luận phải đúng chủ trương, đường lối; nhất là phải kịp thời phản bác những bài viết sai trái trên mạng đang diễn ra ngày càng nhiều như hiện nay.

5- Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật.

6- Hình thành mối quan hệ phối hợp: Nâng cao nghiệp vụ và cung cấp thông tin; các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định của Ðảng, Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo trong lĩnh vực công tác tư tưởng. Cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, khen thưởng, động viên kịp thời các cơ quan báo chí và các nhà báo có thành tích xuất sắc; đồng thời nhắc nhở, xử lý khi có sai phạm.

7- Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò Hội Nhà báo tỉnh - căn nhà chung của người làm báo, nơi hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm và cung cấp thông tin để góp phần cho hoạt động báo chí ngày càng hiệu quả.

8- Bản thân đội ngũ những người làm báo phải luôn đặt ra yêu cầu cao cho chính mình, xác định chất lượng sản phẩm báo chí sẽ quyết định cho sự phát triển.

Điều hết sức quan trọng, cần làm ngay là Ban Biên tập và phóng viên phải sớm nâng cao chất lượng thông tin trên báo in, báo điện tử, các chương trình phát sóng - phát hình, mở thêm các chuyên trang, chuyên mục mới, đáp ứng yêu cầu thông tin, nâng cao dân trí và giải trí lành mạnh, theo hướng “phục vụ cái nhân dân cần, chứ không phải những gì nhà báo có”... Có như vậy, báo chí mới tăng nhanh số lượng phát hành báo, thu hút đông đảo người đọc, người xem - nghe đài; cần mở rộng hoạt động tiếp thị các sản phẩm báo chí đến mọi đối tượng, phải đặt chỉ tiêu nâng dần tính tự giác của độc giả trong mua - đọc báo, đẩy mạnh phát hành báo đến các tầng lớp nhân dân.

Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách hỗ trợ, các cơ quan báo chí nên thực hiện các hoạt động xã hội hóa báo chí, mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, báo - đài bạn và các nhóm cộng đồng dân cư để làm phong phú thông tin được truyền tải; đồng thời nâng cao đời sống vật chất cho người làm báo. Do đó, các cơ quan báo chí trong tỉnh phải đặt ra chương trình, kế hoạch hoạt động 5 năm, hàng năm và lộ trình phát triển cụ thể (tăng kỳ - tăng số lượng phát hành, thời lượng phát sóng, doanh thu, hiệu quả và thu nhập người làm báo,...) để nhanh chóng khẳng định vị trí trong khu vực và toàn quốc.

Với truyền thống vẻ vang 88 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ làm báo luôn có mặt ở những mũi nhọn của cuộc sống, thể hiện ý thức công dân và trách nhiệm xã hội cao với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, báo chí trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tốt truyền thống, vượt qua mọi thách thức, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Trong không khí ấm áp và long trọng này, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên… và gia đình dồi dào sức khỏe - hạnh phúc, ngày càng sáng tạo được nhiều tác phẩm báo chí hay, có giá trị cao. Báo chí luôn là ngọn lửa giữ ấm hồn dân tộc, thông qua ngòi bút sắc bén để phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới. Báo chí là ngọn lửa tỏa sáng niềm tin vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vững bước tiến nhanh vào hội nhập quốc tế, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân vào một xã hội nhân ái, công bằng, văn minh, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện cho được ý nguyện và niềm tin tốt đẹp của nhân dân.

TTN

.
.
.