Thứ Sáu, 07/06/2013, 05:45 (GMT+7)
.

Công tác Thi đua-khen thưởng: Những phong trào tiêu biểu và đóng góp tích cực

Trải qua các giai đoạn, phong trào thi đua yêu nước ở Tiền Giang như ngọn cờ thúc bách Đảng bộ và nhân dân giành những thắng lợi có ý nghĩa.

Mở đầu là Chiến thắng Giồng Dứa ngày 25-4-1947, theo đánh giá sau này của Phòng Khoa học lịch sử quân sự Quân khu 9: “Chiến thắng Giồng Dứa là một trong những trận tiêu diệt tiêu biểu ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp; sau đó là chiến thắng Ấp Bắc lừng lẫy khắp năm châu ngày 2-1-1963 đã nêu cao tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, bước đầu đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Sau chiến thắng Ấp Bắc, ngày 25-3-1963 Trung ương Cục miền Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, và sau đó nhiều phong trào thi đua khác ra đời như: Phong trào “bám trụ một tấc không đi, một li không rời, tấc đất tấc vàng”; phong trào “nắm thắt lưng địch mà đánh”… đỉnh điểm là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết giao ước Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam bộ năm 2011
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết giao ước Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam bộ năm 2011.

Trong những ngày đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh; đồng thời phát động hai phong trào thi đua lớn: Thứ nhất là làm thủy lợi nội đồng chủ yếu bằng sức người (huy động lao động xã hội chủ nghĩa) để đào kinh, mương thoát phèn rửa đất, khai hoang vùng Đồng Tháp Mười; thứ hai là phong trào thi đua đắp đê biển ngăn mặn, đào kinh Xuân Hòa, kinh 14, kinh Nổi và hệ thống cống khép kín dẫn nước từ Chợ Gạo đến Gò Công để cung cấp nước ngọt cho dân sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp từ 1 lên 2 vụ rồi 3 vụ.

Kết quả từ hai phong trào thi đua lớn này đã làm thay đổi bộ mặt từ vùng đất trũng đầy phèn, mặn, từ đất không sản xuất hoặc chỉ sản xuất một vụ lúa bấp bênh thành đất sản xuất tươi tốt, tạo nên một khu vực Gò Công và Tân Phước trù phú như ngày hôm nay.

Từ những thành tựu và hiệu quả mang lại sau 10 năm thực hiện hai phong trào thi đua, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Thủy lợi (nay đã nhập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng kết đề nghị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tặng nhiều Huân chương Lao động và Bằng khen của Thủ tướng cho nhiều tập thể và cá nhân.

Từ sau khi có Luật Thi đua, Khen thưởng của 2005, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh Tiền Giang luôn ổn định từ tổ chức bộ máy ở Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; mỗi sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, doanh nghiệp, huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng; công tác khen thưởng tổng kết thành tích qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đế quốc Mỹ cứu nước cơ bản đã hoàn thành với trên 120.000 đối tượng có công giúp đỡ cách mạng được khen thưởng; nhiều lượt tập thể và cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.

Đặc biệt là từ năm 2005 trở lại đây, với vai trò tham mưu tích cực của Ban Thi đua- Khen thưởng tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phát động nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Quy chế dân chủ ở cơ sở, Dân vận khéo - Dân vận chính quyền”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh về quân sự - quốc phòng”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phòng, chống dịch bệnh ở người”, “Phòng, chống dịch, bệnh trên cây trồng và vật nuôi”…

Qua phong trào thi đua được đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, nâng cao nhận thức các cấp lãnh đạo và mang lại hiệu quả. Đặc biệt phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” có sức lan toả rộng lớn thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, nhất là nông dân đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngày nay.  

Trong 10 năm qua, Ban Thi đua - Khen thưởng đã làm tốt công tác tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chủ tịch nước tặng thưởng 4.122 Huân, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng cho nhân dân, cán bộ và gia đình liệt sĩ có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước;

Tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho 30 cá nhân; tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 24 tập thể và 15 cá nhân; phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 3 tập thể và 2 cá nhân; danh hiệu vinh dự nhà nước “Thầy thuốc ưu tú”, “Nhà giáo ưu tú”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho 42 cá nhân;

Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua cho 57 tập thể, phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 19 cá nhân, Bằng khen cho 105 tập thể và 539 cá nhân; các Bộ, ngành Trung ương tặng thưởng Cờ và Bằng khen cho 1.800 tập thể và cá nhân;

UBND tỉnh tặng thưởng Cờ thi đua cho 465 tập thể, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 710 cá nhân, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho 4.426 tập thể, Bằng khen cho 17.000 tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao về thành tích toàn diện, chuyên đề và đột xuất.

Hiệp y với Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho 336 tập thể và 328 cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là giữ vai trò chủ yếu trong việc tham mưu tham gia Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam bộ trong 7 năm qua, được Thủ tướng Chính phủ tặng 7 Cờ thi đua (là tỉnh duy nhất trong cả nước đạt 7 Cờ qua 7 năm tham gia)

Đối với Ban Thi đua - Khen thưởng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cấp trên đánh giá cao, vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

        ĐÌNH HẢI

.
.
.