Thứ Hai, 10/06/2013, 11:35 (GMT+7)
.

ĐBQH TG Trần Văn Tấn: Góp ý dự án Luật Hòa giải cơ sở

Trong phiên họp ở Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải cơ sở, đại biểu Trần Văn Tấn , Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang nêu 6 vấn đề cụ thể như sau:

Một là, về công nhận hòa giải viên được quy định tại Điều 8, thống nhất với phương án bầu công nhận hòa giải viên ở cơ sở. Vì hòa giải viên do chính dân bầu để thực hiện quyền làm chủ của công dân ở cơ sở và phù hợp với quy định tại Khoản 4, Điều 2 của dự án luật. Tuy nhiên, trong việc thực hiện, đề nghị cần xem xét 2 vấn đề như sau:

Thứ nhất, về kết quả bầu hòa giải viên tại Điểm a, Khoản 4, Điều 8 quy định: Tỷ lệ 50% tổng số người tham dự họp đồng ý người trong danh sách bầu vào hòa giải viên thì được công nhận là hòa giải viên.

Nhưng dự án luật lại chưa quy định tỷ lệ người đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp và tham gia bầu chọn hòa giải viên trên tổng số hộ của thôn. Vì vậy, để đảm bảo quy định được chặt chẽ, kết quả bầu cử được công bằng, khách quan, thể hiện được đa số ý chí của người dân ở cơ sở, đề nghị bổ sung vào Điểm a, Khoản 4 tỷ lệ người đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp và tham gia bầu chọn là 50% trên tổng số hộ gia đình.

Thứ hai, quy định tại Khoản 5, Điều 8 về việc kiện toàn, củng cố tổ hòa giải theo định kỳ 3 năm 1 lần là không phù hợp với tên điều của dự án luật là bầu công nhận hòa giải viên. Vì vậy, đề nghị chuyển Khoản 5, Điều 8 xuống Điều 12 về thành lập tổ hòa giải.

Hai là, về thành lập tổ hòa giải được quy định tại Điều 12, thống nhất việc quy định không thành lập Ban hòa giải hoặc Hội đồng hòa giải cấp xã vì không đúng với tính chất hòa giải ở cơ sở là giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp của công dân tại cộng đồng và sẽ làm hạn chế quyền công dân như quyền khiếu nại, quyền khởi kiện. Đề nghị:

Thứ nhất, xem lại quy định tại Khoản 2: Tổ hòa giải có Tổ trưởng và hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Quy định như dự án luật là chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo cơ cấu tỷ lệ nam - nữ tham gia tổ hòa giải phù hợp với việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và quy định tại Khoản 5, Điều 4 của dự án luật. Vì vậy, đề nghị quy định tỷ lệ hòa giải viên là nữ tối thiểu trong tổ hòa giải và được thể hiện lại như sau: Mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có ít nhất 30% hòa giải viên là nữ.

Thứ hai, chuyển Khoản 5, Điều 8 xuống Điều 12 và trở thành Khoản 4 của điều này. Như vậy tên Điều 12 là “Thành lập và kiện toàn tổ hòa giải”.

Ba là, về nguyên tắc hoạt động hòa giải được quy định tại Điều 4, đề nghị dự án luật cần kế thừa các nguyên tắc được quy định tại Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở như: nguyên tắc kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hòa giải vì khác với các loại hình hòa giải khác.

Pháp luật không quy định thời hạn tiến hành hòa giải và thực hiện hòa giải cho thấy có nhiều vụ tranh chấp trong cộng đồng dân cư diễn ra trong một thời gian dài, đòi hỏi hòa giải viên phải chủ động, kiên trì, tranh thủ từng thời điểm thích hợp để gặp gỡ các bên, dần dần mới thuyết phục các bên tranh chấp ngồi lại với nhau để tự giải quyết.

Bốn là, về thôi hòa giải viên, để đảm bảo tính thống nhất về quy định giữa các điều trong cùng 1 dự án luật, đề nghị nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 11 bổ sung vào sau cụm từ “...Tổ trưởng tổ hòa giải...” cụm từ  “thay mặt tổ hòa giải” và thể hiện lại quy định này như sau: “Trường hợp thôi làm hòa giải viên theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều này thì Tổ trưởng tổ hòa giải thay mặt tổ hòa giải đề nghị Trưởng ban công tác Mặt trận báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cho thôi làm hòa giải viên”.

Năm là, về Tổ trưởng tổ hòa giải được quy định tại Điều 14. Tại Khoản 1 điều này quy định việc tiến hành bầu Tổ trưởng tổ hòa giải nhưng lại không quy định trong trường hợp Tổ trưởng tổ hòa giải có nguyện vọng thôi làm Tổ trưởng hoặc các thành viên tổ hòa giải nhận thấy Tổ trưởng tổ hòa giải không còn xứng đáng đảm nhận chức danh trên thì xử lý như thế nào.

Đề nghị bổ sung 1 khoản là Khoản 2 điều này với nội dung quy định như sau: “Tổ trưởng tổ hòa giải được thôi làm Tổ trưởng theo nguyên vọng của mình hoặc theo yêu cầu của 2/3 thành viên tổ hòa giải. Việc cho thôi làm Tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín.

Kết quả cho thôi làm Tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cho thôi làm Tổ trưởng tổ hòa giải”. Như vậy quy định tại Khoản 2 của dự án luật sẽ trở thành Khoản 3 của Điều 14 dự án luật.

Sáu là, về kỹ thuật văn bản, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và điều chỉnh cho thống nhất về nội dung quy định giữa các điều luật trong cùng 1 dự án luật. Tại Khoản 2, Điều 2 về giải thích từ ngữ cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, khóm, tổ dân phố, cộng đồng dân cư khác. Sau đây gọi chung là thôn nhưng ở các Điều 8, 11, 15 và Điều 22 vừa quy định nhiệm vụ của trưởng thôn, vừa quy định nhiệm vụ của tổ trưởng tổ dân phố.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.