Thứ Sáu, 21/06/2013, 09:52 (GMT+7)
.

ĐBQH Trần Văn Tấn: Góp ý dự án Luật Thực hành tiết kiệm,chống lãng phí

Trong phiên họp ở hội trường để thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Văn Tấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang quan tâm những vấn đề chung và cụ thể như sau.

Một là, về định mức tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự án luật lần này đã quy định rõ nguyên tắc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức tiêu chuẩn, chế độ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành sửa đổi, bổ sung trách nhiệm thực hiện, chế độ và trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Tuy nhiên, đề nghị dự án luật cần bổ sung quy định chế tài đối với người có thẩm quyền, có hành vi không tuân thủ, không ban hành, chậm ban hành hoặc cố tình ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ không đảm bảo tính khoa học, không phù hợp với thực tiễn hoặc bất hợp lý nhưng vẫn được áp dụng trong một thời gian dài làm khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện.

Hai là, dự án luật quy định có 6 lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khác nhau, có hành vi vi phạm khác nhau, nhưng tất cả đều được giao Chính phủ quy định chi tiết và đối với các hành vi vi phạm đều quy định có cách xử lý giống nhau như giải trình, bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm như quy định tại Khoản 2 của các điều: 24, 29, 39, 47, 52, 56. Vì vậy, đề nghị tập hợp các điều quy định vừa nêu lại thành chương quy định xử lý vi phạm và có chế tài cụ thể. Đồng thời, để chống lãng phí có hiệu quả thì một trong các điều kiện cần quy định là hành vi lãng phí phải được định lượng cụ thể, nếu lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí đến mức nghiêm trọng thì phải được xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu biện pháp chế tài theo hướng chỉ đặt ra nhưng chưa kiểm tra được những hành vi cụ thể mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí.

Ba là, về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định tại Điều 8, đề nghị nghiên cứu 2 vấn đề sau:

Thứ nhất, tại Khoản 1 quy định: Người đứng đầu phải xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong phạm vi, lĩnh vực trong cơ quan, tổ chức được giao quản lý, xây dựng các giải pháp để thực hiện nhằm đạt mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quy định như dự án luật là chưa đủ, đề nghị bổ sung nội dung quy định tổ chức thực hiện chương trình và định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung chương trình, giải pháp thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ hai, dự án luật phải quy định thẩm quyền xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người trong cơ quan, tổ chức mình có hành vi lãng phí mà chưa đề cập đến tuyên dương, khen thưởng những người có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào cuối quy định tại Khoản 4, Điều 8 nội dung quy định “kịp thời khen thưởng cá nhân, tổ chức thuộc quyền có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện lãng phí và cung cấp thông tin về lãng phí”.

Bốn là, về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí được quy định tại Điều 10: Việc phát hiện lãng phí là một trong những khâu quan trọng của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng quy định tại Khoản 4 điều này là quá chung, khó hiểu như “thông tin phát hiện lãng phí đã phản ảnh dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “thực hiện các hình thức khác” được quy định tại Khoản 1, hay thế nào là “thông tin lãng phí có giá trị” hoặc “có biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin lãng phí” được quy định tại Khoản 4. Như thế, chỉ có thông tin về lãng phí, còn quy định về thông tin lãng phí là chưa chính xác. Theo quy định của dự án luật, đây là những nội dung quan trọng làm cơ sở để khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân phát hiện lãng phí. Vì vậy đề nghị dự án luật cần quy định có cơ chế phát hiện, phản ảnh, tố giác hành vi lãng phí; các hình thức thông tin cụ thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tiếp nhận, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và thông báo công khai kết quả.

Năm là, về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán Nhà nước, kiểm soát chi của kho bạc Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định tại Điều 11: Đề nghị xem lại tên luật với nội dung quy định của điều này, vì nội dung của điều này quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm soát chi về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không phải là nội dung quy định hoạt động của đơn vị, ngành chuyên môn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy đề nghị tên Điều 11 được thể hiện lại như sau: Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm soát chi về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sáu là, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động tại cơ quan, tổ chức Nhà nước được quy định tại Điều 4: Hiện nay, để quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động có hiệu quả, nhiều cơ quan, tổ chức đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như lắp đặt camera trong cơ quan, sử dụng máy quét thẻ công nhân để kịp thời phát hiện và rút kinh nghiệm đối với các trường hợp vi phạm nội quy, thời gian làm việc của người lao động. Đề nghị bổ sung vào điều này Khoản 6 với nội dung quy định áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.